17/10/2016 13:27 GMT+7

'Hot boy kẹo kéo' Vĩnh Phúc từ lề đường lên sân khấu

HỮU KHOA - NGỌC HIỂN, huukhoa@tuoitre.com.vn
HỮU KHOA - NGỌC HIỂN, [email protected]

TTO - Từ một người thợ cắt tóc nhảy sang hát kẹo kéo, rồi làm video ca nhạc (MV) và đi thi truyền hình thực tế, đùng một cái, “hot boy kẹo kéo” Bùi Vĩnh Phúc trở thành ca sĩ được mời đi lưu diễn khắp cả nước với giá catsê bạc triệu.

Từ hát lề đường, Bùi Vĩnh Phúc đã bước lên ánh đèn sân khấu - Ảnh nhân vật cung cấp
Từ hát lề đường, Bùi Vĩnh Phúc đã bước lên ánh đèn sân khấu - Ảnh nhân vật cung cấp

Được trở thành ca sĩ như Phúc là ước ao của biết bao nhiêu “ca sĩ” kẹo kéo, nhưng không phải ai cũng may mắn như chàng trai này...

Mộng làm ca sĩ

Dù đã bước lên một nấc thang mới, quen với ánh đèn sân khấu nhưng Phúc vẫn không giã từ nghề kẹo kéo, một tháng chàng trai 23 tuổi này vẫn xách loa xuống đường một lần.

“Tôi không muốn chối bỏ nghề đã cho mình có chỗ đứng như bây giờ. Tôi muốn hát để tri ân những khách nhậu bình dân, những người đã cưu mang, yêu mến tôi những ngày đầu đến với nghề” - Phúc nói.

Chúng tôi gặp Phúc ở một quán ăn trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) khi đồng hồ đã điểm 23g đêm.  “Mình chỉ có mấy tiếng đêm nay là rảnh, sáng mai bay ra Hà Nội đi diễn đúng một tuần rồi xuống thẳng miền Tây hát liên tục hơn chục ngày...”, Phúc nói.

Kể từ khi bước ra chương trình truyền hình thực tế, Phúc bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân, ra những MV có chất lượng, có MV thu hút đến 42 triệu lượt xem trên YouTube, điều mà không phải ca sĩ chuyên nghiệp nào cũng làm được.

Nhờ vậy mà Phúc được khán giả ái mộ, giới bầu sô rào đón, vào Nam ra Bắc diễn từ phòng trà, quán bar, các chương trình ca nhạc lớn nhỏ.

Tôi không muốn chối bỏ nghề đã cho mình có chỗ đứng như bây giờ. Tôi muốn hát để tri ân những khách nhậu bình dân, những người đã cưu mang, yêu mến tôi những ngày đầu đến với nghề

BÙI VĨNH PHÚC

>> Xem clip "Hotboy kẹo kéo" Bùi Vĩnh Phúc hát Yêu em nhưng không với tới TẠI ĐÂY

Nghề hát kẹo kéo đến với chàng trai quê Lâm Đồng này như một cái duyên. Khi Phúc đang làm thợ cắt tóc ở Sài Gòn thì có một người hát rong bán kẹo kéo đi qua, quá thích thú, Phúc xin cầm micro hát một mạch vài bản, hàng xóm nghe cũng thấy xuôi tai nên xúm lại mua hết kẹo kéo.

Thấy có triển vọng, Phúc dồn tiền lương 2 tháng cắt tóc sắm chiếc loa thùng rồi ra đường hát. Mấy tháng liền, ngày đi hớt tóc, đêm đi hát rong bán kẹo kéo.

Tháng đầu lời được 3 triệu, tháng thứ hai được 5 triệu, tháng thứ ba được 8 triệu, đến tháng thứ 5 lời đến 15 triệu nên Phúc bỏ hẳn cắt tóc. Dù hát rong nhưng Phúc lại mạnh tay chi tiền, thuê êkip quay MV đầu tay Điều anh muốn tung lên mạng.

“Diễn viên đóng trong MV là khách mua kẹo, bối cảnh cũng là những quán nhậu mà mình hay hát. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là quay MV để nhiều người biết đến, bán kẹo kéo đắt hơn thôi” - Phúc kể. Tung lên mạng chừng một tháng, MV có đến cả triệu lượt xem và biệt danh “hot boy kẹo kéo” ra đời từ dạo đó.

Cũng hên cho Phúc là trong MV này có “dính” tấm biển của một quán nhậu, nhờ vậy mà quán đắt khách hơn nên chủ quán “tài trợ” tiền cho Phúc tiếp tục ra MV thứ hai.

“Nhưng cuộc đời tôi phải nói bước sang một trang mới khi đi thi truyền hình thực tế, nó như là chìa khóa để tôi bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp vậy” - Phúc kể.

Dù không vào sâu được vòng trong của cuộc thi này nhưng cái tên Bùi Vĩnh Phúc xuất hiện dày đặc trên truyền thông. “Lúc đó tôi mới gọi là bước chân vào làng giải trí Việt, tên Bùi Vĩnh Phúc đã được bầu sô treo tên bán vé” - Phúc nói.

Danh tiếng và những nỗi âu lo

Đầu tháng 10 vừa qua, Bùi Vĩnh Phúc trở lại quê nhà ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) để tổ chức một đêm nhạc không bán vé. Phúc gọi đó là đêm nhạc tri ân nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng Phúc.

“Lần đầu tiên tôi có cảm giác như là một ca sĩ cũng từ một đêm văn nghệ ở xã, lúc đó tôi cố ăn mặc thật đẹp, cố năn nỉ để được lên sân khấu hát và chính cái đêm đó đã nuôi cho tôi giấc mộng phải trở thành ca sĩ. Nay tôi đã đạt được ước nguyện thì phải trở về tri ân” - Phúc chia sẻ.

Mạnh Nguyên (bìa trái) cùng cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong đêm nhạc của nhạc sĩ Kim Lệ - Ảnh nhân vật cung cấp

Trước đây, Phúc từng nghĩ để bước lên sân khấu, làm ca sĩ thực thụ phải có nhan sắc, tiền bạc và tài năng. Phúc tự nhận mình có tài, có thể gửi gắm tình cảm vào một bài hát nhưng Phúc không có tiền cũng chẳng có nhan sắc.

Do đó, khi xuống Sài Gòn, Phúc chọn nghề cắt tóc để học nghề kiếm cơm. “Để được làm ca sĩ như bây giờ, một phần là may mắn và một phần là tôi đã không bao giờ từ bỏ niềm đam mê ca hát” - Phúc kể.

Hiện tại Phúc đã ra đến 9 MV, trong tháng 10 này sẽ tiếp tục ra MV mới để “tặng cho những người phụ nữ Việt Nam”. Cũng giống như bao ca sĩ chuyên nghiệp khác, Phúc có kênh riêng trên các trang chia sẻ âm nhạc, trang Facebook của Phúc có hơn 100.000 lượt theo dõi.

Phúc khoe tới đây sẽ tiếp tục ra MV và những ca khúc mới mua độc quyền từ những nhạc sĩ tên tuổi. “Thực sự bây giờ tôi rất lo sợ. Tôi sợ mình không như kỳ vọng của khán giả, sợ mình sẽ không hát hay như trước và sợ bị...lãng quên.

Dù bây giờ tôi có tiền, có sự nổi tiếng như ước nguyện nhưng tôi vẫn âu lo vì giữ cho được tên tuổi của một người ca sĩ thì rất khó“ - Phúc nói.

Mong ước dở dang...

Đạt giải cao ở một cuộc thi âm nhạc dành cho các nghệ sĩ đường phố, được mời đi hát các phòng trà nhưng Mạnh Nguyên đành từ chối bởi... không có tiền đầu tư trang phục. Mạnh Nguyên là nghệ danh mà nhạc sĩ Kim Lệ đặt cho chàng trai Nguyễn Văn Mến (22 tuổi) khi nhận Mến làm con nuôi. Và Mến chính là con trai kế út của ông Nguyễn Văn Thường, giọng ca lão làng giới kẹo kéo Sài Gòn (xem kỳ 1). 

Từ quê lên Sài Gòn, Mến đầu tư 3 triệu đồng mua một chiếc loa thùng di động rồi cùng cha xuống đường hát rong bán kẹo. Năm ngoái, Mến tham gia cuộc thi hát dành cho nghệ sĩ đường phố và đạt danh hiệu Giọng ca hát nhạc dân ca hay nhất. Sau đó, Mến được tổ chức một live show riêng mang tên Tình lỡ giữa Sài Gòn.

“Bình thường chỉ hát ngoài đường phố nhưng khi lên sân khấu hát, có biết bao nhiêu người chăm chú, vỗ tay, lại hát đến mấy bài nên run lắm” - Mến kể.

Tiếp sau đó, Mến được vào phòng trà Tiếng Xưa hát ở live show của má nuôi Kim Lệ. Trong đêm nhạc đó, sau khi nghe Mến song ca cùng nhạc sĩ Kim Lệ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã bước lên sân khấu, cầm micro khen Mến hát truyền cảm. 

Dù nhiều phòng trà ngỏ ý mời Mến đi hát thường xuyên nhưng chàng trai này đành từ chối để đêm đêm vẫn mưu sinh dọc quán nhậu.

“Cũng muốn đi hát phòng trà lắm nhưng mình không phải ca sĩ chuyên nghiệp, người ta trả tiền không cao, nếu đi hát thường xuyên là phải thay đổi trang phục liên tục thì tiền đâu mà đầu tư như người ta. Thôi cứ an phận ca sĩ đường phố cái đã, khi nào có đủ tiền, đủ vốn rồi mới nghĩ đến chuyện đi hát phòng trà” - Mến nói.

Kỳ cuối: Những phận người mưu sinh bên lề bàn nhậu

HỮU KHOA - NGỌC HIỂN, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên