Bốn cô con gái Hương, Hồng, Hoa, Quá trong phim Đò dọc - Ảnh: Holy King |
Vẫn còn nhiều điều chưa thật hài lòng về một bộ phim xưa, nhưng đạo diễn Lê Hùng Phương tự tin cho rằng: “Tinh thần và “hồn cốt” tác phẩm của cụ Bình Nguyên Lộc được thể hiện 90%
trong phim”.
* Sản xuất phim trên nền câu chuyện xưa gặp một số khó khăn. Ðể có được con số 90% này, hẳn anh đã có nhiều giải pháp hóa giải những khó khăn đó?
- Về kịch bản, tôi và biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc đã đọc kỹ và làm việc chi tiết với con trai út của cụ Bình Nguyên Lộc.
Ðiều tôi tâm đắc nhất là chọn các diễn viên hợp vai. Chọn được hai bối cảnh chính tiệm vali Nam Thành - góc phố Sài Gòn thập niên 1950 và bối cảnh Thái Huyên Trang - vùng Linh Chiểu, Thủ Ðức thời đó. Tôi được êkip kỹ thuật, D.O.P set up màu từ tiền kỳ cho đến hậu kỳ, đúng tông màu mình chọn. Nhạc sĩ Ðức Trí đã đảm nhận phần làm nhạc phim kỹ và hay!
Tất nhiên việc chuyển thể tác phẩm văn học thành phim - điều không tránh khỏi tranh luận của khán giả và đạo diễn, tác giả gốc và đạo diễn. Riêng tôi nghĩ phim là phim, truyện là truyện.
Thế giới của truyện là do mỗi người đọc thích, tưởng tượng, vẽ cho mình không gian riêng! Ra phim thì tác phẩm đó được sáng tạo qua biên kịch và đạo diễn, diễn viên, quay phim... không nên so sánh chi tiết quá. Nhưng việc sáng tạo của êkip phim cũng đừng quá xa rời nội dung truyện!
Với Ðò dọc, cũng có nhiều điều chưa hài lòng. Ðạo cụ phim quá xưa và nhiều phim đã sử dụng. Tôi muốn vẽ 3D xác con trâu bị mấy con kên kên, diều hâu rỉa thịt. Nhưng cuối cùng kinh phí không đủ, chỉ có thể làm 3D cho cảnh cô Quá (Phương Khánh đóng) rơi xuống vực.
Có cảnh dọn nhà, đoàn phim đã tìm được xe camnhông. đến ngày quay xe hư phải sửa hơn nửa tháng. Lịch phim sắp hết, diễn viên bận không sắp xếp được thời gian. Ðành chịu...
* Trong phim ông bà Nam Thành luôn khắc khoải mong cho bốn cô gái Hương, Hồng, Hoa, Quá tìm được tấm chồng. Có vẻ như tư tưởng này trong xã hội ngày nay đã có nhiều thay đổi...? điều anh cảm thấy tâm đắc trong câu chuyện này là gì?
- Ðúng là phụ nữ ngày nay được “cởi trói” nhiều, nhưng chuyện lo chồng của bốn cô gái nhà ông Nam Thành chỉ là một phần chính của ý nghĩa gửi vào trong tác phẩm của cụ Bình Nguyên Lộc.
Khi xem phim khán giả sẽ thấy được cách dạy con rất hay của ông Nam Thành. Nếp nhà, thuần phong mỹ tục cần giữ vẫn phải giữ. Chuyện bếp núc, con gái cần phải biết chút ít để biết lo cho chồng con.
Tuy nhiên, cách cho con tiếp cận với cuộc sống của ông Nam Thành cũng rất văn minh và tiến bộ. Ví dụ như ở xóm me Tây, giao du với me Tây mà các cô con gái vẫn không hề ảnh hưởng, ngược lại có cái nhìn chia sẻ cùng họ. Hay ông cho các con mình được quyền lựa chọn người yêu. Ông chỉ góp ý thôi!
Ðò dọc kể về bước truân chuyên của gia đình ông Nam Thành do những biến động xã hội những năm 1950. Là thầy giáo dạy học ở Bạc Liêu, chiến tranh loạn lạc, gia đình ông di tản lên Sài Gòn kiếm sống rồi lại lui về vùng quê (miệt Thủ Ðức, Bình Dương) để lập trang trại, đặt tên Thái Huyên Trang. Từ thành thị về nông thôn, bốn cô con gái của ông Hương, Hồng, Hoa, Quá tuổi từ 22-28 không thể hòa nhập cuộc sống ở nông thôn vì khác biệt về nhận thức, thói quen, văn hóa... Ðó là nỗi lo lớn nhất của ông bà Nam Thành vì khả năng cả bốn cô con cưng ế chồng là rất lớn... Dài 32 tập, Ðò dọc do TFS sản xuất, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chuyển thể từ tiểu thuyết Ðò dọc và một số tác phẩm của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Phim có sự tham gia của các diễn viên Quách Ngọc Ngoan, Lê Chi Na, Phan Như Thảo, Phương Khánh, Hoàng Thy, Kiều Khanh, Thủ Tín, Nguyễn Thu Trang, Minh Phượng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận