Hốt bạc với nghề hái sầu riêng

MẬU TRƯỜNG 11/07/2024 05:24 GMT+7

TTCT - Sầu riêng bán đi xa phải cắt trái già, không chờ chín rụng. Đội hái sầu riêng có kinh nghiệm, hái đúng lứa, được trả công hậu hĩnh.

Sầu riêng bán đi xa phải cắt trái già. Trên cây sầu riêng cao chót vót, muốn biết trái nào già, phải nhờ đội thợ hái có kinh nghiệm. Trái sầu riêng có giá nên đội thợ hái cũng được trả công hậu hĩnh.

Thợ hái sầu riêng dùng cán dao gõ vào trái sầu riêng để phân biệt trái nào già thì cắt xuống. Công việc tưởng chừng dễ nhưng không phải ai cũng làm được.

Một thợ hái sầu riêng

Một thợ hái sầu riêng "hành nghề" tại Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Giữa trưa nắng như đổ lửa, anh Đặng Quốc Tấn (29 tuổi, quê Tiền Giang) vẫn miệt mài leo từ nhánh này sang nhánh khác trên cây sầu riêng hơn 10 năm tuổi tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Tiếng cán dao gõ đều đều 3, 4 nhịp, ngừng lại một chút rồi tiếng động mạnh khi trái sầu riêng vừa hái rơi xuống giỏ nhựa hứng trái phía dưới. Ném trái sầu riêng xong, anh Tấn lặp lại nhịp gõ cán dao trên trái khác, lắng nghe rồi cắt… Hái xong một cây, Tấn xuống đất nghỉ vài phút rồi leo lên cây khác để tiếp tục hái.

Anh Tấn là một trong 3 thợ phụ trách hái vườn sầu riêng hơn 4 công (4.000m2). Trước đây, anh là tài xế lái xe tải chở sầu riêng, nhiều lần gặp cảnh nhà vườn tìm thợ hái không ra, anh có dịp tiếp xúc với nhiều thợ hái nên học hỏi rồi chuyển nghề. "Lương tài xế không cao, tôi thấy nghề hái sầu riêng mỗi ngày ra cả triệu bạc nên quyết tâm học để kiếm tiền", anh cười hiền kể lại.

Ban đầu, anh Tấn mới biết sơ sơ do một người đàn anh truyền nghề nên chưa dám cầm dao cắt, chỉ đi theo nhóm thợ hứng trái, phụ vận chuyển để học nghề. Vì nghề hái sầu riêng được trả công cao nhưng cắt nhầm trái non thì phải đền "khẳm" (nhiều) tiền. Sau đó, anh mới có dịp cầm dao cắt. Những ngày đầu, anh Tấn phải leo cùng cây với đàn anh, trái nào không chắc thì gõ lại rồi nhờ "sư phụ" chỉ giúp. Rồi nghề dạy nghề, giờ anh đã là thành thợ cắt chính của một nhóm thợ hái đi khắp các tỉnh miền Tây.

"Hái giỏi hay dở chủ yếu do kinh nghiệm của mỗi thợ. Nếu nhát tay thì hái không được nhiều trái, chưa đến kỳ hái tiếp theo sầu riêng đã chín rụng, thương lái sẽ nhớ mặt đội hái, không thuê nữa. Còn hái trúng sầu riêng non, vựa không mua thì thợ phải đền tiền", anh Tấn chia sẻ.

Để hái sầu riêng đúng tuổi, người thợ phải "vận công" cả tai, mắt và kinh nghiệm. Trái sầu riêng già có da ngả màu vàng, đầu gai khô và nhọn, vỏ khô sẽ tạo một khoảng rỗng giữa vỏ và cơm nên khi gõ cán dao sẽ nghe tiếng lọc cọc, vang xa. Âm thanh lúc gõ trái sầu riêng đạt chất lượng nghe khác hẳn âm thanh lộp bộp của trái sầu riêng bị chín ép, chín non. Trên cây, anh phải kết hợp cả tai, mắt và kinh nghiệm mới quyết định cắt hay không.

Lý thuyết là vậy nhưng không phải thợ nào vào cắt cũng đạt. Các thương lái thuê thợ cắt có giao kèo rõ ràng, đặc biệt là việc cắt nhầm trái non phải đền tiền bằng giá thu mua. Thợ cắt được chia thù lao từ 1 - 2 triệu đồng cho mỗi ngày cắt hàng trăm trái sầu riêng. Chỉ cần cắt phải 5-7 trái non là mất toi ngày công.

Anh Nguyễn Văn Hưng, theo nghề hái sầu riêng được hơn 1 năm, vẫn nhớ bài học xương máu khi mới vào nghề. Lúc đó, Hưng đang thất nghiệp nên túng tiền, ai gọi gì cũng làm, khổ mấy cũng theo. Nghe có người rủ lên miền Đông hái sầu riêng, tiền công mỗi ngày cả triệu đồng, Hưng có chút kinh nghiệm học lỏm của người anh nên hăng hái nhận lời. Hưng đi xe đò suốt đêm từ Bến Tre lên miền Đông, sáng ra xung phong leo cây cắt trái cùng với các thợ khác.

Do phải ngồi xe đò xuyên đêm, cộng leo cây mất sức nên chỉ cắt được 2 tiếng thì Hưng mệt lả người, phải đi truyền nước biển vì… kiệt sức. Nhưng đó vẫn chưa phải là bài học đắt giá nhất. Lần cầm dao đầu tiên của Hưng trở thành gánh nặng cho cả nhóm khi phải đền hơn 40kg sầu riêng non giá hơn 3 triệu đồng. Phía thuê cũng thông cảm việc vườn bị thiếu nước, sầu riêng bị sượng dễ bị nhầm… nhưng cuối cùng nhóm của Hưng phải đền mỗi người hơn 500.000 đồng.

Dù hái ra tiền dễ dàng nhưng phải leo trèo cả ngày nên chỉ những thanh niên có sức khỏe mới theo được, người khỏe lắm cũng chỉ trèo cây đến 35 tuổi rồi phải xuống đất. Một nhóm hái sầu riêng có hơn chục người nhưng chỉ có 3 thợ cắt, hầu hết là thanh niên. Những thợ cắt chính khi không đủ sức trèo cây sẽ làm những công việc khác trong nhóm hái, kiêm "đào tạo" thợ mới cho nhóm.

Các nhóm hái chuyên nghiệp "lăn lộn" từ tỉnh này sang tỉnh nọ suốt mùa sầu riêng, gần như quanh năm họ phải xa nhà. Anh Nguyễn Viết Sang (32 tuổi, Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết nhóm của anh di chuyển quanh năm. Tháng này vừa hết mùa sầu riêng chính vụ tại miền Tây, nhóm anh Sang chuẩn bị lên hái ở miền Đông, sau đó đi Tây Nguyên, gần Tết lại vòng về khu vực Tiền Giang vì khu vực này có nhiều vườn sầu riêng trái vụ. Vào vụ chính, nhóm thợ sẽ xoay vòng từ Tiền Giang, Hậu Giang qua Đồng Tháp, Cần Thơ… Họ đi hết nơi này đến nơi khác như nghệ sĩ đi lưu diễn, quanh năm ăn quán ngủ lều, chỉ về nhà mấy ngày lễ Tết. ■

70% sản lượng sầu riêng ở Tiền Giang được xuất khẩu

Đến mùa sầu riêng ở miền Tây, việc thương lái vô tận vườn thu mua, chuyển đến các vựa bán cho các công ty khá phổ biến. Khoảng 70% sản lượng sầu riêng để xuất khẩu, thị trường trong nước tiêu thụ 30%.

Khi sầu riêng đến đợt hái, chủ vườn sẽ mời nhiều thương lái đến xem, ai trả giá cao hơn sẽ được chọn bán. Sau khi thỏa thuận xong, chủ vườn và thương lái ký hợp đồng ghi rõ giá bán và thời gian hái. Người mua trả tiền dựa trên số lượng sầu riêng hái được. Cũng có các công ty xuất khẩu đến tận vườn thu mua sầu riêng trực tiếp từ nông dân hoặc các vựa thu mua sầu riêng từ thương lái rồi bán lại cho các công ty đưa ra thị trường.

Thương lái mua sầu riêng tại vườn ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Thương lái mua sầu riêng tại vườn ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo ông Trần Tấn Thịnh, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thịnh Yến (Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), công ty ông thu mua sầu riêng theo ba hình thức: mua tận vườn, mua qua thương lái và mua qua vựa. Đến mùa sầu riêng, công ty sẽ ký hợp đồng thu mua sầu riêng với các thương lái, đây là lượng hàng chủ yếu. Những đợt cần hàng số lượng lớn để kịp đóng đủ chuyến, công ty cũng tìm đến các vựa sầu riêng để mua cho đủ. Chuyện các bên cạnh tranh giá mua xảy ra thường xuyên. Nếu các vựa nâng giá mua vào thì công ty cũng phải nâng giá để các thương lái không chạy hàng cho mối khác. Tại Công ty Thịnh Yến, tất cả hàng thu mua đạt chất lượng sẽ được xuất đi Trung Quốc và các thị trường nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Hoa (43 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy) - một thương lái chuyên thu mua sầu riêng tại khu vực huyện Cai Lậy, Cái Bè - cho hay bà thường theo dõi giá thu mua của công ty rồi trực tiếp đi "săn hàng" tại vườn. "Ví dụ công ty báo giá 100.000 đồng/kg thì chúng tôi sẽ xuống vườn mua của nhà vườn giá 80.000 đồng/kg. Phần chênh lệch để trang trải chi phí vận chuyển, công cắt… Tùy thời điểm, chênh lệch giữa giá mua và giá bán có thể cao hoặc thấp hơn 20.000 đồng/kg", bà Hoa cho biết.

Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu sầu riêng cho hay hầu hết sầu riêng đạt chuẩn sẽ được đóng container xuất khẩu. Khoảng 20% sầu riêng không đạt chất lượng xuất khẩu sẽ được bán trong nước qua hệ thống bán lẻ. Vị giám đốc này cho biết gần đây các công ty của Trung Quốc về tận vườn để thu mua sầu riêng. Những công ty dạng này "chi" rất mạnh tay, họ sẵn sàng đẩy giá mua lên cao để giành hàng của các mối khác nhằm thu mua nhiều hơn, nhanh hơn.

Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, sầu riêng tại các tỉnh miền Tây chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng trái tươi. Riêng sầu riêng Tiền Giang ngoài xuất khẩu thì còn bán tại các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc và TP.HCM. Trong đó, 70% tổng sản lượng sầu riêng xuất khẩu, 80% lượng hàng xuất khẩu này đến thị trường Trung Quốc.

MẬU TRƯỜNG - HOÀI THƯƠNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận