25/08/2019 14:19 GMT+7

Hư cấu không thể thiếu

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Triển lãm chung 'Hư cấu không thể thiếu', hai họa sĩ Tammy Nguyễn và Hà Ninh đã tìm về những câu chuyện thần thoại và khai thác cuộc chiến nội tâm để thiết lập hình hài của một không gian giả tưởng của riêng họ.

Hư cấu không thể thiếu - Ảnh 1.

Tác phẩm Ai Ai Ai Ai Ai Ai Ai của họa sĩ Tammy Nguyễn

Tuổi Trẻ ngày 11-8 có bài viết 'Thế giới mới - mỏ vàng của người sáng tạo', trong đó đặt ra những câu hỏi về khả năng thiết lập thế giới giả tưởng của tác giả Việt Nam. Một tuần sau, giới sáng tạo - những họa sĩ, đã có câu trả lời.

Triển lãm diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, Q.2, TP.HCM) từ nay đến ngày 27-10.

1. Thế giới giả tưởng của họa sĩ Tammy Nguyễn với 12 bức tranh và một chuỗi sắp đặt được lấy cảm hứng từ câu chuyện về chàng Narcissus trong trường ca Metamorphoses của Ovid.

Narcissus là chàng trai đẹp nhất trần gian nhưng lại phải lòng chiếc bóng của mình phản chiếu trên mặt nước và cuối cùng chết trong đau khổ vì chiếc bóng không thể đáp trả tình yêu của chàng.

Cái chết đã biến Narcissus thành đóa hoa thủy tiên bên bờ sông và những tác phẩm của họa sĩ Tammy Nguyễn tiếp nối câu chuyện từ đây.

Narcissus và những đóa thủy tiên tượng trưng cho sự ái kỷ của loài người. Xuyên suốt các tác phẩm, họa sĩ Tammy Nguyễn đã để cho hạt giống đóa hoa thủy tiên theo dòng chảy của con sông đi khắp mọi nơi.

Trong bức tranh Ai Ai Ai Ai Ai Ai Ai, những hạt giống thủy tiên nảy mầm đến tận phía chân trời, còn ở Tiếng vọng từ đỉnh Mont Blanc du Tacul, hoa thủy tiên bao phủ cả một vùng đồi núi. Quá trình sinh sôi mãnh liệt này tượng trưng cho niềm khao khát quyền lực vô hạn của con người, khởi điểm cho chủ nghĩa thực dân ra đời.

Trong thế giới hư cấu của họa sĩ Tammy Nguyễn, con người - dưới hình hài của đóa thủy tiên, không phải là lực lượng duy nhất mà song song đó là sự tồn tại của thiên nhiên. Tác phẩm Nắng lên là một lời dự báo của nghệ sĩ về những hậu quả con người phải gánh chịu khi xem thường tự nhiên và tìm mọi cách để khai thác tài nguyên.

Hư cấu không thể thiếu - Ảnh 2.

Tác phẩm B5 - Pháo đài sáp của họa sĩ Hà Ninh

2. Nếu họa sĩ Tammy Nguyễn sáng tạo thế giới dựa trên thần thoại thì họa sĩ Hà Ninh lại kiến tạo mảnh đất của mình bằng những tấm bản đồ chằng chịt.

Không thỏa hiệp với cách vẽ bản đồ hiện tại đang phân cực thế giới và biến những người đến từ đất nước khó khăn thành những kẻ lạ lẫm ở một quốc gia phát triển, họa sĩ Hà Ninh đã tạo nên một bản đồ riêng cho thế giới nội tâm.

Được thể hiện qua chất liệu than, chì màu, acrylic, 11 tác phẩm của họa sĩ Hà Ninh thực ra là những chi tiết rất nhỏ của một không gian hư cấu cực lớn với hệ trục tọa độ và thời gian hoàn toàn tách biệt thế giới thực.

Theo họa sĩ Hà Ninh chia sẻ, các tấm bản đồ này từ tổng thể như Bản đồ mẹ cho đến chi tiết như tác phẩm B5 - Pháo đài sáp hay F7.B - Bảo tàng các phân đoạn ký ức đều đến từ những ký ức và sự vật lộn của họa sĩ trong đời sống cá nhân.

Thế nhưng, họa sĩ Hà Ninh cho rằng những nhân vật trong bản đồ của anh đang dần có đời sống và lý lẽ riêng, để rồi đôi khi anh phải chạy theo thế giới ảo do chính mình tạo ra và trở thành một phần của nó.

Khoảnh khắc người sáng tạo: Biết mình muốn gì, cánh cửa sẽ mở ra Khoảnh khắc người sáng tạo: Biết mình muốn gì, cánh cửa sẽ mở ra

TTO - Thế giới sáng tạo của những 'kẻ mộng mơ' biến thành cơn ác mộng nếu ý tưởng không trở thành sản phẩm.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên