27/10/2013 07:15 GMT+7

Hôn mê vì toa thuốc của bác sĩ

BS NGUYỄN THANH HẢI (Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương)
BS NGUYỄN THANH HẢI (Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương)

TT - Bệnh nhân N.V.D. 60 tuổi, nhập viện vì hôn mê do hạ đường huyết, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM). Các bác sĩ khoa nội tiết đã phải truyền đường ưu trương liên tục ba ngày mới ổn định được đường huyết.

Nguyên nhân ông N.V.D. bị hạ đường huyết nặng và kéo dài như vậy là do bác sĩ ở bệnh viện quận kê toa cho bệnh nhân đã phối hợp sai thuốc điều trị đái tháo đường. Đây là một rủi ro mà y học gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra (iatrogenic) hay bệnh y sinh.

Đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương tiếp nhận điều trị bệnh nhân hôn mê hạ đường huyết do bác sĩ phối hợp thuốc sai như trường hợp của ông N.V.D..

Hạ đường huyết là một biến chứng có thể xảy ra khi điều trị đái tháo đường. Ngoài tác dụng làm hạ đường của thuốc, các yếu tố khác góp phần là: ăn quá ít, ăn trễ hoặc bỏ ăn; tăng hoạt động thể lực; uống nhiều bia, rượu và nước giải khát chứa cồn.

Tuy nhiên, trường hợp hôn mê hạ đường huyết của ông N.V.D. khác hẳn so với thường lệ. Vì trong toa thuốc mà ông N.V.D. dùng có hai hoạt chất do bác sĩ kê toa phối hợp sai là glimepirid và glibenclamid, cả hai đều thuộc nhóm sulfonylureas (SU).

SU là nhóm thuốc viên hạ đường huyết dạng uống, được kê đơn rộng rãi nhất trên thế giới và ở Việt Nam vì hiệu quả làm giảm đường huyết mạnh, dung nạp tốt và rẻ tiền. Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân đái tháo đường type 2. Trong các phác đồ điều trị, SU có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với nhiều thuốc khác để kiểm soát bệnh đái tháo đường, nhưng trên thế giới không có phác đồ nào phối hợp giữa các thuốc thuộc nhóm SU với nhau.

Dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết

Các dấu hiệu nhẹ, xuất hiện sớm: cảm giác đói, lo lắng bứt rứt, đổ mồ hôi, run, hồi hộp tim đập nhanh, yếu cơ, hiếm gặp buồn nôn và nôn ói.

Các dấu hiệu nặng, xuất hiện muộn: nhức đầu, nhìn đôi, mờ mắt, lú lẫn, cư xử bất thường, mất trí nhớ, mất tri giác, hôn mê và co giật hoặc tử vong.

Xử trí cấp cứu cơn hạ đường huyết

Cơn hạ đường huyết nhẹ: Khi người bệnh nghi ngờ mình có dấu hiệu hạ đường huyết nên kiểm tra đường huyết ngay bằng máy thử đường cá nhân. Nếu lượng đường dưới 70mg/dl nên ăn hoặc uống ngay một suất thực phẩm tương đương 15g đường (3-4 viên đường, 1/2 ly nước ép trái cây hay nước ngọt, 1 ly sữa, 5-6 viên kẹo, một thìa mật ong) để nhanh chóng nâng lượng đường trong máu lên.

Bước kế tiếp là kiểm tra lại đường huyết sau 15 phút để xem đã chắc chắn nâng đường huyết lên trên 70mg/dl hay chưa? Nếu đường huyết vẫn còn thấp nên ăn thêm một suất nữa. Các bước này cần được lặp lại cho đến khi đường huyết trên 70mg/dl. Nếu bữa ăn chính kế tiếp còn cách xa từ một giờ trở lên thì nên ăn ngay bữa ăn phụ.

Cơn hạ đường huyết nặng: hạ đường huyết nặng xảy ra khi lượng đường huyết rất thấp, làm người bệnh hôn mê và nguy hiểm tính mạng. Trong tình huống này người bệnh không thể ăn hoặc uống gì được.

Người thân cần khẩn trương gọi xe cấp cứu 115, trong thời gian đợi xe đến nên đặt người bệnh nằm thẳng, đầu nghiêng sang bên, tuyệt đối không cho vào miệng bất cứ thứ gì để phòng ngừa hít sặc.

BS NGUYỄN THANH HẢI (Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên