29/04/2016 08:25 GMT+7

Ngọc muốn sáng phải mài giũa

MAI HƯƠNG thực hiện (maihuong@tuoitre.com.vn)
MAI HƯƠNG thực hiện ([email protected])

TTO - Nhân dịp kỷ niệm 41 năm thống nhất đất nước, Tuổi Trẻ mở diễn đàn “TP.HCM & khát vọng vươn lên”, với sự mở đầu là cuộc trò chuyện cùng kiến trúc sư Khương Văn Mười - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN.

Công trình xây dựng bên sông Sài Gòn nhìn từ hướng cảng Ba Son đang đua nhau phát triển - Ảnh: H.Khoa
Công trình xây dựng bên sông Sài Gòn nhìn từ hướng cảng Ba Son đang đua nhau phát triển - Ảnh: H.Khoa

Mở đầu cuộc trò chuyện vừa có tính chất “ôn cố tri tân”, vừa góp ý để hướng đến tương lai đưa TP.HCM phát triển đúng với mong muốn chính đáng của người dân, kiến trúc sư Khương Văn Mười nói:

- Sài Gòn của những thế kỷ trước và TP.HCM của ngày hôm nay cơ bản đã khác nhau rất nhiều về quy mô TP, mật độ dân số, các yếu tố ngoại cảnh tác động... Do đó, mọi so sánh đánh giá phải theo từng giai đoạn lịch sử phát triển mới chính xác. Vấn đề cần quan tâm là tương lai TP sẽ thế nào. Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để viết nên tương lai ấy, đưa TP phát triển đúng với mong muốn chính đáng của hàng chục triệu người dân TP nói riêng và cả nước nói chung.

KTS Khương Văn Mười - Ảnh: Tự Trung
KTS Khương Văn Mười - Ảnh: Tự Trung

“Hòn ngọc Viễn Đông của ngày hôm qua - và TP.HCM hôm nay có những ưu thế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để duy trì và phát huy ưu thế đó, biến ưu thế thành tiềm lực, sức bật cho tương lai tùy thuộc nhiều vào quyết tâm của nhà cầm quyền, sự đồng tâm nhất trí của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ, hiến kế, góp sức của giới trí thức.

Mọi so sánh đều khập khiễng

* Đã có những ý kiến nhiều chiều về danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông”, thật sự tên gọi này bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Viễn Đông là ngụ ý chỉ vùng Đông Dương - với ba nước gồm Việt Nam, Lào, Campuchia. Vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, Sài Gòn là TP được đầu tư xây dựng bài bản nhất so với các TP của những nước trong khu vực. TP do đại tá công binh Pháp là Coffyn quy hoạch, thiết kế. Nhiều công trình quan trọng của TP đã mọc lên nhanh chóng như nhà thờ Đức Bà, Nhà hát TP, dinh thống đốc, phủ toàn quyền...

Địa phận Sài Gòn được giới hạn bởi một bên là rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé, một bên là sông Sài Gòn. Các bến thuyền tại kênh Xáng và kênh Lớn (sau là đường Hàm Nghi và đường Nguyễn Huệ) là nơi thu hút nhiều tàu thuyền đến trao đổi hàng hóa.

Các công trình xây dựng đều được lựa chọn xây trên vị trí đẹp, cao ráo, có tầm nhìn hướng ra sông. Xét về quy hoạch, có thể nói bố cục quy hoạch của TP rất đẹp, giống như một TP ở trong rừng cây. Một TP xinh đẹp, duyên dáng mọc lên giữa một vùng hoang dã, cư dân thưa thớt. Thương nhân ở các vùng xa xôi như Ấn Độ, Trung Quốc, Bắc Á, châu Âu... đến đây trao đổi, buôn bán vải vóc, lụa là, châu báu rất ấn tượng với TP này. Họ truyền miệng nhau tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Cái thời được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông” ấy, quy mô của Sài Gòn rất nhỏ, chỉ trong phạm vi tương đương với Q.1 của TP.HCM sau này. Thời gian được gọi là “Hòn ngọc” ấy cũng ngắn ngủi. Khi quân đội Mỹ vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam thì Sài Gòn đã có nhiều xáo trộn, đổi thay. Kiến trúc nhà phố thay đổi khi kiểu nhà ống thông dụng mà cũng rất thực dụng mọc lên nhiều.

Các cao ốc, công trình quân sự cũng xuất hiện. Người dân nông thôn đổ về Sài Gòn để tránh chiến sự ngày một đông, dần biến nhiều khu vực của Sài Gòn thành những khu ổ chuột lớn. Những khu này có điều kiện vệ sinh, môi trường rất kém, an ninh phức tạp. Mỹ danh “Hòn ngọc Viễn Đông” biến mất và không còn được nhắc đến.

* Dù “Hòn ngọc Viễn Đông” chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi nhưng cho đến bây giờ vẫn có người hoài vọng về một Sài Gòn được xem là “hoàng kim” trong quá khứ. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi cho rằng mọi so sánh đều khập khiễng. Nhất là khi Sài Gòn của những thế kỷ trước và TP.HCM của ngày hôm nay cơ bản đã khác nhau rất nhiều về quy mô TP, mật độ dân số, các yếu tố ngoại cảnh tác động, tương quan mối quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực và trên thế giới cũng thay đổi.

Có người nói rằng Sài Gòn đã từng là số 1 - điều đó không sai - nhưng tôi cho rằng nếu nói Sài Gòn từng là TP số 1 của Việt Nam - trong mối tương quan so sánh với các TP khác trong nước - thì chính xác hơn. Còn nói Sài Gòn là đô thị số 1 trong khu vực thì chưa có cơ sở, căn cứ rõ ràng, cụ thể.

Dĩ nhiên, như đã phân tích ở trên, Sài Gòn từng là một đô thị đẹp so với các nước trong khu vực. Còn với người dân ở trong nước, Sài Gòn là một nơi văn minh, sung túc, nhiều cơ hội học hành, làm ăn.

Khái niệm “Lên Sài Gòn” trong suy nghĩ của người dân đồng nghĩa với việc được học hành cao hơn, có cơ hội chữa bệnh, mở rộng buôn bán, làm ăn. Tiềm ẩn trong nhận thức của người dân ở các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ là nếu đời sống khá giả, họ sẽ bằng mọi cách đưa con cái lên Sài Gòn. Và cho đến bây giờ, TP.HCM vẫn giữ được sức hút đó với cả nước.

Cần một sự đồng tâm

* Nói như vậy có nghĩa là đã có những phần việc chúng ta làm được?

- Từ sau ngày giải phóng đến nay, quy mô TP.HCM được mở rộng, dân số cũng gia tăng nhiều. Quản lý, điều hành một TP lớn sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. TP.HCM có những cái khó riêng so với các TP có quy mô nhỏ khác. Tuy nhiên, nếu phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực của TP từ ngày giải phóng đến nay thì không đúng. Thật ra chúng ta đã làm được rất nhiều việc nhưng có thể việc giải thích, thông tin chưa sâu nên người dân chưa hiểu hết.

Dưới góc độ một kiến trúc sư, tôi đánh giá TP.HCM đã và đang đặt nền móng và đi từng bước để tiến tới xây dựng một TP tương lai: một đô thị xanh, bền vững, một đô thị nhiệt đới, sông nước. Để tiến tới mục tiêu đó, TP đã có kế hoạch tiếp tục tiến hành chỉnh trang các khu dân cư, cải tạo môi trường đô thị, cải tạo các dòng kênh, phục hồi cảnh quan sông nước.

Quy hoạch của các khu đô thị mới như khu đô thị Thủ Thiêm, khu Bình Quới - Thanh Đa, khu đô thị cảng Hiệp Phước cũng hướng đến mục tiêu chung đó. Chúng ta sẽ khai thác, phát triển cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Sài Gòn. Khu Phú Mỹ Hưng đã tốt, các khu đô thị tương lai của TP sẽ còn tốt hơn. Song song với việc phát triển các khu đô thị mới, Q.1 sẽ được quy hoạch, bảo tồn như một khu đô thị cũ với nét đặc trưng về kiến trúc, văn hóa.

Bên cạnh đó, các nỗ lực khác như giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, chủ trương xây dựng một TP có chất lượng sống tốt cũng đang được lãnh đạo TP quan tâm. Đó là những điều kiện quan trọng để phát triển bền vững. Về điều này, tôi cho rằng TP.HCM đang đi đúng hướng.

So với nhiều nơi của cả nước, các thành tựu về khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí của TP.HCM vẫn nổi trội, lôi cuốn nhiều người ở các vùng miền khác nhau đến sinh sống, làm ăn, du lịch. TP cũng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài mang theo nhiều dự án lớn. Mạng lưới y tế, giáo dục cũng phát triển hơn. Nhìn chung, TP.HCM vẫn được đánh giá là nơi đất lành chim đậu, nơi nuôi dưỡng nhiều hi vọng vào tương lai.

KTS Khương Văn Mười

MAI HƯƠNG thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên