Hiện do đã kiếm được việc làm mới ở gần nhà hơn nên tôi làm đơn xin nghỉ việc và hứa sẽ bàn giao công việc trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên sếp tôi không đồng ý vì thời điểm tôi bàn giao công việc cũng là lúc sếp đi du lịch với gia đình ở nước ngoài. Xin hỏi hợp đồng đề cập nghỉ việc báo trước 60 ngày có hiệu lực không?
Trường hợp của tôi báo trước 30 ngày và có thể bàn giao công việc trước khi nghỉ mà sếp tôi không bố trí người nhận bàn giao có phải là tôi nghỉ việc trái pháp luật không? Nếu tôi bàn giao công việc trong vòng 30 ngày thì tôi phải bồi thường tiền vi phạm thời hạn báo trước là bao nhiêu?
Công ty muốn tôi làm việc hết 60 ngày theo đúng hợp đồng, tôi không đồng ý vì mình có thể bàn giao trong vòng 30 ngày, vậy công ty có quyền giữ sổ bảo hiểm của tôi không?
(Một bạn đọc)
- Khoản 3, điều 37 Bộ luật lao động (BLLĐ) quy định: người lao động làm theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày; người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị sáu tháng liền thì phải báo trước ít nhất 3 ngày.
Khoản 2, khoản 3 Điều 29 BLLĐ quy định: trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của HĐLĐ quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đang áp dụng trong doanh nghiệp hoặc hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung.
Trong trường hợp phát hiện HĐLĐ có nội dung quy định tại khoản 2 Điều 29 BLLĐ thì thanh tra lao động hướng dẫn các bên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nếu các bên không sửa đổi, bổ sung thì thanh tra lao động có quyền buộc hủy bỏ các nội dung đó; quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Chiếu theo quy định của pháp luật nêu trên, điều khoản "khi nghỉ việc phải báo trước 60 ngày" trong HĐLĐ của bạn ký với công ty sẽ không có hiệu lực pháp luật thi hành.
Trường hợp bạn đã ký với công ty HĐLĐ không xác định thời hạn, khi bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ bắt buộc bạn phải báo trước cho công ty ít nhất 45 ngày. Còn nếu bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà bạn báo trước cho công ty 30 ngày, bạn đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Khi đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 41 BLLĐ, bạn phải bồi thường cho công ty một khoản tiền tương ứng với 15 ngày tiền lương của bạn.
Về sổ bảo hiểm, theo điểm c, khoản 1 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc. Vì vậy khi bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ và bàn giao công việc trong vòng 30 ngày, công ty vẫn không có quyền giữ sổ bảo hiểm của bạn.
Chấm dứt hợp đồng lao động trái luật là việc chấm dứt HĐLĐ không tuân thủ theo quy định của Điều 36, Điều 37, Điều 38 Bộ luật lao động. Điều 36 BLLĐ quy định HĐLĐ chấm dứt trong những trường hợp sau đây: 1- Hết hạn hợp đồng;2- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng;3- Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;4- Người lao động bị kết án tù giam hoặc bị cấm làm công việc cũ theo quyết định của tòa án;5- Người lao động chết; mất tích theo tuyên bố của tòa án. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận