13/10/2015 09:07 GMT+7

Hợp tác với Nhật, VN "đa dạng hóa lợi ích kinh tế"

QUỲNH TRUNG - VÕ VĂN THÀNH
QUỲNH TRUNG - VÕ VĂN THÀNH

TTO - Các học giả và chuyên gia hai nước Việt Nam và Nhật Bản đánh giá về nỗ lực đa dạng hóa lợi ích kinh tế của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với Nhật Bản.

Đại tá Vũ Văn Khanh, Viện Chiến lược quốc phòng, cho rằng Việt Nam cần phải ủng hộ Chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản - Ảnh: V.V.T.

Tại buổi hội thảo do Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật đồng tổ chức sáng 13-10 ở Hà Nội, học giả và chuyên gia hai nước Việt Nam và Nhật Bản thảo luận sôi nổi về quan hệ song phương hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là hợp tác kinh tế và an ninh.

Phát biểu tại hội thảo, giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý cho rằng quan hệ với Nhật Bản là một trong những mối quan hệ thực chất nhất mà Việt Nam đang có với các nước trên thế giới và thông qua mối quan hệ này, cả hai nước cùng đóng góp vào sự hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trong khi đó, nhiều học giả khác bày tỏ rằng đang có một luồng gió mới trong quan hệ hai nước.

Kỳ vọng “Chủ nghĩa hòa bình tích cực Nhật Bản”

Trong bài tham luận, đại tá Vũ Văn Khanh, Viện Chiến lược quốc phòng, cho biết “Chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản” được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đóng góp tích cực hơn từ Nhật Bản đến Việt Nam, vì nền hòa bình chung trong khu vực Đông Á nói riêng và của thế giới nói chung, nhất là trong bối cảnh an ninh khu vực Đông Á, đặc biệt là an ninh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Đại tá Vũ Văn Khanh nhấn mạnh Việt Nam luôn đánh giá cao những đóng góp tích cực của Nhật Bản vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

Việt Nam ủng hộ Nhật Bản có vai trò, vị thế xứng đáng, đóng góp ngày càng tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Việt Nam cũng là nước sớm khẳng định và nhất quán ủng hộ Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi cơ quan này được mở rộng.

Theo ông Khanh, trong bối cảnh môi trường chiến lược tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có nhiều thay đổi, Nhật Bản cần tiếp tục thể hiện vai trò tích cực hơn trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

“Chủ nghĩa hòa bình tích cực dựa trên sự phối hợp quốc tế của Nhật Bản rất cần sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc thúc đẩy và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản và Việt Nam một cách toàn diện sẽ là đóng góp quan trọng cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới trong thời gian tới,” đại tá Khanh nói.

GS Yuichi Hosoya, ĐH Keio, cho rằng Nhật Bản và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng. Cả hai nước đều đã bị tàn phá trong những năm chiến tranh. Tuy nhiên, cả hai nước đều đã nỗ lực rất lớn để xây dựng lại đất nước của mình và làm cho đất nước thịnh vượng hơn. Bên cạnh đó, cả hai nước đều đang cố gắng để tăng cường hợp tác an ninh với các nước có chung tư duy khác.

“Một trong những lý do lớn nhất cho việc này là cả Nhật Bản và Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi sự mở rộng nhanh chóng các hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.

Bằng cách tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế, hai nước có thể tiếp tục mang lại hòa bình và ổn định ở khu vực này. Ít nhất vì lý do này, việc hai nước tiếp tục làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác ở các cấp độ khác nhau là điều cần thiết” - GS Yuichi Hosoya chỉ rõ.

Quan tâm nâng cao năng lực hàng hải cho VN

GS Tomohito Shinoda, một học giả khác đến từ ĐH Quốc tế Nhật Bản, cho biết trong lĩnh vực an ninh, Nhật đã tỏ rõ thiện chí giúp đỡ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada cho biết quan hệ Việt – Nhật đang phát triển vô cùng tốt đẹp, dựa trên sự bổ khuyết lẫn nhau. Ảnh: V.V.T.
Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada cho biết quan hệ Việt – Nhật đang phát triển vô cùng tốt đẹp, dựa trên sự bổ khuyết lẫn nhau - Ảnh: V.V.T.

Tháng 8-2014, Nhật tuyên bố kế hoạch sử dụng gói hỗ trợ phát triển cho nước ngoài để cấp 6 tàu tuần tra cho các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.

Những tàu này được trang bị áo phao, rađa, và chương trình huấn luyện. Tàu đầu tiên được chuyển giao cho Cục Cảnh sát biển Việt Nam vào tháng 2-2015, và tàu thứ hai được chuyển giao cho Cục Kiểm ngư Việt Nam vào tháng 8-2015.

Tàu đổ bộ Kunisaki của Nhật đã cập cảng Tiên Sa như một phần trong chương trình hỗ trợ hải quân cho đối tác Thái Bình Dương của Mỹ. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã trao đổi thông tin với Việt Nam liên quan đến vấn đề dược phẩm quân đội như gói cứu trợ, khẩn cấp, chữa trị bỏng và bệnh tim.

Ngoài ra, theo GS Tomohito Shinoda, Nhật Bản rất tích cực ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông bằng luật pháp chứ không phải bằng vũ lực. Chính Nhật Bản cũng có lợi ích khi làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các nước ASEAN.

Trong nhiệm kỳ đầu (2006-2007), Thủ tướng Abe đã nâng quan hệ đối tác song phương với Việt Nam thành quan hệ đối tác chiến lược chính thức.

Trong nhiệm kỳ thứ hai, Thủ tướng Abe đã nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới: Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình ở châu Á khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm vào tháng 3-2014. Sáng kiến này bao gồm nhiều lĩnh vực từ chính trị, an ninh, kinh tế đến văn hóa, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.

Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý cho rằng quan hệ với Nhật Bản là một trong những mối quan hệ thực chất nhất mà Việt Nam đang có với các nước trên thế giới - Ảnh: V.V.T.

Giúp đa dạng hóa lợi ích kinh tế VN

Theo TS Đặng Cẩm Tú - Học viện Ngoại giao Việt Nam, tăng cường hợp tác kinh tế với Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa lợi ích kinh tế của Việt Nam, nhằm tránh tình trạng quá lệ thuộc vào bất kỳ một nền kinh tế lớn nào.

Cho đến nay, Nhật Bản là nước viện trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 30% trong tổng giá trị viện trợ nước ngoài 90 tỉ USD tại Việt Nam, là một trong bốn thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với tổng số vốn 37,5 tỉ USD và tỉ lệ cao nhất về số vốn FDI đã được đưa vào thực hiện.

Trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 9,5 tỉ USD và dự kiến đến cuối năm có thể đạt mốc 30 tỉ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2015, có 106 dự án đầu tư của Nhật được cấp mới và 50 dự án tăng thêm vốn.

QUỲNH TRUNG - VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên