07/03/2020 16:46 GMT+7

Họp khẩn cung ứng hàng hóa: 'Cam kết Hà Nội đủ hàng, không phải dự trữ'

N.AN
N.AN

TTO - Ngành công thương khẳng định đảm bảo cung ứng hàng hóa, chủ động điều tiết nguồn hàng tăng từ 30-50% với tiêu chuẩn, chất lượng và giá cả đảm bảo.

Họp khẩn cung ứng hàng hóa: Cam kết Hà Nội đủ hàng, không phải dự trữ - Ảnh 1.

Cuộc họp của Bộ Công thương - Ảnh: N.AN

Chiều 7-3, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì họp khẩn về tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Nội chính thức công bố ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Báo cáo về tình hình chung, ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết từ khi dịch COVID-19 diễn ra, bộ đã triển khai nhiệm vụ đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường trên cơ sở đề nghị doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung thiết yếu, đàm phán đơn vị cung ứng hàng phòng chống dịch bệnh…

Các siêu thị đã chuẩn bị tăng nguồn từ 30-50%

Dự báo nhu cầu người dân sẽ tăng, các siêu thị có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung. BigC tăng 3 lần lượng hàng dự trữ tại kho, Saigon Co.op tăng 50% và Vinmart tăng từ 30-50%. Các nhà cung ứng đều có kế hoạch đảm bảo nguồn cung thực phẩm như gạo, mì, thực phẩm, sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng và không có hiện tượng găm hàng, sốt giá…

Đặc biệt, ngay sau khi Hà Nội công bố ca nhiễm bệnh, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, từ sáng sớm 7-3, bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp phân phối khẩn trương tăng nguồn hàng, đáp ứng đủ và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho Hà Nội. Bộ cũng đi kiểm tra, đôn đốc nhiều điểm phân phối nhằm ổn định tâm lý với người tiêu dùng.

"Hàng hóa có thể thiếu cục bộ do tăng tích trữ, nhưng cơ bản đáp ứng đủ" - ông Đông nhấn mạnh. Nhiều hệ thống đã điều nguồn hàng về Hà Nội, tăng tần suất giao hàng và tăng nhân lực, làm thêm ca đêm, nên bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền người dân hạn chế mua hàng tích trữ.

Chuẩn bị ứng phó tình huống cực đoan

Bà Trần Phương Lan, phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết ngay khi công bố dịch, Hà Nội vẫn đang triển khai bình ổn thị trường với hơn 31.000 tỉ đồng, nên đơn vị phân phối ở thành phố vẫn có lượng hàng đầy đủ, tăng nguồn hàng hóa đến 30-50%.

Sở làm nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, nên thường xuyên rà soát giá cả nhằm có điều phối cho kịp thời về sản lượng hàng hóa; dự trữ hàng hóa đủ cho 5.000 người cách ly, phân bổ lượng hàng như dầu ăn, trứng, muối, gạo… giao cụ thể cho từng đơn vị.

Ngay sau khi Hà Nội công bố ca nhiễm đầu tiên, bà Lan cho biết trong đêm 6-3, Hà Nội đã họp cả đêm và giao nhiệm vụ cho Sở Công thương đảm bảo nhu cầu hàng hóa, trấn an người tiêu dùng, và ngay sáng 7-3 đã đi kiểm tra một số điểm phân phối.

"Chúng tôi cam kết với người dân Hà Nội đủ hàng, không phải dự trữ hàng, đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chuẩn, chất lượng và giá cả" - bà Lan cho hay.

Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh, dù dịch bệnh hay không vẫn phải chủ động tình thế và tính toán phương án đảm bảo sự bền vững chuỗi cung ứng trong dài hạn. Việt Nam là quốc gia có năng lực sản xuất nhu yếu phẩm như dệt may, dầu ăn, mì ăn liền…, nên tình hình cực đoan này đặt ra yêu cầu cho nhà quản lý chính sách trong đảm bảo cung cầu và ổn định thị trường.

Khi dịch bệnh tăng lên, cần tính toán nhu cầu đáp ứng, dự báo diễn biến, cách ổn định nguồn cung cho thời điểm cực đoan nhất.

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ: Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ: 'Hoãn tất cả các lễ hội, hội họp không cần thiết'

TTO - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã ‘yêu cầu tập trung tất cả các giải pháp quyết liệt, không để lây lan, hoãn tất cả các lễ hội, hội họp không cần thiết ở tất cả các cơ quan của thành phố’.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên