Tối 24-3, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho biết hiệp hội này vừa có văn bản số 50 gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp về tín dụng và chuyển nhượng dự án để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Cho doanh nghiệp bất động sản vay, nhận thế chấp bằng chính trái phiếu
Theo HoREA, nghị định 08 là cơ sở pháp lý mở đường cho việc thực hiện thỏa thuận đàm phán giữa doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu sắp đến hạn và nhà đầu tư trái phiếu (trái chủ). Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của nghị định chỉ quy định cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu sắp đến hạn và trái chủ, đặc biệt là cơ chế hoán đổi trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và trái chủ trong tình hình doanh nghiệp thiếu dòng tiền, thiếu thanh khoản nghiêm trọng, HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.
Cụ thể, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn (có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất) được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành.
Ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các trái chủ.
Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành, HoREA đề nghị doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận, đàm phán với nhau theo quy định tại nghị định 08.
"Giảm lãi suất cho vay thực chất hơn"
HoREA cho rằng Ngân hàng Nhà nước vừa giảm lãi suất điều hành, kéo theo xu thế các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động tiết kiệm và "giảm lãi suất cho vay một chút", nhưng nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn cao.
Do đó, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay thực chất hơn và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.
Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp được giãn tiến độ trả nợ theo chủ trương của nghị quyết số 33 của Chính phủ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản được vay tín dụng đối với dự án đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, có tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng kiến nghị cho phép áp dụng tương tự cơ chế "thí điểm" chuyển nhượng dự án bất động sản theo nghị quyết 42/2017 của Quốc hội "về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng", để các doanh nghiệp bất động sản được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) theo nhu cầu.
TP.HCM thúc các sở ngành để gỡ vướng 156 dự án bất động sản
Ngày 24-3, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản số 2435, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường về kiến nghị tháo gỡ vướng mắc đối với 156 dự án bất động sản của 121 nhà đầu tư tại TP.HCM.
Theo đó, đối với 116 dự án bất động sản mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có kiến nghị trước đây, UBND TP.HCM đã có nhiều chỉ đạo giao Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu. Gần đây nhất, trên cơ sở kiến nghị của HoREA, UBND TP đã tổ chức gặp gỡ, làm việc với HoREA và các doanh nghiệp, sau đó đã có kết luận tại thông báo số 96.
Đối với danh sách 156 dự án (bao gồm 116 dự án trước đó) mà HoREA kiến nghị gỡ vướng, phó chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở ngành trao đổi, thống nhất với HoREA. Đồng thời, báo cáo và trình UBND TP để có chỉ đạo, phân công các đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thụ lý, giải quyết đối với các nhóm hồ sơ có cùng vướng mắc theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Việc này hoàn thành trước ngày 15-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận