Siêu đề án metro khó hơn cả nghị quyết 98
Ngày 9-4, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với các sở ngành liên quan xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Kết luận đề ra đến 2035, TP.HCM sẽ hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch. Để hoàn thành mục tiêu này trong khoảng 10 năm, TP phải xây dựng siêu đề án metro với cơ chế đột phá, cách làm mới.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - nhận định đây là đề án lớn, khó hơn cả nghị quyết 98. Nghị quyết 98 là định hướng để làm, còn đề án metro bao gồm rất nhiều lĩnh vực như thủ tục đầu tư, huy động vốn, đất đai, quy hoạch, khoa học công nghệ; mô hình tổ chức xây dựng và khai thác...
"Đây là đề án lớn, đột phá và chưa có tiền lệ của đất nước. TP đang huy động sở ban ngành, tư vấn và chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực để hoàn thiện đề án trình Bộ Giao thông vận tải. Bộ Giao thông vận tải sẽ lấy ý kiến bộ ngành trình Chính phủ vào tháng 5-2024", ông Lâm nói.
TS Trần Du Lịch - ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện nghị quyết 98 - cũng đánh giá đây là đề án khó. Đề án metro là tổng thể, trong đề án có hàng chục đề án con với những cơ chế, chính sách chưa từng có. Để xây dựng và triển khai được, chúng ta cần có quyết tâm chính trị cao mới làm được.
Ban metro: Có sở 4 tháng không có ý kiến
Theo quy hoạch quyết định 568, mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 200km. Tại đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được xây dựng thì có điều chỉnh, bổ sung tổng chiều dài thành 500km.
Với quy hoạch như trên, hiện có ba phương án để đầu tư đường sắt đô thị. Phương án 1 sẽ đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị dài 511km. Phương án này có tổng mức đầu tư sơ bộ cao nhất với hơn 48,5 tỉ USD.
Phương án 2 sẽ đầu tư xây dựng 6 tuyến với chiều dài 303,25km, khoảng 25,4 tỉ USD.
Phương án 3 sẽ đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch 568 dài khoảng 200km, với tổng mức đầu tư 20,8 tỉ USD.
Trước đó, đề án này đã được UBND TP giao Ban Quản lý đường sắt đô thị TP chủ trì. TP cũng lập tổ công tác xây dựng đề án.
Tuy nhiên, việc xây dựng đề án trên thực tế chưa đạt tiến độ.
Về lý do, theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, trong quá trình xây dựng đề án, văn bản nhận nhiều, có chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch UBND TP... Tuy nhiên, đề án chưa hoàn thành theo yêu cầu vì các nội dung liên quan đến nhiều sở ngành.
"Ban đã xây dựng đề cương hơn chục cơ chế chính sách đột phá, trong đó có cơ chế giải phóng mặt bằng, tái định cư. TP đã có chỉ đạo từ tháng 12-2023 giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP xây dựng cơ chế này. Tuy nhiên sau hơn 4 tháng, sở vẫn chưa có có ý kiến", đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nói và cho hay để đảm bảo tiến độ đề án, các sở ngành cần phải vào cuộc quyết liệt hơn.
Tại cuộc họp, các đơn vị tham gia dự họp thống nhất giao sở chuyên ngành chủ trì xây dựng từng nhóm cơ chế, chính sách. Chẳng hạn, trong thời gian 10 năm chúng ta xây dựng hệ thống metro cần 20 tỉ USD. Vậy nguồn vốn này ở đâu ngoài phát hành trái phiếu hay mô hình thu hồi quỹ đất theo mô hình TOD? Hay như nếu làm đồng loạt 6 tuyến, Sở Tài nguyên và Môi trường TP với vai trò của mình sẽ đề xuất cơ chế, chính sách nào để triển khai thu hồi đất nhanh?
"Sau cuộc họp này, sở sẽ có báo cáo UBND TP.HCM về dự thảo giao các nhiệm vụ cho các sở ngành. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải thành lập một tổ công tác chung để TP.HCM và TP Hà Nội phối hợp xây dựng đề án cho đồng bộ", ông Lâm kết luận cuộc họp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận