12/09/2024 10:36 GMT+7

Hong Kong hướng về Đông Nam Á

Trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, khu vực Đông Nam Á nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng, có thể đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực kết nối và hợp tác, bao gồm sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Hong Kong hướng về Đông Nam Á - Ảnh 1.

Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu và quan chức chính phủ, lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp các nước ngày 11-9 - Ảnh: ISD

Hôm 11-9, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lý Gia Siêu đã có mặt và phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường (BRI Summit).

Đây là sự kiện quốc tế lớn về BRI của Hong Kong (Trung Quốc), kéo dài trong hai ngày từ 11 tới 12-9, do chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (HKSAR) và Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong (HKTDC) đồng tổ chức.

Vành đai và Con đường "xanh"

Với chủ đề "Xây dựng một Vành đai và Con đường kết nối, sáng tạo và xanh", sự kiện năm nay có sự góp mặt của hơn 80 quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp chủ chốt từ các quốc gia và khu vực.

Phía Hong Kong xem đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ BRI, đặc biệt phù hợp với nội dung về "tám bước đi" Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố năm ngoái về các nỗ lực hỗ trợ hợp tác chất lượng cao trong BRI. Hội nghị tại Hong Kong vì vậy cũng nổi bật ở các thảo luận liên quan tới việc tận dụng ưu thế của Hong Kong để khám phá cơ hội hợp tác trong sáng kiến này.

Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu lưu ý trong năm 2023, nếu không tính giá trị kinh tế với Trung Quốc đại lục, các nền kinh tế trên Vành đai và Con đường chiếm hơn 43% giá trị kinh tế của Hong Kong với bên ngoài. Cách đây 10 năm, giá trị hợp tác kinh tế của Hong Kong với các nền kinh tế BRI (trừ Trung Quốc) chỉ chiếm chưa tới 1/3 trên tổng số.

Là khu vực kinh tế nổi bật với hậu cần - cảng biển và tài chính, Hong Kong muốn tận dụng thế mạnh này để hỗ trợ và khai phá thêm tiềm năng hợp tác trong BRI. 

Chương về phát triển "xanh" là nét mới trong chương trình nghị sự năm nay, phù hợp với chủ đề cũng như nhu cầu phát triển và tìm kiếm giải pháp đột phá của các nước. Phía Hong Kong thể hiện mong muốn cung cấp giải pháp tài chính cho các dự án công nghệ mới và phục vụ nhu cầu phát triển xanh.

Cục trưởng Cục Thương mại và Phát triển kinh tế Hong Kong Algernon Yau nhấn mạnh Vành đai và Con đường đang tiến vào "thập niên vàng" tiếp theo, và Hong Kong sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế đặc biệt dưới mô hình một quốc gia, hai chế độ để thể hiện vai trò chủ động hơn.

"Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường sẽ làm sâu sắc hợp tác kinh tế quốc tế, đồng thời củng cố vị trí của Hong Kong như một nền tảng kinh tế được ưa chuộng trong sáng kiến này, thể hiện đầy đủ vai trò và vị thế quan trọng của Hong Kong đối với tài chính toàn cầu, hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân, sáng tạo và phát triển công nghệ, đưa các doanh nghiệp khám phá các cơ hội kinh doanh mới", ông nói.

Theo GS Julien Chaisse (ĐH Hong Kong), chiến lược của Trung Quốc không chỉ ưu tiên mở rộng cơ sở hạ tầng vật chất, mà còn tăng cường kết nối kỹ thuật số để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

"Thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử ngày càng được coi là công cụ thiết yếu để bù đắp cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng vật chất.

Ngoài ra, sự tập trung ngày càng tăng vào tài chính xanh và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo trong BRI cung cấp một phương pháp để giảm sự phụ thuộc vào các khu vực và nguồn tài nguyên không ổn định" - GS Chaisse, chuyên gia về thương mại khu vực, nói với Tuổi Trẻ.

Kết nối Hong Kong - ASEAN

Hong Kong hướng về Đông Nam Á - Ảnh 2.

Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu tại Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường (BRI Summit) - Ảnh: CHINA DAILY

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là trọng tâm trong các thảo luận của Hội nghị BRI ở Hong Kong ngày 11-9. Khi ASEAN trở thành khu vực phát triển sôi động, ngày càng thu hút đầu tư và các sáng kiến công nghệ mới, phát triển bền vững... các quốc gia Đông Nam Á cũng là đối tác quan trọng cho Hong Kong.

Trước khi hội nghị năm nay diễn ra, Đặc khu trưởng Lý Gia Siêu đã dẫn đầu phái đoàn Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong thực hiện chuyến thăm ba nước gồm Việt Nam, Lào và Campuchia.

"Chuyến thăm ấy dẫn tới 55 biên bản ghi nhớ được ký với ba nước ASEAN, bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ doanh nghiệp và đầu tư cho tới văn hóa, giáo dục và nhiều mảng nữa", ông Lý nhắc lại chuyến đi trong phát biểu ngày 11-9.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Ủy viên của sáng kiến Vành đai và Con đường tại Hong Kong Nicholas Ho cho rằng hiện nay Hong Kong đang nỗ lực vun đắp hợp tác toàn diện với ASEAN thay vì chỉ tập trung vào thương mại - lĩnh vực vốn đã có thỏa thuận thương mại tự do Hong Kong - ASEAN.

Ông Ho, người tham gia chuyến đi Việt Nam với ông Lý, cũng đặc biệt nhấn mạnh quan hệ hợp tác đặc biệt giữa đặc khu hành chính này và Việt Nam.

"Với lợi thế từ nền tảng lịch sử mạnh mẽ này, có thể thấy thương mại và kết nối giữa Hong Kong và Việt Nam đã phát triển trong nhiều thập niên qua. Việt Nam xếp thứ hai trong thương mại của Hong Kong với ASEAN. Trong 12 tháng tới, sẽ có thêm nhiều chuyến bay giữa Việt Nam và Hong Kong từ nhiều thành phố", ông Ho nói.

Giới quan sát nhìn nhận việc tăng cường sự tham gia của ASEAN sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với nỗ lực duy trì sự dẻo dai của chuỗi cung ứng, bởi điều này có thể giúp mở rộng các tuyến đường thương mại và hợp tác.

"Vai trò đang ngày càng lớn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tầm quan trọng chiến lược của nước này trong sáng kiến BRI, là minh chứng cho thấy cách thức các quốc gia có vị thế kinh tế và vị trí địa lý thuận lợi có thể thu hút đầu tư, và nổi lên như những điểm then chốt trong mạng lưới này", GS Chaisse nhận xét.

Phát huy thế mạnh bổ trợ Việt Nam - Hong Kong

Hong Kong hướng về Đông Nam Á - Ảnh 2.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu dẫn đề tại phiên khai mạc ngày 11-9 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Nhận lời mời của Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị BRI.

Trong bài phát biểu dẫn đề tại phiên khai mạc hôm 11-9, Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam là nền kinh tế mở, luôn đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ và tích cực tham gia nhiều sáng kiến hợp tác, liên kết kinh tế, trong đó có BRI.

Phát huy thế mạnh bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Hong Kong, Phó thủ tướng đề nghị năm lĩnh vực ưu tiên mà Hong Kong có thể đóng góp để triển khai thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc, bao gồm đẩy mạnh hợp tác tài chính, tạo thuận lợi thương mại, đẩy mạnh đầu tư chất lượng cao, thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng và giao lưu nhân dân.

"Chúng tôi rất vui khi Phó thủ tướng Việt Nam tham dự và có bài phát biểu dẫn đề, trong đó khuyến khích hợp tác mạnh mẽ hơn. Việt Nam có thể tận dụng nền tảng của chúng tôi để không chỉ hợp tác với công ty và doanh nghiệp Hong Kong, mà còn có thể tìm kiếm những cơ hội khác trong BRI và khu vực. Họ có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển thêm các lĩnh vực vốn dĩ Việt Nam đã mạnh như sản xuất, công nghệ, tài chính, du lịch...

Chúng tôi mong sẽ thấy quan hệ đầu tư và thương mại Việt Nam - Hong Kong phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích lớn hơn nữa cho hai bên", ông Patrick Lau - phó giám đốc điều hành Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong (HKTDC) - nói với Tuổi Trẻ.

Hong Kong hướng về Đông Nam Á - Ảnh 4.Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đăng đàn tại Hội nghị 'Vành đai và Con đường' ở Hong Kong

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình dự Hội nghị thượng đỉnh 'Vành đai và Con đường' lần thứ 9, theo lời mời của Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lý Gia Siêu, đồng thời đã có bài phát biểu quan trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên