Dòng chữ “chào mừng luật an ninh quốc gia” bằng tiếng Hoa ở cảng Victoria ngày 1-7-2020 - Ảnh: AFP
Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Hong Kong sẽ như thế nào trong vài năm tới? Đây là câu hỏi không dễ dàng trả lời, khi phạm vi áp dụng và hình thức thực thi luật này vẫn đang còn phía trước.
Được và mất
Tháng 6 năm ngoái, Hong Kong bị rung chuyển bởi sự bùng nổ của cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ, và tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng sau đó, đã góp phần làm cho nền kinh tế Hong Kong sụt giảm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Hong Kong trong năm 2019 giảm tới 1,9%, vượt mức sụt giảm 1,3% theo dự kiến của chính quyền.
Ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ du lịch, khi lượng du khách tới Hong Kong sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là du khách đến từ Trung Quốc. Đáng lo hơn nữa, khi giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về sự mất ổn định ở Hong Kong.
Cuối cùng, chính quyền trung ương Bắc Kinh phải can thiệp và tự quyết định luật an ninh cho đặc khu Hong Kong. Có lẽ các nhà lãnh đạo Bắc Kinh và Hong Kong nhìn sang Singapore như một hình mẫu về sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền sẽ giúp ổn định trật tự xã hội và giữ chân các doanh nghiệp an tâm tiếp tục ở lại Hong Kong.
Chính sự mất ổn định từ các cuộc biểu tình kéo dài năm ngoái đã làm nhiều nhà đầu tư e ngại Hong Kong và chọn Singapore cho trụ sở chính đầu tư của họ trong khu vực.
Tuy nhiên, phương Tây đã cảnh báo vai trò của Hong Kong như là một trung tâm tài chính thế giới sẽ bị đe dọa một khi luật an ninh được áp dụng. Các nhà đầu tư từng tin tưởng vào luật pháp minh bạch và nền tư pháp độc lập của Hong Kong sẽ rời bỏ hòn đảo này.
Một khi Hong Kong bị tổn thất thì Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Tất nhiên, Trung Quốc đã tính toán chi phí và lợi ích mà họ có thể chấp nhận khi quyết định thông qua luật an ninh.
Trước hết, Hong Kong sẽ mất các quy chế đặc biệt mà Mỹ dành cho lãnh thổ này. Trong tương lai, cuộc thương chiến Mỹ - Trung sẽ không chỉ còn giới hạn giữa Mỹ và đại lục Trung Quốc mà còn lan sang Hong Kong khi Mỹ rút lại các đối xử ưu đãi với Hong Kong.
Lúc đó, Mỹ coi Hong Kong cũng giống như các thành phố khác của Trung Quốc và cũng áp các mức thuế giống như các mặt hàng được xuất khẩu từ Trung Quốc hiện nay.
Cái mất mát lâu dài chính là Hong Kong có thể đánh mất vai trò nơi trung chuyển chính cho các công ty quốc tế tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc và khu vực.
Theo số liệu thống kê từ chính quyền Hong Kong, có tới 1.530 công ty đa quốc gia chọn Hong Kong thiết lập trụ sở chính cho khu vực châu Á. Trong đó, có tới gần 300 công ty đa quốc gia từ Mỹ. Sắp tới, các công ty đa quốc gia có thể e ngại trở thành "dê tế thần" khi căng thẳng Mỹ - Trung lên cao.
Khoét sâu thêm hố ngăn cách
Về mặt chiến lược, Luật an ninh Hong Kong không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ riêng rẽ giữa Bắc Kinh và Washington, mà còn tác động đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia phương Tây nói chung. Họ có thể thay đổi cách hành xử với Trung Quốc, nếu tình hình tự do dân chủ ở Hong Kong xấu đi.
Phương Tây không nhìn vào việc ban hành luật an ninh quốc gia như là một công việc nội bộ, mà đây là hành vi Trung Quốc phá vỡ cam kết về mô hình "một quốc gia, hai chế độ" trước đây giữa Anh và Trung Quốc vào năm 1984. Chính mô hình đặc biệt này là nền tảng tạo niềm tin để phương Tây đầu tư vào Hong Kong.
Đi ngược lại các cam kết trong hiệp ước mang tính quốc tế chỉ làm khoét sâu thêm hố ngăn cách niềm tin chiến lược giữa Trung Quốc và phương Tây.
Đây không còn là vấn đề giữa người dân Hong Kong và chính quyền trung ương Trung Quốc, hay giữa Trung Quốc và Mỹ, mà là mâu thuẫn giữa Trung Quốc và phương Tây về sự bất đồng trong việc diễn giải các khái niệm về dân tộc, quốc gia, chủ quyền, độ khả tín và các quyền tự do phổ quát không phân biệt biên giới.
Câu hỏi lớn đối với Hong Kong là liệu áp dụng biện pháp cứng rắn để ổn định xã hội phát triển kinh tế sẽ quan trọng hơn là việc thúc đẩy các quyền tự do dân sự hay không.
Khó chấm dứt bất ổn
Chính thức áp dụng Luật an ninh đối với Hong Kong chỉ là viên đá lót cho một chặng đường Trung Quốc dần kiểm soát hoàn toàn hòn đảo này. Thậm chí thời điểm đó sẽ xảy ra sớm, trước mốc thời gian năm 2047.
Về mặt kinh tế, Bắc Kinh hi vọng luật an ninh sẽ giúp xã hội Hong Kong nhanh chóng quay trở lại ổn định và thúc đẩy sự gắn bó sâu hơn về mặt kinh tế giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong.
Việc thông qua luật an ninh mới thể hiện chính quyền trung ương Bắc Kinh và chính quyền Hong Kong cứng rắn, không nhượng bộ trước các yêu cầu đòi hỏi của các nhóm, hội đoàn, phong trào biểu tình đòi tự do dân sự ở Hong Kong. Thay vào đó, chính quyền đặc khu đã đưa ra các chính sách phúc lợi về nhà cửa, an sinh xã hội nhằm giảm bớt bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng đã dẫn tới sự căng thẳng xã hội trong lòng Hong Kong.
Tuy nhiên, chính sự mất niềm tin của giới trẻ vào chính quyền đặc khu và chính quyền trung ương Bắc Kinh mới là nguyên nhân chính cho các cuộc biểu tình kéo dài, gây bất ổn trong lòng xã hội Hong Kong.
Sự bất ổn sẽ không dễ dàng chấm dứt, mặc dù nó không thể hiện trên bề mặt như trước đây.
"Viên ngọc" không còn sáng
Hong Kong đã không còn quan trọng đối với Trung Quốc như trong quá khứ. Vai trò kinh tế của Hong Kong trong mối tương quan với đại lục đã giảm đáng kể trong hơn hai thập niên qua.
Năm 1993, quy mô GDP của Hong Kong tương đương với 27% GDP của cả Trung Quốc. Năm 1997, khi được trao trả về Trung Quốc thì nền kinh tế Hong Kong vẫn gần bằng 1/5 GDP Trung Quốc. Tuy nhiên, đến năm 2019, quy mô GDP của Hong Kong chỉ còn dưới 3% so với tổng GDP của Trung Quốc, thấp hơn cả hai thành phố của tỉnh Quảng Đông ngay sát Hong Kong là Quảng Châu và Thâm Quyến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận