Tại đây, các nhà miễn dịch học hàng đầu thế giới đã cùng với các chuyên gia y tế trong nước thảo luận về việc tìm kiếm giải pháp đẩy lùi một trong những thách thức y tế lớn nhất của nhân loại thời kỳ hậu đại dịch COVID-19: các căn bệnh rối loạn tự miễn.
Với sự dẫn dắt của GS. Đặng Văn Chí, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig và ĐH Johns Hopkins (Hoa Kỳ), những người tham dự tọa đàm đã được nghe những tham luận chuyên khoa đặc biệt của GS. Jang-Soo Chun, Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju và là Giám đốc Trung tâm Sáng kiến nghiên cứu sáng tạo quốc gia (Hàn Quốc) về sinh bệnh học viêm xương khớp; GS. Shimon Sakaguchi, nhà miễn dịch học đến từ Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong, ĐH Osaka (Nhật Bản); GS. Pascale Cossart - nguyên Trưởng khoa Tế bào tại Viện Pasteur (Pháp); TS. BS. Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng khoa Nội chung tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec và Giảng viên lâm sàng thuộc Khối Khoa học Sức khỏe, trường ĐH VinUni…
Hợp tác để mang lại hy vọng cho người bệnh
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ: "Con người đã có bước tiến đáng kể trong việc làm sáng tỏ nguyên nhân gây bệnh rối loạn tự miễn nhưng các căn bệnh tự miễn vẫn là thách thức lớn. Nhân loại hiện biết 100 loại bệnh tự miễn trong cả nghìn bệnh lý hiếm gặp. Sau đại dịch, chúng ta thấy nguy cơ mắc bệnh tự miễn tăng 20-50%. Tại Việt Nam cũng ghi nhận tỉ lệ mắc rối loạn miễn dịch sau dịch tăng trong khi nguồn lực và phương pháp điều trị còn hạn chế".
"Qua hai mùa giải trước, VinFuture đã vinh danh các nhà khoa học, góp phần giúp giải quyết thách thức nhân loại. Trong bối cảnh hiểu biết về các bệnh rối loạn tự miễn còn hạn chế, nhiều khó khăn về các loại thuốc điều trị, tọa đàm là nơi để các nhà khoa học hợp tác mang tới hy vọng cho người bệnh" - bà Hương bày tỏ kỳ vọng.
Theo TS. Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng khoa Nội chung tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Việt Nam có 100 triệu dân nhưng tỉ lệ bệnh tự miễn độ 4%, tức là 4 triệu người bị mắc bệnh.
Bệnh tự miễn hiểu là hệ tự miễn tấn công tế bào cơ thể, như vảy nến, viêm mạch máu… Trước kia bệnh tự miễn được coi là hiếm gặp nhưng hiện không phải hiếm nữa khi người mắc bệnh chiếm 4-5% trong cộng đồng dân số, tỉ lệ bệnh tự miễn ngày càng tăng.
Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ, Đức và Anh cho thấy nguy cơ mắc các bệnh lý tự miễn tăng lên từ 20-50% sau khi một người nhiễm COVID-19. Theo thông tin của Đại học Oxford (Anh) vào tháng 5-2023, có khoảng 10% dân số mắc 19 loại bệnh tự miễn.
Việt Nam cũng ghi nhận sự gia tăng rõ rệt số người mắc các rối loạn miễn dịch sau COVID-19, tạo ra gánh nặng bệnh tật cho bản thân người bệnh cũng như cho xã hội.
Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, thách thức trong điều trị các vấn đề rối loạn miễn dịch hiện nay là khoảng cách giữa nhu cầu của người bệnh và các sản phẩm điều trị. Mặc dù có nhiều thuốc, từ ức chế miễn dịch đến điều trị sinh học (tức liệu pháp đích), nhưng mới đạt được hiệu quả giảm triệu chứng, kiểm soát bệnh ổn định chứ chưa giúp người bệnh khỏi hoàn toàn.
Ngoài ra, các thuốc sinh học hoặc thuốc điều trị đích hiện chưa có hoặc quá đắt ở Việt Nam nên khó tiếp cận với số đông. Do đó, phần lớn bệnh nhân tại Việt Nam đang sử dụng các loại thuốc cổ điển, gây nhiều tác dụng phụ như tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng nhiều đến các chức năng nội tạng như gan, thận...
"Với kinh nghiệm phát triển và nghiên cứu ứng dụng liệu pháp tế bào ở Vinmec cùng với nguồn nhân lực được đào tạo bài bản tại các trung tâm miễn dịch hàng đầu trên thế giới và hệ thống trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư, Vinmec có thể và sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ hoặc thực hiện nghiên cứu ứng dụng liệu pháp tế bào T trong điều trị các bệnh lý tự miễn cũng như đưa ra một giải pháp tổng thể cho việc chẩn đoán và phân tầng nguy cơ sớm cho các rối loạn tự miễn để có những can thiệp phù hợp nhắm đích ngay từ đầu", TS.BS. Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đồng thời là giảng viên lâm sàng Viện Khoa học Sức khỏe, trường ĐH VinUni, chia sẻ tại tọa đàm.
Tiếp cận những vấn đề toàn cầu
Tọa đàm do Quỹ VinFuture tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023. Đây là dịp đặc biệt khi lần đầu tiên quy tụ những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực miễn dịch trên thế giới tề tựu tại Việt Nam để cùng bàn thảo về một vấn đề y tế đang thách thức toàn cầu. Chủ đề và mục tiêu của tọa đàm cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng tham gia cùng giải quyết những thách thức mới của y tế toàn cầu, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận về chủ đề đâu là hướng đi tương lai để điều trị các căn bệnh rối loạn tự miễn cho số đông người dân. Theo đó, các diễn giả đã tập trung thảo luận các liệu pháp điều trị nhắm đích, bao gồm liệu pháp tế bào sử dụng lympho T điều hòa, các kháng thể đơn dòng để điều trị một số bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì... Những phương pháp điều trị theo hướng miễn dịch học chính xác này hứa hẹn có thể chữa khỏi hoàn toàn các bệnh lý tự miễn.
Các chuyên gia cũng trao đổi về các liệu pháp miễn dịch học chính xác trong điều trị rối loạn tự miễn dịch, chiến lược phát triển, hướng đi tiềm năng và các rào cản cần giải quyết để bệnh nhân ở các nước đang phát triển có thể tiếp cận được.
Tọa đàm "Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn" là cơ hội để các nhà lâm sàng, các nhà khoa học y sinh tại Việt Nam có thể trực tiếp lắng nghe, đặt câu hỏi và thảo luận, cập nhật các hiểu biết mới và tân tiến nhất về miễn dịch từ những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này trên thế giới.
Từ đó, các bác sĩ và nhà khoa học Việt Nam có thể tìm ra cách tiếp cận hợp lý, lựa chọn giải pháp tối ưu cho người bệnh trong bối cảnh hiện nay.
Sự tham gia ngày càng chủ động của giới nghiên cứu Việt Nam tại các diễn đàn khoa học quốc tế, như Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture, còn là dịp để giới khoa học Việt Nam khẳng định tiếng nói và những đóng góp của mình trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
GS. David Neil Payne, đồng chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2022, cho biết thông qua VinFuture, hình dung của ông về Việt Nam đã thay đổi rất lớn. Nhà khoa học danh tiếng đánh giá Việt Nam có tiềm năng trở thành một quốc gia mạnh về khoa học công nghệ với những người trẻ thông minh, có nền tảng giáo dục tốt và đặc biệt là có khát vọng.
"Người Việt rất tận tâm với khoa học và có khát vọng thay đổi thế giới. Chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn để khiến thế giới hiểu và chú ý đến những gì đang diễn ra tại các quốc gia như Việt Nam. Tôi rất vui mừng khi Giải thưởng VinFuture đã làm được điều đó ở một mức độ rộng lớn", GS. Payne khẳng định.
Số lượng đề cử giải thưởng VinFuture tăng gấp 3
Ở mùa đầu tiên, năm 2021, giải thưởng VinFuture nhận được 599 đề cử. Đến mùa thứ hai, năm 2022, số đề cử đã tăng lên 970. Và đến mùa ba năm nay là con số 1.389 đề cử.
Sau ba mùa giải, số lượng các đề cử tăng gấp ba lần cho thấy uy tín và tầm vóc của giải thưởng cũng như sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới dành cho VinFuture.
Giáo sư Albert Pisano, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture đánh giá: "Tôi cho rằng Giải thưởng VinFuture đang hoạt động rất hiệu quả với sự gia tăng liên tục về chất lượng, số lượng và sự đa dạng của các đề cử".
GS. Quarraisha Abdool Karim, thành viên Hội đồng Sơ khảo, nhấn mạnh: "VinFuture là một giải thưởng khác biệt, tập trung vào tác động xã hội của khoa học, công nghệ. Giải thưởng tiên phong và khác biệt, uy tín quốc tế ngày một lớn".
Bà cũng đánh giá cao vai trò của VinFuture trong việc kết nối cộng đồng khoa học toàn cầu khi tập hợp những người có cùng khát vọng xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận