05/04/2023 09:02 GMT+7

Hợp tác lưu vực sông Mekong: Tìm kiếm những giải pháp hành động cụ thể

Thúc đẩy hợp tác trên cơ sở bình đẳng, có trách nhiệm, chung tay hành động bảo vệ nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên không chỉ để duy trì sinh kế cho người dân mà cần hướng tới một lưu vực sông Mekong thịnh vượng và bền vững.

Phái đoàn Lào, trong đó có Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Alounxai Sounnalath, Thứ trưởng Bộ Năng lượng mỏ Xay Nhakhone, Phó đô trưởng Vientiane Phukhong Bannavong đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay Wattay (Vientiane) vào chiều 4-4 - Ảnh: PHÚC NGUYÊN

Phái đoàn Lào, trong đó có Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Alounxai Sounnalath, Thứ trưởng Bộ Năng lượng mỏ Xay Nhakhone, Phó đô trưởng Vientiane Phukhong Bannavong đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay Wattay (Vientiane) vào chiều 4-4 - Ảnh: PHÚC NGUYÊN

Hôm nay (5-4), Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) khai mạc tại Lào với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và các đối tác đối thoại (Trung Quốc, Myanmar), các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, xã hội và cộng đồng trong lưu vực.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông BÙI TẤT THẮNG - nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN) - cho rằng hội nghị MRC lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Các nước đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch nhưng cũng phải đối mặt với các vấn đề địa chính trị của nước lớn, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và các tác động ngày càng sâu sắc của biến đổi khí hậu.

An ninh nguồn nước gắn với an ninh lương thực

Ông BÙI TẤT THẮNG

Ông BÙI TẤT THẮNG

* Việc đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững vẫn là bài toán lớn với các nước. Theo ông, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?

- Việc duy trì nguồn nước để đảm bảo phát triển bền vững là nhu cầu cấp thiết với các quốc gia trong toàn vùng. Đã có nhiều thỏa thuận được đưa ra, nhưng việc thực hiện thế nào cho hiệu quả là vấn đề cần thảo luận. Đơn cử, các nước thuộc lưu vực sông Mekong từng có thỏa thuận khi những quốc gia ở thượng nguồn sử dụng nguồn nước, điều chỉnh dòng chảy từ hệ thống thủy điện, sẽ phải thông báo cho những nước ở hạ nguồn. Nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng các thông báo chưa kịp thời, thông tin chưa được cung cấp đầy đủ.

Do đó, việc đảm bảo an ninh nguồn nước phụ thuộc nhiều vào thái độ sử dụng nguồn nước của tất cả các nước, đặc biệt là các nước đầu nguồn. Tại hội nghị lần này, tôi hy vọng sẽ có những cam kết và hành động mạnh mẽ hơn để ràng buộc trách nhiệm các bên.

* Theo ông, những cam kết mạnh mẽ đó là gì?

- Xuất phát từ quan điểm của các thành viên trong Ủy hội sông Mekong, tất cả các nước phải hoàn toàn bình đẳng trong tiếp cận, có tiếng nói góp phần duy trì phát triển bền vững, sử dụng nguồn nước vì lợi ích chung.

Hội nghị lần này cần có những cam kết mạnh mẽ hơn trong khai thác nguồn nước sông Mekong. Các quốc gia phải cùng có trách nhiệm chia sẻ, không để bất cứ vùng đất nào trong lưu vực mà người dân ở đó mất sinh kế hoặc bị thiệt hại do tác động từ việc các nguồn lợi không được chia sẻ bình đẳng.

Một lưu ý là những cam kết này không chỉ thực hiện trong phạm vi các nước thuộc ủy hội, mà còn ở các nước thuộc lưu vực sông Mekong và sự tham gia của các tổ chức quốc tế.

Đó là cam kết trong việc điều phối, sử dụng nguồn nước, khắc phục sự cố, chung tay giải quyết các khó khăn và ứng phó với biến đổi khí hậu.

An ninh nguồn nước sẽ gắn với an ninh lương thực. Sự phát triển bền vững của nguồn nước ở lưu vực sông Mekong đang góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Các nước ở lưu vực đang sản xuất và cung ứng lương thực cho thế giới. Do vậy cần kêu gọi sự chia sẻ trách nhiệm, chung tay giải quyết các vấn đề mang tính khu vực.

Chủ động thích ứng

* Cùng với cam kết thì cần có những hành động cụ thể nào để đạt được mục tiêu trên, thưa ông?

- Cùng với cam kết, cần phải có hành động. Cần hình thành chương trình nghiên cứu, lập ra các quỹ để hỗ trợ người dân trong trường hợp khẩn cấp, bị tác động quá lớn của biến đổi khí hậu, trực tiếp ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của họ. Đó là những tài trợ về vật chất để người dân khi gặp thiên tai có thể tránh được những cú sốc, tránh được các tác động của biến đổi khí hậu tức thời mang lại.

Về lâu dài, cần có cơ chế hợp tác đa phương để huy động nguồn lực tổng thể thông qua quỹ chung. Từ các nước trong khu vực đến các đối tác đối thoại, đối tác phát triển và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Nguồn lực quỹ này cần tập trung vào các trọng tâm gồm: tài trợ cho nghiên cứu để cho ra đời những mô hình tổ chức sản xuất đem lại hiệu quả cao nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu. Người dân ở lưu vực có thể được vay từ quỹ để phát triển các mô hình sinh kế hoặc quỹ tài trợ cho các mô hình giúp người dân sinh sống, thích nghi được trong tình hình mới.

Chẳng hạn việc nghiên cứu mô hình sản xuất, cải tiến giống cây nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của vùng, như các loại trái cây nhiệt đới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

* Khoa học công nghệ được xem là yếu tố then chốt để thay đổi tư duy, thích ứng với biến động từ bên ngoài. Theo ông, điều này có ý nghĩa thế nào?

- Trong sự biến động liên tục thì sự đổi mới tư duy là tất yếu. Dẫn chứng, quyết định của Thủ tướng phê duyệt định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nhấn mạnh tư tưởng thuận thiên gắn với phát huy khoa học công nghệ để nương tựa, tôn trọng tự nhiên hướng tới phát triển bền vững.

Lưu vực này khai thác các nguồn lợi từ dòng sông Mekong, vừa mang tính cộng sinh nhưng cũng có xung đột. Do vậy làm thế nào để tăng cường cộng sinh, giảm bớt xung đột. Chúng ta có thể thúc đẩy ứng dụng công nghệ để tạo nên sự cộng sinh, tăng cường những lĩnh vực hợp tác mang tính liên kết vùng. Ví như thúc đẩy phát triển du lịch của tiểu vùng sông Mekong, trao đổi thông tin sản phẩm, thị trường sản phẩm nông sản, khoa học công nghệ...

Chiều 4-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường sang Vientiane (Lào) dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra ngày 5-4.

Hội nghị sẽ thảo luận về các khó khăn, thách thức và đưa ra giải pháp để thông qua Tuyên bố chung - Tuyên bố Vientiane.

Nét mới của hội nghị là sự gắn kết chính sách giữa các lĩnh vực khác nhau, tăng cường sự liên kết khu vực, quốc gia và hỗ trợ vượt qua thách thức. Đổi mới trong hợp tác, xác định cơ hội, thông qua quy trình quản lý rủi ro vì lợi ích của người dân sống trong lưu vực. Đổi mới về công nghệ, bao gồm trang thiết bị, công cụ và sản phẩm kỹ thuật số, nâng cấp để tăng cường quy hoạch và quản lý...

Thủ tướng đi Lào dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong, bàn giải pháp an ninh nguồn nướcThủ tướng đi Lào dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong, bàn giải pháp an ninh nguồn nước

Chiều 4-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường sang Vientiane (Lào) dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên