HSBC bị cáo buộc giúp khách hàng tại 200 quốc gia và lãnh thổ trốn thuế - Ảnh: AFP |
Truyền thông Thụy Sĩ hôm qua tiết lộ như trên.
Các hồ sơ mới nhất trong vụ rò rỉ, còn được gọi là SwissLeaks, cho thấy trong các năm 2004 và 2005, nhân viên ngân hàng này đã có ít nhất 1.645 cuộc gặp tại 25 quốc gia với khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng.
Theo các tờ báo Tages Anzeiger và Le Temps, các cuộc gặp diễn ra ở nhiều nơi khác nhau như các khách sạn sang trọng ở Paris và Tel Aviv, quầy rượu ở Antwerp, sân bay ở Pointe-Noire, Congo, và một ngôi nhà nghỉ hè ở Copenhagen.
Các cuộc gặp do các "quản lý quan hệ khách hàng" của HSBC sẽ là hợp pháp nếu đó chỉ là các cuộc gặp xã giao chứ không phải nhằm giúp ngân hàng thu được nguồn vốn mới hoặc giúp khách hàng tránh thuế, các tờ báo trên cho biết.
Năm trong số 25 quốc gia là Mỹ, Pháp, Argentina, Tây Ban Nha và Bỉ đã bắt đầu triển khai hành động pháp lý chống lại HSBC Thụy Sĩ.
Theo một hồ sơ SwissLeaks, một người đàn ông gốc Thổ Nhĩ Kỳ về hưu đã gặp một quản lý quan hệ khách hàng của HSBC tại Paris vào đầu năm 2005.
"Vị khách hàng muốn gặp tôi để thảo luận đóng hai tài khoản ở Barclays và UBS và chuyển (tiền) sang chúng tôi" - lời viên quản lý được ghi lại, trong đó nói thêm rằng ông hy vọng ngân hàng sẽ nhận khoảng một triệu USD trong giao dịch.
Ngoài ra, các tờ báo cũng cho biết các nhân viên ngân hàng này cũng lợi dụng các cuộc gặp để vẽ cách giúp khách hàng của họ để tránh thuế ở châu Âu đánh trên các khoản tiền gửi ở Thụy Sĩ do công châu Âu nắm giữ.
Khoản thuế, được gọi là Thỏa ước tiết kiệm của châu Âu, có hiệu lực từ năm 2005.
Do thỏa ước chỉ nhắm đến các tài khoản do các cá nhân nắm giữ, HSBC Thụy Sĩ đã đề nghị các khách hàng tạo một công ty nước ngoài và đặt tiền của họ vào đó.
Các hồ sơ SwissLeaks đang tạo ra chấn động toàn cầu, làm lộ các chuyện tài chính của những những nhân vật siêu giàu trên thế giới và buộc Anh khởi động một cuộc điều tra đối HSBC.
Các tên xuất hiện trong hồ sơ, được tiết lộ cuối tuần trước, bao gồm những người nổi tiếng, những tay buôn vũ khí và các chính trị gia. Tổng cộng, chi nhánh Thụy Sĩ của HSBC đã giúp khách hàng tại hơn 200 quốc gia trốn thuế đối với các tài khoản trị giá gần 120 tỉ USD.
Herve Falciani, người thổi còi của vụ rò rỉ, đã trộm các hồ sơ trong năm 2007 và chyển chúng cho chính quyền Pháp nhưng số hồ sơ đã không được công khai.
Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thu thập được các hồ sơ thông qua tờ báo Pháp Le Monde và chia sẻ chúng với hơn 45 tổ chức truyền thông khác trên toàn thế giới.
Cơ quan quản lý tài chính Anh hôm qua thừa nhận không hay biết gì về việc HSBC giúp khách hàng trốn thuế cho đến khi vụ việc bị báo chí phanh phui.
Theo AFP, Cơ quan Hải quan và Thuế vụ Anh (HMRC) nhận được về 3.600 doanh nghiệp Anh và cá nhân trốn thuế năm 2010 và thu hồi khoảng 206 triệu USD, nhưng Martin Wheatley, lãnh đạo Cơ quan kiểm soát tài chính của London (FCA), khẳng định không thấy có cáo buộc cụ thể nào.
Tuy nhiên nhiều người tỏ ra hoài nghi vì FCA đã làm việc rất chặt chẽ với HSBC từ năm 2013 để thúc đẩy ngân hàng này triển khai các quy định chống rửa tiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận