Người dân tập trung gây ách tắc, ùn ứ suốt một đoạn đường dài - Ảnh: SƠN LÂM
Sáng 30-9, cả ngàn người dân đi xe máy từ các xã huyện Đức Hòa, Long An giáp ranh TP.HCM đổ ra quốc lộ N2 và ùn ứ tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 khu vực cầu Đức Hòa, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa.
Đa số họ là dân từ các tỉnh miền Tây mong muốn trở về nhà sau nhiều tháng giãn cách, không có việc làm…
Ông Phan Nhân Duy - bí thư Huyện ủy Đức Hòa - cho biết nhiều người đã đi từ giữa đêm nhưng bị chặn lại nên chờ đến sáng.
"Khi dân tụ tập đông, huyện đã báo tỉnh và lập tức cử lực lượng ra đối thoại, mong bà con bình tĩnh tạm quay về để tỉnh có phương án hỗ trợ, vì giờ Long An có cho đi thì xuống các chốt kiểm soát dịch các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang cũng không cho qua", ông Duy nói.
Bên cạnh đó, huyện chuẩn bị ngay một điểm tạm trú tạm thời để người dân không quay về có chỗ "che mưa che nắng".
Nhiều gia đình công nhân ở trọ thuộc các tỉnh miền Tây khác muồn trở về quê sau nhiều tháng ở yên trong phòng trọ - Ảnh: SƠN LÂM
Chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh đã đến hiện trường, chia ra nhiều nhóm nhỏ trực tiếp đối thoại, mời người dân về một nhà xưởng trống gần đó ghi nhận ý kiến để tổ chức phương án hỗ trợ.
Đến khoảng 9h sáng, đã có hơn 1.000 người tụ tập trên quốc lộ N2 dù trời đổ mưa.
Tại buổi đối thoại, nhiều công nhân không kìm được nước mắt cho biết cũng hiểu hoàn cảnh, nhưng đã hết cách nên mới phải "liều mình" trở về quê.
"Nhà có 4 người, chồng đi cách ly, tôi làm công nhân mà mấy tháng nay mất việc, không còn biết sống sao. Đêm qua ở giữa đường con nó lạnh lắm, nhưng tôi động viên nó cố gắng chứ không có chỗ quay lại nữa" - chị Trần Thị Ngoan, 31 tuổi, quê Cà Mau, vừa khóc nói.
Đa số người dân ở các tỉnh khác muốn đăng ký để được về quê - Ảnh: SƠN LÂM
Đối thoại với người dân, ông Nguyễn Minh Lâm - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết hiện tỉnh có phương án nếu người dân quay lại nhà trọ, huyện sẽ thuyết phục giúp chủ nhà trọ giảm tiền trọ, đồng thời tiếp tục cung ứng các gói hỗ trợ lương thực để duy trì.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cùng một số doanh nghiệp đến trao đổi, thỏa thuận công việc, thậm chí ứng trước lương cho các công nhân để họ tiếp tục giải quyết các khó khăn trước mắt…
"Tỉnh cũng mong muốn các anh chị ở lại với Long An và sẽ cố gắng cùng các anh chị vượt qua khó khăn, làm việc trở lại vì giờ dịch bệnh đang phức tạp, về cũng không đảm bảo. Về địa phương không có việc làm lại ảnh hưởng thêm cho quê nhà. Địa phương cam kết sẽ hỗ trợ hết mình, hứa không để anh chị đói", ông Lâm nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An đối thoại với người dân trong nhà xưởng gần điểm ùn ứ - Ảnh: SƠN LÂM
Ông Lâm cũng cho hay nếu ai thật sự mong muốn về quê, tỉnh sẽ hỗ trợ hết mình, nhưng phải có tổ chức và phải đợi Long An liên hệ được các địa phương đồng ý cho về. Tất cả người dân đều được đưa giấy đăng ký nguyện vọng.
Đến 11h trưa, người dân được chia ra nhiều nhóm. Ai muốn ở lại tỉnh sẽ bàn tiếp các phương án hỗ trợ, ai muốn về quê nhà tại Long An tỉnh hỗ trợ giải quyết, ai ở các tỉnh khác thì tỉnh sẽ tiếp tục rà soát danh sách, đưa về chỗ ở tạm để liên hệ với các địa phương.
Nhóm người ở các tỉnh khác muốn về quê hiện vẫn đông nhất.
Nhiều người vẫn ùn ứ ở ngoài đường không vào điểm đối thoại, các lực lượng chia nhau thông báo thông điệp của tỉnh với từng nhóm nhỏ - Ảnh: SƠN LÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận