Cuộc sống ở Việt Nam thường mang lại cho tôi những khoảnh khắc thú vị, nhưng đôi khi cũng làm tôi lúng túng, trong số đó có lần tôi ăn một cái hot dog mà sao… nó lạ lắm.
Khoảng đâu chục năm trước, lúc vừa mới đến TP.HCM được vài tuần, bụng dạ tôi vẫn chưa quen với đồ ăn ở đây nên thường bị khó chịu.
Sau đó tôi được một người đồng hương giới thiệu để đi dạy. Ngày đầu tiên đi làm, tôi nhận lớp tại một trường công lập ở quận 3.
Vừa đến trường thì bụng tôi bắt đầu đau, ngó quanh thì thấy một tấm bảng hiệu quen quen. Không phải bún bò, cơm tấm, hay bánh mì, mà chính là HOT DOG. Đúng vậy, chính là hot dog.
Tôi mỉm cười sung sướng, cuối cùng cũng tìm thấy một món đồ Tây quen thuộc.
Tôi lê bước từ bãi xe ra cổng trường, tiến đến quầy bán hot dog. Không một chữ tiếng Việt lận lưng, tôi giơ một ngón tay lên rồi nói “one hot dog please” (làm ơn cho tôi 1 cái hot dog).
Cô bán hàng nhìn tôi bối rối và lẩm nhẩm gì đó bằng tiếng Việt, còn tôi thì cứ liên tục “one hot dog, one hot dog” và chỉ vào tấm biển hiệu trên xe bánh của cô.
Đoạn, cô chẳng buồn đoán xem tôi nói gì nữa, cứ thế làm đồ ăn cho vào túi rồi đưa tôi.
Tôi gửi tiền cho cô, cũng không mắc lắm, rồi đi vào trường tìm chỗ ngồi ăn, lòng mừng thầm vì sắp được ăn một cái hot dog nóng hổi, có xúc xích Đức kẹp bánh mì mềm thơm ăn kèm tương cà mà mình vẫn quen thuộc.
Giây phút mở túi bánh ra, tôi như chết lặng.
Cái hot dog tôi đang cầm không phải là cái hot dog mà tôi tưởng tượng. Thay vào đó, nó là một cái bánh sandwich hình tam giác.
Tôi mua một cái hot dog, và người ta cho tôi một cái waffle (bánh tổ ong/bánh kẹp). Một cái waffle nướng có vị ngọt kèm nhân phô mai bên trong.
Làm gì bây giờ? Lúc đó tôi không biết làm gì hết, cứ thế ăn cái bánh, rồi đi vào lớp.
Suốt những tháng sau đó, tôi “học” được rằng hot dog mà người ta bán trên đường phố Việt Nam không phải là hot dog, mà là kiểu như một loại bánh kẹp, bánh mì gì đó nướng.
Những người bán khác nhau còn có các phiên bản khác nhau, nhưng tất cả dường như đều có 2 phần là bánh và phô mai, một số chỗ còn có nhân thịt và các loại nhân khác.
Khác biệt văn hóa này kích thích tôi tìm hiểu hot dog kiểu Việt Nam là như thế nào.
Hot dog kiểu Việt Nam là gì?
Từ những thông tin ít ỏi mình tìm được, có vẻ như hot dog Việt Nam chỉ mới phổ biến vào khoảng đầu thế kỷ này.
Một số câu chuyện không có bằng chứng mà tôi đọc được nói rằng có thời gian những người nội trợ ở Việt Nam bắt đầu mua nhiều loại thiết bị điện tử, và một trong những mặt hàng được ưa chuộng là máy nướng bánh mì sandwich.
Trong khi đó, trẻ con thì cần ăn món gì đó no bụng và rẻ vào buổi sáng cũng như sau giờ học, nên các bà mẹ bắt đầu dùng máy này để làm ra những cái hot dog kiểu Việt Nam.
Từ đó, một số người bắt đầu bán loại bánh này trước cổng trường.
Trẻ con thường thích các món ăn nhanh hơn là các món no như cơm tấm, hủ tiếu… nên chiếc bánh hot dog với vị ngọt của bánh, mằn mặn của phô mai, thỉnh thoảng còn có thêm xúc xích quả là một lựa chọn hoàn hảo của đám con nít.
Tôi không tìm được vì sao người ta lại gọi món này là hot dog, nhưng mạnh dạn đoán rằng việc tấp xe vào mua một cái hot dog ở Việt Nam cũng giông giống việc người ta mua vội một cái hot dog trên đường phố Mỹ vậy.
Theo thời gian, món hot dog Việt Nam trở nên phổ biến ở nhiều nơi. Chỉ với 5.000 - 6.000 đồng, bạn có thể dừng lại và mua bất cứ lúc nào. Một cái hot dog không đủ to để làm bạn ngán, nhưng lại vừa đủ cho bạn một chút năng lượng để có thể về đến nhà hoặc đến cuộc họp tiếp theo chẳng hạn.
Tôi bây giờ có xu hướng chuyển sang những lựa chọn mới mẻ hơn khi ăn nhẹ giữa các bữa, nhưng vẫn luôn bật cười một mình khi bắt gặp một người bán “hot dog Việt Nam”. Hot dog mà lại không phải là hot dog.
Nếu bạn vẫn chưa ăn món này thì hãy thử ít nhất một cái trong chuyến du lịch của mình đến Việt Nam, đồng thời nhớ chụp ảnh bảng hiệu hot dog rồi khoe lên mạng nhé.
Đây là một nét sáng tạo và tuyệt vời của văn hóa Việt Nam, khiến cho đất nước này trở nên đặc biệt và độc đáo ở mọi nơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận