Mới đây tại cuộc họp phương án thí điểm một số khu vực tổ chức dịch vụ lặn biển thể thao giải trí trên vịnh Nha Trang, UBND TP Nha Trang đã đề xuất thí điểm thêm bốn điểm lặn mới gồm: phía bắc Hòn Rùa, khu vực thả rạn nhân tạo ở phường Vĩnh Hòa, phía đông bắc đảo Trí Nguyên, vùng nước giữa Bãi Tranh và Bãi Sỏi.
Khảo sát hệ sinh thái những điểm lặn mới trong vịnh Nha Trang
Ông Huỳnh Bình Thái - trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang - cho hay các đơn vị liên quan thống nhất với việc mở các điểm lặn tạm thời, về phía Viện Hải dương học đề nghị đánh giá thực trạng hệ sinh thái tại những khu vực đề xuất thí điểm nhằm xây dựng phương án tổ chức lặn với quy mô, tần suất hợp lý.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức tour biển đảo bày tỏ sự quan tâm tới các vấn đề liên quan về điểm lặn mới.
Ông Võ Minh Tín - hướng dẫn viên lặn biển tại Nha Trang - chia sẻ: "Hai điểm lặn phía bắc Hòn Rùa và khu vực thả rạn nhân tạo ở phường Vĩnh Hòa nằm khá xa, vùng phía bắc thiếu các bến tàu, di chuyển khá bất tiện… vì hầu hết việc lặn biển ở vùng phía nam vịnh Nha Trang nơi có bến tàu du lịch dễ dàng chở khách đến các điểm tham quan".
Theo ông Thái, đối với hai điểm lặn ở phía bắc, các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức lặn biển có thể sử dụng chung các bến tàu tư nhân như bến du thuyền Ana Marina, bến tàu khu vực Amiana resort…
TP Nha Trang cũng đề xuất xây một bến tàu du lịch mới kết hợp giữa đường sông và cánh phía bắc.
"Sau khi các điểm lặn được thông qua và đi vào hoạt động sẽ có những quy định liên quan về việc lặn biển, những khuyến cáo để đảm bảo hệ sinh thái", ông Thái nói.
Ông Đinh Văn Thiệu - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức đánh giá thực trạng rạn san hô, báo cáo UBND tỉnh, việc triển khai thí điểm lặn biển cần được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch và hệ sinh thái biển.
Giảm rác thải nhựa để bảo vệ hệ sinh thái biển
Bà Lê Thị Bích Huyền - phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Nha Trang - cho hay hội đã phối hợp với Ban quản lý vịnh Nha Trang cấp hơn 300 thùng đựng rác cho 300 hộ tại xã Vĩnh Lương và đảo Trí Nguyên nhằm phân loại rác làm phân vi sinh, rác tái chế bán gây quỹ hội.
Ngoài ra Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Lương cũng đã trang bị 130 bao lưới làm túi chứa rác cho ngư dân; sau hai chuyến biển, các ngư dân đã mang về hơn 2 tấn rác thải nhựa sinh hoạt.
Còn tại bến tàu du lịch Nha Trang, từ ngày 1-10, các doanh nghiệp tổ chức tour, du khách không được mang các loại túi ni lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa dùng một lần (nước uống đóng chai loại dưới 1,5 lít, khay, hộp chứa đựng thực phẩm...) đi tour biển đảo.
Các hộ kinh doanh tại bến tàu du lịch Nha Trang cũng không sử dụng, mua, bán các loại túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - đại diện Ban chỉ đạo quốc gia chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu - cho hay: "Cần có chu trình khép kín trong việc quản lý rác thải nhựa, phải chọn một số hành động cụ thể để nhân rộng, thay đổi ý thức bằng hành động, từ đó mới có thể giảm tác động đến hệ sinh thái biển, san hô ở vịnh Nha Trang".
Theo Ban quản lý vịnh Nha Trang, trước đây có 7 điểm lặn, trong đó có 6 điểm ở khu vực Hòn Mun. Từ tháng 6-2022, sau khi tạm ngừng hoạt động lặn biển ở Hòn Mun, hoạt động lặn biển chỉ diễn ra ở khu vực Hòn Rơm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận