Xe
27/12/2024 09:32 GMT+7

Honda và Nissan sáp nhập trước sức ép cạnh tranh với xe điện Trung Quốc

Sau châu Âu, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản đã đưa ra quyết định dứt khoát nhằm lấy lại vị thế trước sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành xe điện Trung Quốc.

Honda và Nissan tính sáp nhập trước sức ép cạnh tranh - Ảnh 1.

Từ trái qua, CEO Makoto Uchida của Nissan, CEO Toshihiro Mibe của Honda và CEO Takao Kato của Mitsubishi tại họp báo tuyên bố về các đàm phán sáp nhập ngày 23-12 tại Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Theo trang Carscoops, ngành ô tô toàn cầu đã bất ngờ trước thông tin Honda và Nissan tuyên bố đang đàm phán về khả năng sáp nhập, dự kiến diễn ra vào năm 2026.

Honda và Nissan sáp nhập: Trọng tâm cạnh tranh xe điện

Giải thích cho động thái bất ngờ trên, CEO Toshihiro Mibe của Honda thừa nhận ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trong thời gian qua đã thay đổi đáng kể, và sự ngày càng lớn mạnh của các đối thủ Trung Quốc được viện dẫn là lý do khiến ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản phải hợp lực lại hoặc bị bỏ xa.

"Chúng ta phải xây dựng năng lực để đối đầu với họ vào năm 2030, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bại", CEO Mibe nhấn mạnh trong cuộc họp báo thông tin về việc đàm phán sáp nhập hồi đầu tuần.

Honda và Nissan sau khi sáp nhập sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới tính theo doanh số, chỉ sau Toyota và Volkswagen. Cùng với đó, nhân tố nhỏ hơn nhưng cũng có máu mặt trong ngành là Mitsubishi Motors, với Nissan là cổ đông lớn nhất, cũng đang cân nhắc việc sáp nhập với hai ông lớn trên, và sẽ đưa ra quyết định vào cuối tháng 1-2025.

Hồi tháng 10-2024, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen thông báo họ cân nhắc đóng cửa nhiều nhà máy và cắt giảm nhân sự cũng với lý do nhằm tăng khả năng cạnh tranh với xe điện Trung Quốc.

Ghi nhận tình thế khó khăn, tờ Wall Street Journal cho rằng sự chiếm ưu thế của xe điện Trung Quốc đang tái cấu trúc ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Theo đó, việc Honda và Nissan sáp nhập là tín hiệu mới nhất cho thấy các hãng xe đang phải nghĩ ra giải pháp để đối phó với mối đe dọa đó.

Theo số liệu từ Nikkei, doanh số bán hàng tích lũy tại Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 11-2024 của Honda giảm 30,7%, Nissan giảm 10,5%. Trong khi đó, Hãng xe điện BYD của Trung Quốc ghi nhận doanh số tích lũy trong 11 tháng qua đạt 3,758 triệu xe, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình luận về động thái sáp nhập của Honda và Nissan, Tổng thư ký Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc Cui Dongshu khẳng định điều này phản ánh "sự tuyệt vọng" của hai hãng xe Nhật Bản nhằm bắt kịp xu hướng xe điện của Bắc Kinh, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Việc sáp nhập giữa Honda và Nissan được kỳ vọng sẽ giúp hai hãng tăng quy mô, chia sẻ nguồn lực và cạnh tranh hiệu quả hơn trong lĩnh vực xe điện với các đối thủ lớn như BYD và Tesla của tỉ phú Elon Musk. Mục tiêu của họ là đạt doanh thu kết hợp 30.000 tỉ yen (191 tỉ USD) và lợi nhuận hoạt động hơn 3.000 tỉ yen sau sáp nhập.

Honda kỳ vọng cho đến năm 2040 hãng này sẽ chỉ bán xe điện và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro (FCEV). Nissan cũng đặt mục tiêu đưa xe điện và xe hybrid chiếm 60% doanh số bán hàng toàn cầu vào năm 2030.

Cơ hội tại Đông Nam Á

Theo Asia News Network, Mitsubishi Motors đang được xem là chìa khóa để tăng cường hơn nữa sự hiện diện của Honda và Nissan tại Đông Nam Á, trong khi các hãng xe điện Trung Quốc cũng đang tấn công tích cực thị trường đông dân này.

Tại Indonesia, ô tô Nhật Bản vẫn chiếm ưu thế với 90% tổng thị phần. Mitsubishi nắm giữ 8% doanh số bán xe, đứng sau các thương hiệu Nhật khác như Toyota, Daihatsu và Honda. Trong khi đó, Honda còn dẫn đầu mảng xe máy với gần 80% thị phần tại quốc gia này.

Tại Thái Lan, thị trường ô tô cho thấy sự thay đổi rõ rệt khi thị phần của các hãng xe Nhật Bản giảm đáng kể. Trong 10 tháng đầu năm 2024, doanh số xe mới đạt 470.000 chiếc, với 9 hãng xe Nhật chiếm 76% thị phần, giảm so với mức 90% từng đạt được trước đây.

Hãng BYD của Trung Quốc đã vượt qua Mitsubishi về thị phần tại Thái Lan. Đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ Thái Lan trong việc xây dựng quốc gia thành trung tâm sản xuất xe điện, các hãng xe điện Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường này.

"Xe điện từ các hãng mới nổi, đặc biệt là các hãng xe Trung Quốc, đang thâm nhập thị trường với tốc độ vượt dự đoán. Mối đe dọa này ngày càng gia tăng tại Đông Nam Á", CEO Honda, ông Mibe, cảnh báo trong thông điệp riêng gửi đến nhân viên.

Honda và Nissan sáp nhập: Ổn hay không ổn?

Ông Carlos Ghosn, cựu chủ tịch Nissan, nhận định hãng xe này đang "hoảng loạn" khi tìm kiếm sự hỗ trợ từ Honda trong bối cảnh hiện nay. Sau khi trốn khỏi Nhật Bản để tránh xét xử vì cáo buộc vi phạm tài chính, ông Ghosn tiếp tục chỉ trích tình hình của Nissan.

Trong nửa đầu năm tài chính 2024, lợi nhuận ròng của Nissan giảm hơn 90%, chủ yếu do doanh số sụt giảm tại Mỹ và Trung Quốc. Hãng cũng thông báo cắt giảm 9.000 việc làm và giảm 20% năng lực sản xuất toàn cầu.

Ông Carlos Ghosn nhận xét cả Honda và Nissan đều có sản phẩm và thị trường tương tự, với điểm mạnh và điểm yếu nằm trong "các lĩnh vực giống nhau". Ông cho rằng mặc dù hai hãng có thể tìm thấy sự hòa hợp trong tương lai, nhưng "các tiền đề hiện tại có vẻ không ổn".

Honda và Nissan tính sáp nhập trước sức ép cạnh tranh - Ảnh 2.Honda và Nissan đàm phán sáp nhập, Mitsubishi cân nhắc, thành tập đoàn ô tô lớn bậc nhất thế giới

Hãng xe Honda và Nissan của Nhật Bản nhất trí đàm phán sáp nhập, với mục tiêu thành một trong những tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2026.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên