09/06/2017 19:07 GMT+7

Hồng Ánh lo sợ Đảo của dân ngụ cư bị ăn cắp bản quyền

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Hai cuộc hội thảo khá quan trọng gồm: 'Đẩy mạnh an toàn môi trường trực tuyến và bảo vệ sự toàn vẹn của thương hiệu' cùng 'Tương lai phát triển truyền hình trên Internet Việt Nam' vừa diễn ra ngày 9-6 tiếp tục làm nóng Telefilm 2017.

Hồng Ánh phát biểu tại cuộc hội thảo Đẩy mạnh an toàn môi trường trực tuyến và bảo vệ sự toàn vẹn của thương hiệu - Ảnh: H.Lê
Hồng Ánh phát biểu tại hội thảo Đẩy mạnh an toàn môi trường trực tuyến và bảo vệ sự toàn vẹn của thương hiệu - Ảnh: H.Lê
Tôi đang có nỗi lo sợ thường trực và ám ảnh vì sợ  Đảo của dân ngụ cư bị ăn cắp bản quyền khi vừa ra rạp. Vì thế bằng tất cả ý thức chung tôi muốn bảo vệ  sản phẩm của mình. Dĩ nhiên, một mình chúng tôi không thể làm nổi mà rất cần sự chung tay góp sức của các đơn vị khác!

Đạo diễn Hồng Ánh phát biểu trong hội thảo Đẩy mạnh an toàn môi trường trực tuyến và bảo vệ sự toàn vẹn của thương hiệu

Nỗi lo sợ của Hồng Ánh cũng chính là nỗi sợ của nhiều nhà phát hành phim chiếu rạp và các sản phẩm truyền hình hiện nay.

Theo thông tin của ông Nguyễn Hà Yên, phó Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin truyền thông  thì hiện tại có đến 50 web lậu  phổ biến nhất ở Việt Nam đang hoạt động, trong đó có 22 web có máy chủ đặt trong nước và 28 web máy chủ đặt ở nước ngoài.

Pháp luật Việt Nam đã có ba cơ chế  để xử lý web lậu là dân sự, hình sự và hành chính. Tuy nhiên, hiện nay, chủ yếu tập trung xử lý hành chính.

Trong cuộc hội thảo ông Bharat Kapoor - giám đốc điều hành Verisite và ông Neil Gane - hiệp hội phát sóng truyền hình cáp và vệ tinh châu Á cũng công bố một số thông tin chi tiết ví dụ như các web lậu sống được là nhờ các nhãn hàng vẫn vô tư quảng cáo trên các web này.

Và một mối nguy hiểm hiện nay đó là người tiêu dùng sử dụng các trang web lậu sẽ bị ảnh hưởng bởi quảng cáo độc hại. Thậm chí họ còn bị đánh cắp tài khoản và bị ép phải đóng tiền nếu muốn phục hồi tài khoản của mình.

Còn ông Lee Chang Hun - Đài Phát thanh truyền hình MBC (Hàn Quốc) và ông Oliver Walsh - Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc và Anh Quốc giải quyết trang web lậu.

Ông Oliver Walsh nhấn mạnh: “Với cảnh sát Anh, ăn cắp bản quyền là tội hình sự, vì thế được xử lý nghiêm.”   

Ở Anh là thế, còn ở Việt Nam, theo bà Ngô Thị Bích Hạnh - công ty BHD, thì vấn nạn ăn cắp bản quyền vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Tuy nhiên, sau ba cuộc hội thảo về vấn đề bản quyền diễn ra liên tiếp trong thời gian ngắn vừa qua, bà đã thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm: “Dù còn tối tăm nhưng có nhiều người đồng hành cùng chúng tôi đi trên con đường bảo vệ bản quyền sản phẩm.”

Các đại biểu trả lời câu hỏi trong hội thảo Tương lai phát triển truyền hình trên Internet tại Việt Nam -Ảnh: H.Lê
Các đại biểu trả lời câu hỏi trong hội thảo Tương lai phát triển truyền hình trên Internet tại Việt Nam - Ảnh: H.Lê

Cuộc hội thảo Tương lai phát triển truyền hình trên Internet tại Việt Nam diễn  ra buổi chiều với sự tham gia của các diễn giả: 

- Ông Phạm Anh Chiến - giám đốc trung tâm sản xuất và kinh doanh nội dung số - đài truyền hình Việt Nam

- Ông Brendan O’shaughnessy, APAC Head of Media and Entertainment, AWS.

- Ông Phạm Thành Nam - giám đốc công ty cổ phần công nghệ số Sao Bắc Đẩu.

- Ông Phan Thanh Giản - giám đốc điều hành Clip TV.

Các diễn giả đã đưa ra nhiều ý kiến của mình xung quanh  vấn đề truyền hình trên internet.

Ông Phan Thanh Giản cho rằng  sự có mặt của Internet trong những năm gần đây nhưcơn lũ ập đến và các đài truyền hình phải sống chung “với lũ” và chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng.

Ông cho rằng tương lai truyền hình là ứng dụng. Mọi người đều đồng thuận rằng điều quan trọng nhất vẫn là nội dung chương trình.  

Nếu nội dung hay, phù hợp với các đối tượng người xem thì khi phát trên bất kỳ hình thức nào cũng được quan tâm, theo dõi.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên