05/04/2019 08:54 GMT+7

Hồn nhiên đến xấu xí nơi công cộng

KHÔI NGUYÊN - NGHĨA ĐỊNH
KHÔI NGUYÊN - NGHĨA ĐỊNH

TTO - Ba thanh niên dàn hàng ngang đứng trên ghế ở trạm xe buýt chỉ là một trong trăm ngàn hình ảnh xấu xí vẫn gặp mỗi ngày. Họ quen chọn cách tiện lợi cho mình, thiệt hại mặc ai...

Hồn nhiên đến xấu xí nơi công cộng - Ảnh 1.

Có quá nhiều hành vi, kiểu ứng xử chỉ biết mình, lập dị, để phần thiệt cho người khác và hình ảnh xấu xí cho cộng đồng.

Ích kỷ và hơn thế nữa

Trên chuyến tàu về miền Trung từ ga Sài Gòn mới đây, tôi đã sửng sốt khi nhìn anh thanh niên khoảng hơn 30 tuổi mang nguyên "đôi giày vạn dặm" dơ bẩn trèo lên ghế để đưa chiếc vali to lên ngăn hành lý. 

Tưởng đây là ghế anh sẽ ngồi, nhưng không! Ghế của anh ở hàng dưới. Tôi hi vọng anh sẽ lau sạch cái ghế kia. Nhưng anh thản nhiên về ghế của mình, vô tư ngồi bấm điện thoại. 

Anh mang nhiều hành lý, chiếm dụng chỗ đã đành, lại còn làm bẩn ghế của người khác. Tôi đã kiên nhẫn góp ý mấy lần và mang cả cuộn giấy vệ sinh đem theo để anh lau ghế trước khi người có số ghế ấy lên toa.

...Mọi người vừa xuống phà, trời đổ mưa tầm tã. Giữa không gian chật ních, mọi người lật đật mở cốp xe tìm áo mưa, tìm chỗ tránh. Một thanh niên tới sau lái xe vội vào bên trong hành lang có mái che, gác chân lên băng ghế. 

Một người, một xe bịt lối vào trú mưa, choán mất băng ghế. Thêm ba chiếc xe cùng chọn kiểu trú mưa này, bao người phải đứng ngoài hứng mưa.

Chuyện vô ý, vô tứ ngồi 2-3 ghế trong khi người khác phải đứng cũng không hiếm. Chuyện này hay gặp trong nhà chờ xe, hoặc tại bệnh viện. 

Thay vì ôm đồ đạc của mình cho gọn gàng, người ta để sang ghế bên cạnh, dù người khác phải đứng do thiếu chỗ. Thử hỏi, ai cũng làm như thế thì bao nhiêu người mất chỗ? Vì vậy, nhiều nơi phải dán thông báo nhắc nhở: không để hành lý lên ghế!

Nhưng quá nhiều người vẫn hồn nhiên, không nhận thức mình đang làm điều xấu xí. Những kiểu cách ứng xử thực dụng, chỉ biết mình, bất cần quan tâm đến cảm giác, sự thiệt hại của người khác.

Tiện tay, tiện chân thì làm...

Hai ngày trước, đang chạy xe máy trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), tôi bỗng giật mình khi một người đàn ông trung niên mặc đồng phục bảo vệ đứng trước tòa nhà lớn ném ly nhựa đựng nước uống từ vỉa hè ra bồn hoa giữa đường (cách xa khoảng 5m). Cái ly chạm thành bồn hoa, những viên đá, ống hút và ly cùng lăn lóc ra đường. 

Nhiều người phải phanh gấp hoặc đánh lái để tránh... Thay vì nhẹ nhàng bỏ cái ly vào thùng rác gần mình nhất, anh đã chọn cách khó hơn bằng pha phô diễn xấu xí này.

Còn vô số chuyện "chướng tai gai mắt" khác. Từ việc ngồi trong ôtô thò đầu ra ngoài khạc nhổ, dừng đèn đỏ lấn hết vạch sơn dành cho người đi bộ, đến chuyện chạy ngược chiều trên đường cao tốc để khỏi tốn thời gian quay đầu xe... Hành xử xấu xí xuất phát từ thói quen tiện tay thì làm, thấy lợi cho mình thì làm, phiền phức mặc ai.

Và, bắt chước cái sai

Nhìn ba thanh niên đứng trên ghế lúc trú mưa (ảnh), tôi nghĩ ban đầu có thể chỉ một người vô ý. Thay vì khuyên nhau làm đúng, lại có thêm người bắt chước cái sai. Giống như khi gặp đống rác bên đường, trước chỉ có vài bịch rác, sau đó thành đống rác lớn. 

Những việc tốt thường lan tỏa với tốc độ khiêm tốn, đôi khi muốn giúp đỡ ai hay làm điều gì đó có ý nghĩa thì người ta lại dè dặt.

Những gì diễn ra trên mạng vừa qua đã phản ánh đúng thực trạng đáng buồn. Đoạn clip các anh cảnh sát giao thông dùng môtô đặc chủng đưa em bé và người mẹ đi bệnh viện để tránh kẹt xe dù được chia sẻ, bình luận nhiều song cũng chỉ bằng một phần ngàn so với các video bạo lực, "giang hồ" có vẻ hợp "khẩu vị" của nhiều người. Ít ai dừng lại giúp đỡ người bị tai nạn trên đường nhưng rất đông người đứng hàng giờ để xem vụ đánh ghen hay cãi vã để thỏa mãn sự tò mò của mình.

Kiểu giữ sạch cho mình, dơ để lại cho người, buồn thay vẫn thấy nhiều đây đó... Tôi vẫn tin phần nhiều người gây ra lỗi sai nơi công cộng là do vô ý, hoặc nhất thời hành động sai (hoặc có thể biện minh như vậy). Nhưng cộng đồng xã hội sẽ xấu hơn khi quá nhiều cái xấu, cái ích kỷ sờ sờ trước mắt, khó có thể cất giấu đi đâu.

Vô tư "bấm... chuyện"

Chuyện ghi lại ở một phòng giao dịch ngân hàng tại TP.HCM.

Quầy giao dịch có ba nhân viên phục vụ, lúc nào cũng kín khách, còn khoảng chục người chờ đến lượt mình.

Một phụ nữ khoảng 30 tuổi, đang thực hiện giao dịch mở tài khoản ngân hàng. Vừa điền vào giấy, chị dừng lại trả lời tin nhắn điện thoại trên tay. Nội dung cần ghi chỉ có vài dòng về thông tin cá nhân nhưng mất gần chục phút vẫn chưa xong bởi chị phải "bấm... chuyện".

Ai cũng sốt ruột. Rồi áy náy khi nhiều người phải chờ, cô nhân viên buộc phải phục vụ "bắc cầu" qua khách hàng khác, để chị ngồi đó "bấm chuyện". Tổng kết lại, thời gian giao dịch của người phụ nữ nọ bằng của ba khách hàng khác. Như vậy, người phụ nữ nọ đã chiếm dụng thời gian của những người cùng đến giao dịch, làm giảm năng suất lao động của cô nhân viên ngân hàng...

Trong số những người phải chờ đợi, chắc có người đang rất bận rộn. Các ngân hàng đã đầu tư rất nhiều tiền để rút ngắn thời gian hoàn tất một giao dịch cho khách hàng, không phải bằng phút mà là... giây. Vậy mà, thật là bất công!

Có thể cô nhân viên nọ đã quá chiều chuộng khách hàng. Nhưng là tôi, tôi sẽ không đủ can đảm ngồi đó bấm điện thoại khi sau lưng mình còn nhiều người đang chờ đến lượt.

Tôi sẽ đứng dậy, nhường ghế lại cho người khác để làm việc riêng của mình. Khi những kiểu vô ý này quá phổ biến, gây nhiều phiền toái, có lẽ một quy định không làm việc riêng nơi công cộng tránh làm phiền người khác lắm khi cũng cần thiết.

Thái Thịnh (Q.3, TP.HCM)

"Bạn chọn cách ứng xử nào nơi công cộng?", câu hỏi ấy tuy dễ mà khó. Ai có can đảm hi sinh "cái tôi" cá nhân ích kỷ, hẹp hòi vì quyền lợi chung mới thật sự là người có dũng khí giữ nhân cách và văn minh.

Ngăn tật xấu lây lan, cần có tinh thần không khoan nhượng trước điều sai trái, mỗi ngày, mỗi người. Làm ngơ đồng nghĩa với thỏa hiệp, khiến cái xấu được đà lấn lướt.

Xe công cộng phải cạnh tranh hơn xe cá nhân

TTO - Tất cả người nước ngoài đều góp ý như vậy khi nói về đề án hạn chế xe cá nhân tại TP.HCM mà cơ quan chức năng vừa đưa ra lấy ý kiến giới chuyên gia.

KHÔI NGUYÊN - NGHĨA ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên