Phóng to |
Đại biểu Trần Trọng Dực dẫn tài liệu chứng minh khi cho rằng số liệu về biệt thự do UBND TP Hà Nội báo cáo không chính xác - Ảnh: X.Long |
Ông Nguyễn Tuấn Thịnh, phó trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, khẳng định: “Đề nghị của UBND TP là chưa phù hợp với quy định tại nghị định số 34 và không thuộc thẩm quyền của HĐND TP”.
Tự ý loại bỏ 312 biệt thự khỏi danh mục bảo tồn
Báo cáo về nội dung quản lý biệt thự theo đề án 2008 và nghị quyết 18/2008 của HĐND TP, ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết trên địa bàn TP hiện nay còn 218 biệt thự không đủ tiêu chí để quản lý bảo tồn. Tuy nhiên, đại biểu Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội, khẳng định số liệu biệt thự không đủ tiêu chí quản lý bảo tồn do UBND TP nêu ra không chuẩn xác. “Trong 15 biệt thự mà các đồng chí báo cáo đã biến dạng hoàn toàn, phải loại ra khỏi danh mục trong nghị quyết 18 của HĐND TP, tôi xin thưa có ba biệt thự còn nguyên giá trị. Đó là các biệt thự: 52 phố Ngũ Xã, 102 Hoàng Hoa Thám (nay là 333 Hoàng Hoa Thám) và 38 Hoàng Hoa Thám” - ông Dực dẫn chứng.
Chưa hết, theo ông Dực, năm 2013 UBND TP trong quyết định 7177 đã “vượt quyền” HĐND TP khi loại 312 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý theo nghị quyết 18 đã được HĐND TP quyết.
Cũng theo ông Dực, ngay việc Sở Xây dựng báo cáo về số liệu biệt thự đã phá dỡ trước thời điểm có nghị quyết 18 của HĐND TP năm 2008 cũng không chính xác.
Giải trình về nội dung này, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng quyết định 7177 không có ý loại bỏ 312 biệt thự ra khỏi danh mục đã được HĐND TP quyết. “Đây là những biệt thự không đủ tiêu chí thực hiện quy chế bảo tồn theo nghị quyết 18 của HĐND TP, vì vậy những biệt thự này vẫn được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật nhà ở, Luật xây dựng” - ông Khanh nói.
Không bằng lòng, đại biểu Dực quả quyết: “Phó chủ tịch giải thích quyết định 7177 không sai là tôi không đồng tình. Các đồng chí giải thích nữa tôi xin theo đến cùng”.
UBND TP rút lại đề xuất
Thẩm tra về nội dung UBND TP đề nghị HĐND TP cho phép xem xét bán biệt thự theo nghị định 34 của Chính phủ cho gia đình cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đang sử dụng nhà biệt thự; cho phép các hộ dân đang sinh sống tại biệt thự đan xen có từ ba hộ ở trở lên, ở chung biệt thự với trụ sở cơ quan (trên 50% diện tích là trụ sở cơ quan) và đã có hộ được mua nhà, được phép mua nhà theo nghị định 34, ông Nguyễn Tuấn Thịnh nói: “Đề nghị của UBND TP là chưa phù hợp với quy định tại nghị định số 34 và không thuộc thẩm quyền của HĐND TP”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban pháp chế HĐND TP, khẳng định: “Nghị quyết 18 của HĐND TP đã quy định rõ danh mục biệt thự không được bán. Danh mục này đã báo cáo Thủ tướng và được chấp thuận, dứt khoát không được bán tiếp. Vì vậy các đề xuất cho bán đối với những biệt thự thuộc diện như UBND TP đề xuất nêu trên là không phù hợp...”. Ông Nam cũng cho rằng trong quản lý biệt thự trên địa bàn TP, Sở Xây dựng TP đã buông lỏng quản lý...
Phúc đáp ý kiến của các đại biểu về đề xuất bán thêm biệt thự, ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND TP Hà Nội, đề nghị HĐND TP cho thông qua nội dung sửa đổi về phân loại biệt thự thành ba nhóm; cho phép chuyển các trường hợp được mua nhà, giá bán nhà, phương thức mua nhà theo nghị quyết 18 của HĐND TP sang thực hiện theo quy định của nghị định 34 về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Riêng hai nội dung đề xuất bán thêm biệt thự, ông Thảo xin HĐND TP cho rút khỏi dự thảo nghị quyết.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt khẳng định việc UBND TP rút hai nội dung xin bán biệt thự là phù hợp, đồng thời đề nghị UBND TP rà soát quyết định 7177 về loại bỏ 312 biệt thự, làm rõ tính pháp lý để điều chỉnh cho phù hợp.
Ngày 10-7, HĐND TP sẽ thực hiện các nội dung chất vấn, tái chất vấn đối với các thành viên UBND TP và lãnh đạo UBND TP. Toàn bộ nội dung chất vấn sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài phát thanh - truyền hình Hà Nội.
Sẽ có đường Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp Ngày 9-7, HĐND TP đã thông qua năm nghị quyết, trong đó có nghị quyết về đặt tên và điều chỉnh độ dài 26 tuyến đường phố năm 2014. Theo đó, có tên đường Võ Chí Công (đoạn từ cầu Nhật Tân đi qua khu Tây Hồ Tây đến điểm giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt, dài 4,5km, rộng 57,5-64,5m), đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ sân bay Nội Bài đến cầu Thăng Long, dài 12km, rộng 23m), đường Võ Nguyên Giáp (đoạn từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, dài 12km, rộng 70-100m)... Điều chỉnh tăng 8 loại phí, lệ phí từ ngày 1-8 Nghị quyết về ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn TP quyết định điều chỉnh tăng mức thu tám loại phí, bãi bỏ hai loại phí, lệ phí (áp dụng từ ngày 1-8). Các loại phí, lệ phí được đề xuất điều chỉnh gồm: tăng lệ phí cấp phép xây dựng từ 50.000 đồng lên 75.000 đồng/giấy phép; lệ phí cấp biển số nhà cũng tăng từ 25.000 đồng lên 45.000 đồng/lần. Các loại phí, lệ phí như trông giữ xe bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; phí khai thác sử dụng tài liệu đất đai; phí thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lệ phí đăng ký cư trú; lệ phí địa chính cũng được điều chỉnh tăng 1,5-2 lần mức cũ. Phí bảo vệ môi trường với nước thải sinh hoạt thu 10% trên giá bán nước sạch chưa có thuế giá trị gia tăng. HĐND cũng nhất trí bãi bỏ hai loại phí, lệ phí là bãi bỏ lệ phí cấp chứng minh nhân dân (do Công an Hà Nội đã cấp chứng minh nhân dân bằng công nghệ mới, mức thu, chế độ thu, nộp... được thực hiện theo thông tư của Bộ Tài chính) và bãi bỏ phí qua cầu trên địa bàn TP Hà Nội. Nghị quyết về điều chỉnh giá với 1.348 dịch vụ kỹ thuật y tế đối với các cơ sở y tế công lập trên địa bàn, quy định mức điều chỉnh đối với bệnh viện hạng 1 tăng từ 80% lên 100%, hạng 2 tăng từ 75% lên 95%, hạng 3 tăng từ 75% lên 95%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận