TTCT - Trong khi tám đại học lớn được chính quyền tài trợ ở Hong Kong có lịch sử đấu tranh chính trị đã lâu đời, những cuộc biểu tình do sinh viên khởi phát và đóng vai trò trụ cột khắp vùng lãnh thổ này suốt 5 tháng qua là chưa có tiền lệ. Những trận chiến âm thầm khác diễn ra ngay trong khuôn viên xanh mát của các trường đại học cũng vậy. Sinh viên Đại học Bách khoa Hong Kong đeo mặt nạ trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Nikkei Giao chiến thật sự đã nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát. The New York Times mô tả quang cảnh “các học xá biến thành vùng chiến sự” khi những lô cốt và rào cản được dựng lên quanh trường, cảnh sát chống bạo động bao vây bên ngoài. Tình hình trở nên cực kỳ căng thẳng sau khi một sinh viên Đại học Khoa học - công nghệ Hong Kong thiệt mạng ngày 8-11 vì đụng độ với cảnh sát. Tới cuối tuần trước, cảnh sát phun hơi cay để giải tán đám đông sinh viên ở gần Đại học Bách khoa Hong Kong trong ngày hỗn loạn thứ tư liên tiếp. Một số sinh viên nước ngoài đã được khuyến cáo về nước. Sinh viên từ Trung Quốc đại lục cũng đã được “sơ tán”. Lý do khiến cảnh sát chuyển sang các trường đại học trong tuần rồi được cho là bởi người biểu tình sử dụng cầu đi bộ gần trường để ngăn các tuyến giao thông huyết mạch. Hoạt động này diễn ra ở nhiều trường: Đại học Hong Kong, Đại học Baptist Hong Kong, Đại học Bách khoa Hong Kong và Đại học Thành phố Hong Kong, bằng cầu đi bộ, cây cối, đồ nội thất… “Tình hình này còn dạy dỗ gì nữa” - Lokman Tsui (Từ Lạc Văn), giáo sư ở khoa báo chí và truyền thông Đại học Trung Văn, nói với South China Morning Post (SCMP). Ảnh: scmp.com Thế chân vạc Câu cảm thán của ông Tsui cũng phản ánh thế “chân vạc” hiện giờ ở Hong Kong. Khi cảm xúc dâng trào trong giới sinh viên, những hành động phản kháng ngày càng gay gắt, giới lãnh đạo đại học mắc kẹt giữa các yêu cầu của chính quyền và kỳ vọng của 324.000 sinh viên đại học trong thành phố, hầu hết muốn bảo tồn những giá trị mà lâu nay họ được tận hưởng và đeo đuổi: tự do ngôn luận, học thuật, tư pháp độc lập, quyền được xét xử công bằng… Các đại học ở cựu thuộc địa Anh này chưa bao giờ ngừng là tâm điểm của đấu tranh chính trị suốt từ khi Đại học Hong Kong thành lập năm 1911 - ban đầu trong vai trò các trụ sở không chính thức cho phong trào đấu tranh yêu nước và dân tộc của người Hoa, rồi sau đó là cái nôi cho các quan điểm dân chủ. Các hiệp hội sinh viên ở nhiều đại học từng rất tích cực trong những cuộc đấu tranh thiên tả dẫn tới đổ máu làm rung chuyển Hong Kong năm 1967, rồi một lần nữa là trụ cột của phong trào Mang dù xuống phố năm 2014. Còn bây giờ là một cuộc đấu tranh mới. Giáo sư ở các trường cũng có quan điểm khác nhau, nhưng nhiều người thông cảm với học trò, cho phép họ nghỉ học, không điểm danh, hoặc mở thêm các lớp dạy bù. Trong một phong thái đậm dấu Anh quốc hơn là đại lục, nhiều giáo sư thể hiện sự phớt tỉnh Ăng-lê khi điều hướng cơn giận dữ, sự chia rẽ và chú ý của sinh viên để biến lớp học thành phòng thí nghiệm sống cho các môn khoa học xã hội như chính trị học, báo chí hay nghệ thuật. “Những cuộc thảo luận trên lớp đã hoàn toàn thay đổi bởi các sinh viên lên tiếng mạnh mẽ” - Ekkehard Altenburger, giáo sư phụ tá về điêu khắc ở Viện nghệ thuật thị giác thuộc Đại học Baptist Hong Kong, tiết lộ. Phó hiệu trưởng Đại học Trung Văn Rocky Tuan (Đoàn Sùng Trí) đăng một lá thư công khai dài 2.000 chữ giải thích hàng loạt cuộc gặp gỡ của ông với sinh viên. Ông xin lỗi sinh viên vì “cảm thấy mình chưa làm đủ” và công nhận “những đau khổ và mất mát của các sinh viên, thực tế là họ đã bị đẩy vào tình trạng tuyệt vọng”. Cần giải thích một chút về chức “phó hiệu trưởng” của ông Tuan. Theo truyền thống thuộc địa, quan toàn quyền cũng là hiệu trưởng các đại học công lập, một vị trí mang tính danh dự và lễ nghi hơn là chính thức. Một cách tự nhiên, sau khi Hong Kong được Anh chuyển giao cho Trung Quốc năm 1997, trưởng đặc khu hành chính mới đảm nhiệm luôn cương vị hiệu trưởng danh dự của 8 trường công lập lớn và uy tín nhất Hong Kong - cũng là các trường đấu tranh quyết liệt nhất. Do trưởng đặc khu bận trăm công ngàn việc, việc điều hành trường thực sự sẽ do các phó hiệu trưởng, như ông Tuan, đảm trách. Điều đó gây ra một tình huống trớ trêu và đầy tranh cãi ở Hong Kong nhiều tháng qua: bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) - trong khi là đối tượng công kích chính của giới sinh viên tranh đấu suốt từ khi đạo luật dẫn độ châm ngòi cho tất cả rục rịch được thông qua - lại cũng là hiệu trưởng của họ. Cũng theo truyền thống, trưởng đặc khu thường tới dự lễ tốt nghiệp của các đại học công với tư cách hiệu trưởng. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10, Văn phòng Trưởng đặc khu Hong Kong đã ra thông báo nói bà Lam “không có dự tính” tham gia bất kỳ lễ tốt nghiệp nào trong năm nay, theo truyền thống diễn ra từ cuối tháng 10 tới đầu tháng 12. SCMP dẫn lời một nguồn tin từ chính quyền giải thích bà Lam có nhiều lý do cho quyết định đó, bao gồm những quan ngại về “an ninh trật tự cho các buổi lễ”. Những năm gần đây, các buổi lễ tốt nghiệp đã trở thành một dịp đấu tranh nữa với sinh viên. Năm 2014, các sinh viên tốt nghiệp hô vang khẩu hiệu và mang theo biểu ngữ với hình những chiếc dù. Một năm sau, người tiền nhiệm của bà Lam, ông Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh), cũng đã không dự một lễ tốt nghiệp nào giữa những lời kêu gọi đòi ông từ chức hiệu trưởng các đại học. Năm nay, các kế hoạch còn quyết liệt hơn: sinh viên Đại học Bách khoa Hong Kong kêu gọi toàn bộ sinh viên dự lễ tốt nghiệp đeo mặt nạ - hành động đã được Tòa tối cao Hong Kong bảo vệ qua một phán quyết mới đây nói cấm người đeo mặt nạ là vi hiến. Tự do hay hình bóng tự do? Điều 137 Luật cơ bản của Hong Kong, được coi như hiến pháp của vùng lãnh thổ, đảm bảo quyền tự do học thuật: “Tất cả các định chế giáo dục được quyền tự trị và tự do học thuật. Được quyền tuyển dụng đội ngũ và sử dụng học liệu bên ngoài đặc khu hành chính Hong Kong. Các trường do tổ chức tôn giáo điều hành được quyền tiếp tục giáo dục tôn giáo, bao gồm các khóa học về tôn giáo. Học sinh sinh viên được tự do lựa chọn các định chế giáo dục và tự do theo đuổi việc học tập bên ngoài đặc khu hành chính Hong Kong”. Tuy nhiên, chính quyền trung ương Trung Quốc từ lâu đã hiểu và chính bản thân họ có kinh nghiệm xương máu rằng các đại học là trọng tâm của cuộc chiến ý thức hệ. Tình hình hiện tại, dù sự tự do đó vẫn còn được bảo đảm, nó đã lung lay không ít. SCMP bình luận: “Phó hiệu trưởng và người trợ tá của ông ở Đại học Hong Kong đã từ chức vào năm 2000 để phản đối việc trưởng đặc khu khi đó Tung Chee-hwa [Đổng Kiến Hoa] gây áp lực với Robert Chung Ting-yiu [Chung Đình Diệu], khiến ông này phải ngừng các chương trình thăm dò dư luận về chính quyền. Giờ nhìn lại, chuyện này cứ như là từ kiếp trước”. Tại sao SCMP có cái nhìn ảm đạm như vậy? Thực tế là trong khi ở các cấp thấp, nhiều giáo sư vẫn cố gắng ủng hộ sinh viên của mình, đã có sự thay đổi dần dà, theo kiểu mưa dầm thấm lâu từ những cấp cao hơn ở các đại học. Năm 2015, Johannes Chan Man-mun (Trần Văn Mẫn), nhân vật có lập trường thân dân chủ, được Đại học Hong Kong đề cử giữ ghế trợ lý phó hiệu trưởng phụ trách nhân sự và tài chính. Nhưng trong một động thái hiếm thấy, việc bổ nhiệm ông Chan bị Hội đồng Thành phố Hong Kong chặn lại. Ngay trước đó, ông Chan là đối tượng cho một chiến dịch truyền thông chỉ trích trên các tờ báo có lập trường cứng rắn ở Hong Kong, Đại Công Báo và Văn Hối Báo. Trong khi tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở đại lục gọi ông là “nhân vật tổ chức đầu sỏ” trong các vụ biểu tình năm 2014. Còn hiện giờ, trong khi sinh viên phẫn nộ, giới quản lý đại học và các học giả, đặc biệt trong lĩnh vực luật học, vốn là thế mạnh của Hong Kong, đã khá im ắng, ngay cả với một vấn đề hoàn toàn thuộc chuyên ngành của họ: Đạo luật dẫn độ. Đại học Khoa học - công nghệ và Đại học Bách khoa Hong Kong đều ra các tuyên bố chính thức “dịu dàng” phê phán “bạo lực dưới mọi hình thức”. Năm 2018 vừa rồi, Đại học Hong Kong, trường lớn và uy tín nhất của vùng lãnh thổ, có tân phó hiệu trưởng: ông Xiang Jiang (Trương Tường) là người đầu tiên sinh ra, lớn lên và học đại học ở đại lục (ông quê ở Giang Tô và tốt nghiệp Đại học Nam Kinh) đảm nhiệm một vị trí như thế trong cả lịch sử trường này. Trước đó, vị trí này do người Hong Kong hoặc người Anh đảm trách. Trong một tuyên bố chung hiếm thấy công bố giữa tháng 11, chín lãnh đạo các trường đại học cũng nói không quan điểm chính trị nào có thể biện minh cho việc phá hoại tài sản, đe dọa thân thể người khác hay sử dụng bạo lực. “Thật đáng tiếc vì bất đồng xã hội đã khiến các học khu đại học trở thành chiến trường, và phản ứng của chính quyền cho tới giờ là không hiệu quả - tuyên bố viết - Tuy nhiên, bất cứ đòi hỏi nào cho rằng các đại học phải sửa chữa những trục trặc đều là xa rời thực tế: tình hình phức tạp và đầy thách thức hiện tại không bắt nguồn từ các trường đại học, và không thể giải quyết qua cơ chế kỷ luật của trường”. Trong khi đó, ông Teng Jin-guang (Đằng Cẩm Quang), phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa, đã từ chối bắt tay hai sinh viên đeo mặt nạ lên nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ, và yêu cầu sinh viên “tôn trọng các quan điểm khác biệt”. Ý ông Teng có lẽ giống một bài bình luận trên SCMP: “Tự do bao gồm quyền lựa chọn không cần tự do”. Các sinh viên Hong Kong rõ ràng nghĩ khác.■ Cảnh sát đã bố ráp nhiều học khu, với giải thích họ “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng vũ lực ở mức tối thiểu” khi những người biểu tình bắt đầu ném gạch đá, bom xăng và trái nổ tự chế vào nhà chức trách. “Các khuôn viên đại học không thể nằm ngoài khuôn khổ pháp luật” - người phụ trách quan hệ đối ngoại của Cảnh sát Hong Kong Tse Chun-chung (Tạ Chấn Chung) nói. Nhà chức trách cũng thông báo trong số hơn 4.000 người bị bắt từ khi biểu tình bắt đầu vào tháng 6 có 1.500 người là học sinh, sinh viên, bao gồm 850 sinh viên đại học. Tags: Dân chủHong KongHiệu trưởngĐại lụcTự do học thuậtSinh viên biểu tìnhCarrie LamĐạo luật dẫn độ
Bầu cử Mỹ: Trump ám chỉ có gian lận quy mô lớn ở Philadelphia DUY LINH 05/11/2024 Trên mạng xã hội Truth Social ngày 5-11, ông Trump tuyên bố "hiện có nhiều lời bàn tán về nạn gian lận quy mô lớn ở Philadelphia", nhưng không giải thích gì thêm.
Tin tức thế giới 6-11: Lính Triều Tiên và Ukraine đụng độ; Bộ trưởng quốc phòng Israel bị cách chức MINH KHÔI 06/11/2024 Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận đã đụng độ lính Triều Tiên; Ấn Độ muốn dùng mưa nhân tạo để xử lý ô nhiễm không khí quá nặng.
Tin tức sáng 6-11: Giá USD 'chợ đen' tăng vọt; Lộ diện 'ngôi sao' tăng giá trên sàn chứng khoán TUỔI TRẺ ONLINE 06/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội thảo luận về các nhóm chính sách lớn sửa Luật Đầu tư công; 10 tháng đầu năm, thu bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế tăng gần 13% so với cùng kỳ; Việt Nam đạt kỷ lục 9 triệu tài khoản chứng khoán...
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.