31/03/2012 08:22 GMT+7

Hợp tác trên cơ sở luật biển

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - An toàn hàng hải và môi trường biển Đông Nam Á, trong đó có biển Đông, đang đối diện với nhiều nguy cơ, cần sự hợp tác giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực.

lLB2qMrm.jpgPhóng to
Các đại biểu bên lề hội thảo - Ảnh: Minh Đức

Đó là kết luận các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đưa ra trong ngày làm việc thứ hai (30-3) của hội thảo tại TP.HCM.

Trong thảo luận, các chuyên gia và học giả đều cho rằng các vùng biển Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều nguy cơ như ô nhiễm môi trường do đâm tàu, xả thải, tràn dầu, trữ lượng cá suy giảm, thiên tai... Những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ càng tạo ra khó khăn cho việc thực thi an toàn hàng hải và quản lý môi trường biển.

Cần ý chí chính trị

Theo các chuyên gia, hiện khu vực đã có những khuôn khổ pháp lý quan trọng để thúc đẩy hợp tác nhằm đảm bảo an toàn hàng hải. Đó là Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), các công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Bên cạnh đó là những khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường của các nước Đông Nam Á.

Do vậy, các quốc gia cần có một ý chí chính trị để phối hợp và hành động. Bởi an ninh, an toàn hàng hải và môi trường biển là những vấn đề đa quốc gia, không thể giải quyết riêng lẻ. Cần ưu tiên đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, khuôn khổ có sẵn, hợp tác bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ môi trường, xây dựng năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển...

Chính phủ các nước cần hợp tác với doanh nghiệp hàng hải, thủy sản, dầu khí... để tăng cường an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển. Các tổ chức quốc tế, khu vực như Liên Hiệp Quốc, IMO, ASEAN... cần trợ giúp và nâng cao năng lực quản lý an toàn hàng hải và môi trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Carl Baker, giám đốc các chương trình của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, nhấn mạnh tai nạn tàu biển, thảm họa tự nhiên, môi trường ô nhiễm và nguồn cá suy giảm là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với các vùng biển Đông Nam Á. Ông cho rằng đây là những lĩnh vực các quốc gia khu vực hoàn toàn có thể chung tay hợp tác để khắc phục, bất chấp các tranh chấp chủ quyền, ví dụ như ở biển Đông.

Làm theo luật

Chuyên gia Baker cho biết trên thực tế, Việt Nam đã có những bước đi tiên phong trong việc tăng cường hợp tác bảo vệ an toàn hàng hải. Ông nhắc đến Sáng kiến hợp tác bảo vệ môi trường biển trong khu vực Tam giác san hô - biển Đông nhằm bảo vệ môi trường biển và bảo tồn các loài cá trong khuôn khổ dự án “Xây dựng chiến lược quản lý sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề lưới kéo đáy” với năm quốc gia thành viên là Indonesia, Philippines, Papua New Guinea, Thái Lan và Việt Nam.

Trong thời điểm các tranh chấp trên biển Đông đang căng thẳng, Việt Nam cần chủ động đàm phán để hợp tác song phương với các nước trong khu vực nhằm tăng cường an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển theo UNCLOS và các khuôn khổ pháp lý khác.

“Việt Nam và các nước ASEAN cần cho Trung Quốc và thế giới thấy rằng Đông Nam Á đang thực hiện những bước cụ thể để giải quyết các vấn đề trên biển Đông theo luật biển. Khi đó, Trung Quốc sẽ rất khó hành động đơn phương mà sẽ phải đối thoại với các nước” - chuyên gia Baker nói.

Vẫn theo ông, Việt Nam và các nước Đông Nam Á cần dựa trên UNCLOS để khuyến khích Trung Quốc giải thích rõ ràng vấn đề đường chín khúc (đường lưỡi bò). “Điều quan trọng là các nước cần tuân thủ nghiêm ngặt và thúc đẩy hợp tác dựa trên luật biển. Khi đó Trung Quốc sẽ chịu sức ép phải làm theo luật”.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên