05/09/2018 10:06 GMT+7

Hợp Thành thâu tóm cảng Quy Nhơn ra sao?

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Trong bối cảnh thua lỗ liên tục, Công ty Hợp Thành "xoay" tiền ở đâu để thâu tóm cảng Quy Nhơn và vì sao không có kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển, doanh nghiệp này vẫn được tạo điều kiện để nuốt chửng cảng Quy Nhơn?

Hợp Thành thâu tóm cảng Quy Nhơn ra sao? - Ảnh 1.

Một góc cảng Quy Nhơn - Ảnh: MINH THÀNH

Dù có tổng tài sản được kê lên tới hàng nghìn tỉ đồng, nhưng báo cáo tài chính của Công ty CP đầu tư và khoáng sản , chủ sở hữu hiện nay, cho thấy doanh nghiệp này thua lỗ triền miên trong quá trình mua cổ phần cảng Quy Nhơn.

Theo các chuyên gia, vấn đề cần làm rõ là trong bối cảnh thua lỗ liên tục, Công ty Hợp Thành "xoay" tiền ở đâu để thâu tóm cảng Quy Nhơn và vì sao không có kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển, doanh nghiệp này vẫn được tạo điều kiện để nuốt chửng cảng Quy Nhơn?

Thua lỗ vẫn vung tiền mua cảng Quy Nhơn

Theo thông tin từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), khi Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn (với vốn điều lệ 168,28 tỉ đồng) bắt đầu quá trình cổ phần hóa vào tháng 11-2013 theo đề án đã được duyệt, Công ty Hợp Thành (57 Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đã mua được 5,03 triệu cổ phần, sở hữu 12,46% vốn cổ phần cảng Quy Nhơn.

Như vậy, cùng với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty Hợp Thành trở thành cổ đông sáng lập Công ty CP Cảng Quy Nhơn với số vốn điều lệ ban đầu 404,09 tỉ đồng.

Đến tháng 4-2015, Công ty Hợp Thành tiếp tục mua thêm 24,77% cổ phần, nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại cảng Quy Nhơn lên 37,23% cổ phần. Ngược lại, tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Vinalines tại cảng Quy Nhơn giảm xuống còn 49%.

Bước ngoặt trong quá trình đổi chủ cảng Quy Nhơn diễn ra tháng 9-2015 khi Công ty Hợp Thành bỏ ra khoảng 198 tỉ đồng mua thêm 49% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn từ Vinalines, nâng tỉ lệ vốn sở hữu tại cảng Quy Nhơn lên 86,23% và chính thức trở thành doanh nghiệp sở hữu cảng biển có vị trí chiến lược quan trọng tại miền Trung.

Quá trình thâu tóm cảng Quy Nhơn hoàn tất vào tháng 10-2015, trong lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp lần thứ 6, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã thay đổi người đại diện theo pháp luật. Ông Lê Hồng Thái, cổ đông sáng lập Công ty Hợp Thành, trở thành tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn.

Đến tháng 2-2017, khi Ủy ban Kiểm tra trung ương tiến hành thanh tra, kiểm tra việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, ông Lê Hồng Thái đã chuyển nhượng 45% vốn tại Hợp Thành cho bà Trần Thị Quỳnh Yên - giám đốc Công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành.

Và trong nội dung thay đổi thông tin doanh nghiệp lần thứ 15 (30-3-2017), ông Lê Hồng Thái - cổ đông sáng lập Hợp Thành - đã không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Hợp Thành.

Điều đáng nói là theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian thực hiện thương vụ thâu tóm cảng Quy Nhơn, Công ty Hợp Thành liên tục thua lỗ.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Công ty Hợp Thành, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này bị lỗ 154,4 tỉ đồng trong năm 2014, mức lỗ giảm xuống còn 39,6 tỉ đồng vào năm 2015 và trong năm 2016 doanh nghiệp này tiếp tục lỗ thêm 81 tỉ đồng.

Hợp Thành thâu tóm cảng Quy Nhơn ra sao? - Ảnh 2.

Một góc kho hàng container thuộc cảng Quy Nhơn - cảng biển có vị trí chiến lược quan trọng tại miền Trung - Ảnh: T.T.D.

Cổ đông chiến lược "ngoại đạo" với cảng biển

Đến nay, quá trình thâu tóm chóng vánh cảng Quy Nhơn cho thấy còn nhiều khuất tất.

Tại thời điểm bắt đầu mua cổ phần cảng Quy Nhơn, Công ty Hợp Thành kinh doanh trong lĩnh vực không liên quan gì đến cảng biển, khi chỉ đăng ký hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực như bán buôn nhiên liệu dầu thô, buôn xăng, khí đốt và các sản phẩm liên quan, sản xuất sợi, săm lốp cao su, sản phẩm plastic, chất dẻo, nhựa tổng hợp.

Tháng 4-2013, trong quá trình thâu tóm cảng Quy Nhơn, Hợp Thành mới đăng ký bổ sung hàng loạt ngành nghề liên quan đến cảng biển, vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương, vận tải hành khách đường thủy nội địa, kinh doanh kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bốc xếp hàng hóa...

Số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của công ty này đã tăng đột biến từ 9 lên 34 ngành nghề.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia kinh tế khẳng định một trong những mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là lựa chọn được cổ đông chiến lược, cảng Quy Nhơn không phải ngoại lệ.

Theo đó, cổ đông chiến lược của Công ty CP Cảng Quy Nhơn phải là những doanh nghiệp có năng lực chuyên môn về quản lý vận hành cảng, với mục đích cải thiện quản trị, vận hành cảng hiệu quả hơn.

"Trong khi Công ty Hợp Thành hầu như không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này là một câu hỏi cần được làm rõ" - vị chuyên gia này nói.

TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng việc Nhà nước tiến hành cổ phần hóa cảng Quy Nhơn không ngoài mục đích tìm được nhà đầu tư chiến lược để cảng biển này phát triển hơn, bảo đảm đời sống của người lao động.

Do đó, việc bán cảng Quy Nhơn cho Hợp Thành, một doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển, khó có thể xem là lựa chọn hợp lý.

Ngoài ra, theo ông Long, cần xem lại việc nới room cho doanh nghiệp tư nhân mua gần hết cổ phần cảng Quy Nhơn, được xem như là "yết hầu" trong việc lưu thông hàng hóa bằng đường biển không chỉ của tỉnh Bình Định mà cả khu vực Nam Trung Bộ.

"Cảng Quy Nhơn là một cảng tiền tiêu rất quan trọng, không phải để bán đứt, đặc biệt là bán cho một doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nên cần truy trách nhiệm người quyết định bán đứt cảng này" - ông Long nói.

Hợp Thành thâu tóm cảng Quy Nhơn ra sao? - Ảnh 3.

Tàu vào cảng Quy Nhơn - Ảnh: MINH THÀNH

Công ty thành viên của Hợp Thành bị siết nợ

Trong khi rót vốn thâu tóm cảng Quy Nhơn, hàng loạt công ty thành viên của Công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành bị nghi ngờ về năng lực tài chính do nợ nần và chậm triển khai dự án, điển hình là Công ty CP Khoáng sản miền Trung.

Chiều 4-9, ông Nguyễn Xuân Hùng - giám đốc Agribank Bình Định - cho biết đến nay vẫn chưa bán được tài sản mà ngân hàng này thu giữ của Công ty CP Khoáng sản miền Trung tại huyện Hoài Nhơn (Bình Định) để xử lý nợ nần của công ty này.

Trước đó, ngày 16-11-2017, Agribank Bình Định đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty CP Khoáng sản miền Trung tại ngân hàng này, gồm toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác.

Tháng 3-2018, Agribank thông báo bán đấu giá khối tài sản trên với giá khởi điểm là 284 tỉ đồng và sau 6 phiên giảm giá, khối tài sản này được rao bán chỉ hơn 180 tỉ đồng nhưng vẫn không có người mua.

Được biết vào năm 2010, Agribank Bình Định ký hợp đồng tài trợ vốn cho Công ty CP Khoáng sản miền Trung để xây dựng nhà máy chế biến quặng sắt tại Cụm công nghiệp Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) với tổng số vốn 180 tỉ đồng, thời gian cho vay là 6 năm rưỡi và 1 năm ân hạn. Đến tháng

11-2017, nhà máy trên vẫn không đi vào hoạt động dù đã xây dựng nhà xưởng, lắp máy cơ bản hoàn chỉnh. Doanh nghiệp này cũng không trả nợ cho Agribank Bình Định với khoản nợ vốn và lãi lên đến 230 tỉ đồng nên đã bị ngân hàng thu giữ tài sản thế chấp, bán đấu giá để thu hồi vốn.

"Nếu bán đấu giá tài sản thế chấp mà giá trị thấp hơn mức nợ, doanh nghiệp phải tiếp tục trả phần nợ còn lại cho ngân hàng chúng tôi" - ông Hùng nói.

Ông Cao Thanh Thương - chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn - cho biết địa phương rất bức xúc khi Công ty CP Khoáng sản miền Trung được giao hơn 100ha đất ở nhiều xã để khai thác lấy quặng phục vụ nhà máy chế biến quặng sắt ở Cụm công nghiệp Hoài Đức nhưng nhiều năm qua không hoạt động.

"Nhu cầu về đất để phát triển kinh tế - xã hội của Hoài Nhơn rất lớn, nhưng công ty này chiếm đất xong bỏ hoang khiến huyện gặp rất nhiều khó khăn, người dân bức xúc. Chúng tôi mong UBND tỉnh Bình Định sớm thu hồi đất đã giao cho Công ty CP Khoáng sản miền Trung để giao cho đơn vị khác" - ông Thương đề nghị.

DUY THANH

"Xuất thân" từ sợi, nhựa

Năm 2002, ông Lê Hồng Thái (sinh năm 1974) thành lập Công ty TNHH Hợp Thành chuyên sản xuất sợi và các sản phẩm nhựa. Đến tháng 5-2007, doanh nghiệp này chuyển đổi thành Công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành, với vốn điều lệ 300 tỉ đồng.

3 cổ đông sáng lập Công ty Hợp Thành gồm ông Lê Hồng Thái (sở hữu 45% cổ phần), bà Phạm Thị Ngân (sở hữu 36% cổ phần) và ông Lê Mạnh Sơn (sở hữu 19% cổ phần).

Đến tháng 6-2016, sau gần một năm thâu tóm cảng Quy Nhơn, vốn điều lệ của Công ty Hợp Thành mới được nâng lên 660 tỉ đồng.

Trong khi đó, sau khi mua 45% vốn cổ phần Công ty Hợp Thành, bà Yên rút khỏi vai trò giám đốc điều hành doanh nghiệp này và hiện đang giữ chức giám đốc Công ty CP đầu tư xây lắp dầu khí Imico. Đây cũng là doanh nghiệp mà ông Lê Hồng Thái từng giữ chức chủ tịch HĐQT giai đoạn 2008-2010.

Tháng 9-2010, ông Thái được ông Trịnh Xuân Thanh (chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí tại thời điểm đó) bổ nhiệm làm thành viên hội đồng quản trị PVC.


BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên