TTCT - Tựa đề phụ của thông cáo chung sau Thượng đỉnh lần thứ 22 Ấn Độ - Nga, "Xây dựng quan hệ đối tác bền vững và mở rộng" hàm ngụ phần nào băn khoăn trước những đe dọa không bền vững và bó hẹp của quan hệ hiện tại. Ảnh: Mother Jones Hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi Huân chương Thánh Andrew Tông đồ danh giá nhất của nước Nga "vì những đóng góp nổi bật của ông trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và ưu đãi giữa Ấn Độ và Nga", như thông cáo chung nêu ngay ở điều 2, phản ánh một ao ước gìn giữ mối quan hệ này từ phía Nga.Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và ưu đãiTrong thông cáo chung, hai nhà lãnh đạo quả quyết tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và ưu đãi giữa Ấn Độ và Nga mà theo hai ông, "đã được thử thách qua thời gian" và "dựa trên sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và sự đồng quy chiến lược".Ngay từ chuyện đây đã là lần thứ 22 hai bên gặp thượng đỉnh cũng đã cho thấy tính đặc biệt và bền vững của mối quan hệ. Ấn Độ và Nga khởi sự quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2000 với tân tổng thống Nga lúc đó là ông Putin và thủ tướng Ấn Độ lúc đó Atal Bihari Vajpayee. Từ đó, lãnh đạo hai bên gặp nhau gần như mỗi năm ở luân phiên từng nước (gián đoạn hai năm vì đại dịch Covid-19).Bên phía Ấn Độ, nhiều trào thủ tướng đã phó hội, song bên phía Nga từ năm 2000 tới giờ vẫn là ông Putin (ngay cả trong giai đoạn ông xuống làm thủ tướng Nga).Thành ra, quan hệ đối tác chiến lược Ấn - Nga bao gồm những gì, thăng tiến tới đâu trong 24 năm qua, ông Putin am tường hơn ai hết. Cụ thể, sang đến năm 2010, quan hệ Ấn - Nga được nâng cấp thành "đối tác chiến lược đặc biệt và ưu đãi". Tiến sĩ Chandra Rekha nhận xét trên Russian Council: "Mối quan hệ độc đáo này đã thể hiện tốt đẹp trên nhiều nền tảng khu vực và toàn cầu... Tỉ như việc Ấn Độ, cùng các quốc gia thành viên BRICS, bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sau vụ Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, và ngược lại là sự ủng hộ rõ ràng của Nga đối với Ấn Độ về vấn đề Kashmir".Với cuộc gặp thượng đỉnh lần này, những có qua có lại đó càng hiển hiện, như có thể thấy qua việc Ấn Độ tới đây sẽ hiện diện thật xa khu vực địa lý cố hữu của mình. Điều 29 thông cáo chung nêu rõ: "Các bên sẵn sàng tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư ở vùng Viễn Đông và vùng Bắc Cực của Liên bang Nga. Về vấn đề này, các bên hoan nghênh việc ký kết chương trình hợp tác Ấn - Nga trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế và đầu tư ở vùng Viễn Đông Nga giai đoạn 2024-2029, cũng như các nguyên tắc hợp tác ở vùng Bắc Cực của Nga..., đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, khai thác mỏ, nhân lực, kim cương, dược phẩm, vận tải hàng hải...".Nhìn lên bản đồ, người Ấn sẽ thấy rằng họ được mời gọi đến đầu tư tại Viễn Đông Nga, bao gồm khu vực giữa hồ Baikal và Thái Bình Dương mà tận cùng là ranh giới trên biển với Nhật Bản phía đông nam và với Hoa Kỳ dọc theo eo biển Bering phía đông bắc. Cho đến nay, theo Grigory Smolyak, quan chức cấp cao của Bộ Phát triển miền Đông Nga, trong chục năm qua tại khu vực này, 801 doanh nghiệp đã được thành lập, 139.000 việc làm mới được tạo ra trong những ngành có khả năng đem lại giá trị thặng dư cao, như khí đốt, hóa dầu, khai thác mỏ, luyện kim, hậu cần và bất động sản (TASS 19-6).Cũng theo TASS, Tổng thống Putin trong lần đến làm việc với ban quản lý của Tập đoàn đóng tàu Thống nhất ở vùng Viễn Đông gần đây đã nói: "Cụm đóng tàu của chúng ta đang tích cực phát triển... Ngày nay, khu vực Viễn Đông đã có tốc độ tăng trưởng rất tốt, tốt hơn nhiều lần so với mức trung bình cả nước" và khẳng định "Đối với Nga, sự phát triển vùng Viễn Đông là ưu tiên hàng đầu của cả thế kỷ 21, không hề cường điệu chút nào". Thành ra, có thể tin rằng lời mời gọi Ấn Độ đầu tư vào vùng này không phải là chuyện đãi bôi.Ảnh: The Washington PostHợp tác quân sự và kỹ thuật quân sựHai bên, và cả các bên thứ ba xa gần, đều hiểu rõ rằng hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự theo truyền thống là trụ cột của mối quan hệ, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự (IRIGC). Các hoạt động hợp tác này trước hết diễn ra qua tiếp xúc quân sự và quốc phòng thường xuyên, bao gồm cuộc gặp của các bộ trưởng quốc phòng hai nước, như cuộc gặp ở New Delhi vào tháng 4-2023 bên lề Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng SCO; và các cuộc tập trận chung của hai lực lượng vũ trang.Trong thượng đỉnh lần này, hai bên đồng ý tổ chức vòng 21 của IRIGC tại Matxcơva vào nửa cuối năm 2024. Thông cáo chung nêu rõ hai bên sẽ hướng đến việc đáp ứng yêu cầu tự cung tự cấp vũ khí của Ấn Độ, từ đó định hướng lại theo hướng nghiên cứu và phát triển chung, cùng phát triển và sản xuất công nghệ và hệ thống quốc phòng tiên tiến.Để cụ thể hóa mục đích và yêu cầu này, hai bên đồng ý khuyến khích sản xuất chung ở Ấn Độ các phụ tùng, linh kiện và các sản phẩm khác để bảo trì vũ khí và thiết bị quân sự có xuất xứ từ Nga theo chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" (Make in India) thông qua chuyển giao công nghệ và thành lập liên doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của quân đội Ấn Độ cũng như xuất khẩu sang các nước thứ ba thân thiện.Cụ thể về khả năng Ấn Độ tự sản xuất vũ khí "Make in India", hôm 4-7, tập đoàn nhà nước Nga ROSTEC loan tin đã triển khai sản xuất ở Ấn Độ đạn xuyên giáp 3VBM17 Mango, được thiết kế để nhắm vào xe bọc thép có khả năng bảo vệ tiên tiến (roe.ru). Đạn Mango 125mm tương thích với xe tăng T-72 và T-90, vốn đang là xe tăng chủ lực của lục quân Ấn Độ, chiếm số lượng lớn trong kho vũ khí của nước này.Có thể cho rằng nay là lúc mà Nga phải có những đề xuất mang lại lợi ích cụ thể và lớn lao cho nền quốc phòng Ấn Độ, khi mà New Delhi đang muốn đa dạng nguồn cung cấp vũ khí. Politico 25-4 trong bài viết tựa đề "Ấn Độ không chỉ có Nga trong nhập khẩu quốc phòng", cho rằng cuộc chiến ở Ukraine, các lệnh trừng phạt của phương Tây, lo ngại của Ấn Độ về chất lượng thiết bị từ Nga, và mong muốn phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa đã khiến New Delhi tìm cách tách dần khỏi nguồn cung cấp vũ khí Nga.Tờ này cho biết Ấn Độ - nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - đang giảm đáng kể sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga, và do lẽ đó khó thể thực hiện bất kỳ giao dịch mua mới nào từ Nga. Ấn Độ dự trù dành 100 tỉ USD cho việc mua sắm trong tương lai, điều này hiện mở ra cơ hội tiềm năng cho các nhà sản xuất vũ khí phương Tây. Politico nói rằng hai thập kỷ qua, Ấn Độ đã chi 60 tỉ USD mua vũ khí từ Nga, nhưng theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, lượng nhập khẩu từ Nga đã giảm dần, từ 76% trong giai đoạn 2009-2013 xuống chỉ còn 36% trong năm 2013. Đặc biệt trong 5 năm qua, xuất khẩu quốc phòng của Nga "chiếm chưa đến một nửa tổng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ". Và đây là giai đoạn 5 năm đầu tiên kể từ những năm 1960 mà Ấn Độ giảm nhập khẩu vũ khí từ Nga nhiều như vậy.Có thể tham khảo thêm báo cáo tháng 10-2022 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS): giai đoạn 2016-2020, Ấn Độ chiếm 23% tổng lượng xuất khẩu vũ khí của Nga, và Nga cung cấp 49% lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ. Trong số đó có thể kể tới 300 xe tăng T-90S giao đủ từ 2009 tới 2018, 400 tên lửa chống hạm Brahmos PJ-10 giao đủ từ 2006 tới 2020, 63 máy bay chiến đấu Mig-29 SMT giao đủ từ 2012 tới 2020.Xe tăng T-90 của Ấn Độ. Ảnh: Air Power AsiaChút không vừa ýCó nhiều cách nhận xét khác nhau về chuyến công du Nga của ông Modi trong hai ngày 8 và 9-7. Russia Today, nhật báo chính thức của nước chủ nhà hôm 9-7, chạy tít: "Putin cảm ơn Modi vì nỗ lực giải quyết khủng hoảng Ukraine"; trong khi tờ The Times of India lại cho thấy dường như có gì đó khác nhau giữa chủ nhà và khách mời: "Tại nhà của ông Putin, bất đồng hiếm hoi của Thủ tướng Ấn Độ Modi với Nga: Hành động quân sự không phải là giải pháp cho vấn đề".Một tờ báo Ấn Độ khác, The Hindu, kẻ dòng tít: "Ấn Độ ủng hộ đối thoại, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền: Chính phủ Modi". Trang Barrons thì thuật lại rằng Thủ tướng Modi đã nói với Tổng thống Putin tại Matxcơva rằng hòa bình là "vô cùng quan trọng" và "chiến tranh không thể giải quyết vấn đề".Cụ thể, ông Modi nói: "Là một người bạn, tôi cũng đã nói rằng vì tương lai tươi sáng hơn của thế hệ tiếp theo, hòa bình là điều vô cùng quan trọng. Khi những đứa trẻ vô tội bị sát hại, người ta nhìn thấy chúng chết đi, trái tim đau đớn và nỗi đau đó không thể chịu nổi". Có thể thấy ông Modi vẫn nhất mực một lập trường, một thái độ với người bạn Putin như đã từng nói với ông này tại Thượng đỉnh SCO ở Bali năm 2022: Giờ không phải là kỷ nguyên của chiến tranh.■ Tất nhiên, trong các vụ việc luôn có "kẻ thứ ba". Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Margaret MacLeod cho biết Mỹ muốn Ấn Độ sử dụng "mối quan hệ đối tác đặc biệt" với Nga để "gây áp lực" lên Matxcơva nhằm "ngăn chặn cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và nỗ lực vì một nền hòa bình lâu dài trong khu vực" (NDTV 10-7). Thật tình thì các bên có vẻ đều đã mệt mỏi vì chiến tranh, và ông Modi có thể là người trung gian cho hòa bình. Tags: Tổng thống Nga Vladimir PutinQuan hệ Đối tác chiến lượcẤn ĐộChương trình hợp tácNga
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.