Bé Trúc Mai hiện ở tại Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ - Ảnh: Tấn Đức |
“Không nói nhiều như những đứa trẻ khác nhưng bé khá hiếu động, thấy các cô bảo mẫu hay bất cứ ai đến thăm, nó đều mè nheo đòi bế bồng, chơi đùa với nó” - bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ (gọi tắt là trung tâm) kể khi chúng tôi đến thăm bé Trương Thị Trúc Mai (2 tuổi) đang được nuôi dưỡng tại đây cùng hàng chục đứa trẻ khác.
Vòng tay yêu thương
Rời bỏ địa phương Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh của gia đình chị Trúc, bà Trần Thị Lợt - chủ tịch Hội Phụ nữ P.An Bình, Q.Ninh Kiều - cho biết: “Hội đã nhiều lần tiếp xúc, vận động chị Trúc đi học nghề may (miễn phí), sau đó hội sẽ tặng máy may để có nghề kiếm thêm thu nhập nhưng chị ấy từ chối bảo không học được. Còn vận động đi triệt sản thì Trúc cũng lẩn tránh rồi bỏ đi khỏi địa phương gần hai năm nên không quản lý được. Bây giờ nghe đâu đã có thêm một đứa con nữa. Cứ cái vòng luẩn quẩn nợ nần, đông con, thất học này, tương lai cứ mù mịt”. |
Quả vậy, vừa trông thấy bóng dáng bà Thủy từ xa, bé Mai đã nước mắt ngắn dài, miệng mếu máo gọi: “Oại (ngoại)... oại... ẵm”. Bà Thủy vừa đưa hai tay ra, cô bé đã sà ngay vào lòng. Nụ cười vụt hiện ra trên gương mặt trắng hồng, với mái tóc xoăn tết sát da đầu để lộ vầng trán cao ngợi.
“Con chào khách đi. Chu miệng làm xấu cái coi. Mi gió ngoại đi”... Cô bé nhanh nhảu làm trò sau mỗi câu nói của vị phó giám đốc trung tâm mà nó vẫn hay gọi bằng “oại”.
Vừa ngơi tay sau khi phân phát sữa và xếp đặt chỗ ngủ trưa cho từng bé, bảo mẫu Nguyễn Thị Muối, một trong những người thường xuyên chăm sóc bé Mai, kể với giọng đầy yêu thương: “Bé được đưa vào đây ngày 12-11-2013. Giờ bé đã biết tự ăn cháo nhưng vẫn thích uống sữa. Con nhỏ coi vậy mà tình cảm lắm, biểu gì cũng nghe, có chuyện không vừa ý, dỗ ngọt là nín liền”.
Không riêng cán bộ, nhân viên trung tâm, nhiều người biết hoàn cảnh của bé Mai thi thoảng lại tới thăm, “coi bé lớn dài ra sao”.
Chị Thảo Vy, nhà ở đường Mậu Thân, P.An Nghiệp, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ, vẫn còn lưu giữ trong điện thoại hình ảnh của bé Mai qua từng giai đoạn phát triển, từ lúc mới đưa vào trung tâm cho tới khi bé biết lật, biết bò, đứng chững rồi bập bẹ nói.
“Trong cái rủi lại có cái may. Bé bị mẹ bỏ rơi nhưng vào đây được các bảo mẫu và nhiều người xa gần quan tâm chăm sóc, có khi lại hay hơn ở với cha mẹ nhưng thiếu sự quan tâm của người lớn khiến bé cô đơn ngay tại nhà” - chị Thảo Vy nói.
Còn chị Thuận, một người dân ở cùng địa phương với cha mẹ bé Mai, bộc bạch: “Tui nhớ nhứt là cái miệng con bé. Lần nào tới thăm nó cũng bu lu bu loa. Có lẽ nhờ cái miệng hay kêu ấy mà người ta phát hiện ra nó lúc bị bỏ rơi, đã cứu kịp thời”.
Vì đâu nên nỗi...
Chúng tôi trở lại kênh Ngã Cái - Rau Răm, P.An Bình, Q.Ninh Kiều, nơi bé Trúc Mai được sinh ra. Căn nhà của vợ chồng anh Nhân, chị Trúc (cha mẹ bé Mai) khóa trái tự lúc nào, ổ khóa cũng đã hoen gỉ, rêu phong, cỏ dại bao phủ bốn bề.
Nhiều người trong xóm cho biết vài tháng sau khi xảy ra sự việc, có lẽ do nợ nần bủa vây và áp lực dư luận, cả nhà chị Trúc đã bỏ đi biệt xứ.
Nhắc lại chuyện cũ, bà Huỳnh Thị Tư (81 tuổi, bà nội bé Mai) thở dài: “Con dâu tui (chị Trúc) thiệt dại hết sức. Ai đời sinh con xong lại đem đi bỏ, sáng sớm hôm sau còn ráng lê lết ra vườn chẻ củi, giăng lưới bắt cá cho người ta khỏi nghi ngờ. Nghĩ lại vừa giận vừa thương nó. Có việc gì thì nói, anh em, bà con chòm xóm đâu nỡ bỏ nhau lúc hoạn nạn”.
Rồi bà Tư kể câu chuyện “hoạn nạn” dẫn tới việc phải từ bỏ đứa con của con dâu: “Vợ chồng nó đem giấy tờ nhà thế chấp người ta để vay 60 triệu đồng lấy vốn làm ăn. Nhưng khi nhận tiền còn có 45 triệu đồng vì phải chi cho "cò" hết 6 triệu đồng, rồi trích lại 9 triệu đóng lãi tháng đầu.
Làm ăn lỗ lã, lại vay thêm 70 triệu đồng hi vọng gỡ gạc nhưng rồi lãi suất cao quá, làm không đủ đóng tiền lời. Mà tháng nào không đóng thì người ta gộp vô nợ gốc, thành ra mới có gần hai năm mà số nợ đã trên 250 triệu đồng.
Người ta tới xiết nợ, hăm he bảo không đóng lãi nữa thì đuổi ra đường, lấy nhà. Trong lúc rối bời vì nợ nần lại chuyển bụng sanh con nên nó quẫn trí mới làm vậy. Tất cả cũng từ chuyện vay nóng, lãi suất cao như cột điện, nợ nần chồng chất mà tan nhà bại sản”.
Chắp nhặt những thông tin có được, chúng tôi đã lần ra nơi tạm trú của vợ chồng anh Nhân, chị Trúc tại tỉnh Bình Dương. Hằng ngày người chồng đi làm thợ hồ, được trả công 250.000 đồng. Chị Trúc nhận nấu cơm trưa cho nhóm thợ làm cùng chồng, kiếm lời vài ngàn đồng trên mỗi suất ăn.
Cả ba người con, trong đó hai bé trai đang học lớp 3 và lớp 5, cũng bỏ dở việc học, rời quê theo cha mẹ đi khuân gạch, đẩy xe chở ximăng, cát đá cho công trình xây dựng. Tuổi nhỏ, các em chỉ được trả công 70.000 - 80.000 đồng/ngày, nhưng đó là khoản thu nhập đáng kể trong hoàn cảnh cả nhà phải bươn chải kiếm sống giữa chốn thị thành.
Kết thúc có hậu Khoảng 20g ngày 2-10-2013, chị Trúc (38 tuổi, ở P.An Bình, Q.Ninh Kiều) chuyển dạ, rồi lén chồng một mình sinh con tại nhà. Ngay sau đó người mẹ này đã dùng túi nilông bọc bé gái còn nguyên dây rốn ra phía trước nhà, dùng dao bới đất đặt đứa bé xuống, để lộ gương mặt hướng lên. Khoảng 21g30, ông Trương Văn Duyên, hàng xóm, cũng là bác ruột của bé, tình cờ đi ngang nghe tiếng khóc đã lần theo và phát hiện sự việc nên hô hoán cùng mọi người đưa bé đi trạm y tế sơ cứu. Ngay trong đêm, bé đã hồi phục, được đưa về nhà một người dân trong xóm tiếp tục chăm sóc. Có sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chủ nhà nhận chăm sóc tạm thời đứa trẻ là ông Trương Văn Bảnh, tuy không bà con nhưng cùng họ Trương với cha ruột của bé. Và do bé bị bỏ rơi bên bụi mai, khóm trúc nên ông Bảnh đã đặt tên cho bé là Trương Thị Trúc Mai, dù lúc đó chưa biết cha mẹ ruột của bé là ai. Ngày 4-10, vì ân hận với hành động bỏ con, chị Trúc đã lên tiếng thừa nhận hành vi. Do hậu quả chưa xảy ra và chị Trúc đã thành khẩn nhận lỗi nên cơ quan điều tra không khởi tố vụ án, chỉ xử phạt hành chính. Hơn tháng sau, ngày 12-11, bé Trúc Mai được đưa từ nhà ông Bảnh vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và nhiễm chất độc dioxin TP Cần Thơ (nay là Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ). Thời gian đầu vợ chồng chị Trúc đã làm đơn gửi đến trung tâm và các cơ quan chức năng xin nhận lại con, nhưng gần đây đã tự nguyện làm đơn cho con cho trung tâm để tổ chức này kết nối với cơ quan chức năng làm hồ sơ tìm gia đình thay thế cho bé Mai. Theo nguồn tin của chúng tôi, hiện tại hồ sơ thủ tục đã chuyển đến Sở Tư pháp TP Cần Thơ và đã có một gia đình người Ý có ý định xin bé làm con nuôi. “Đây là một câu chuyện đáng tiếc, nhưng kết thúc có hậu. Hi vọng bé Trúc Mai sẽ có một tương lai tươi sáng và đầy may mắn như tên của cháu” - một cán bộ ở trung tâm nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận