18/12/2012 19:04 GMT+7

"Hồn ma" phủ bóng bầu cử tổng thống Hàn Quốc

ĐỨC TOÀN (Theo AFP, CNN, BBC)
ĐỨC TOÀN (Theo AFP, CNN, BBC)

TTO - Cuộc bầu cử tân tổng thống Hàn Quốc phảng phất hình ảnh hai cố tổng thống nước này: nhà độc tài Park Chung Hee qua đời vì bị ám sát và tổng thống Roh Moo Hyun tự kết liễu đời mình.

7IIsYjH4.jpgPhóng to
Bà Park Geun Hye xin lỗi nhân dân vì chính sách cai trị của cố tổng thống hồi tháng 9 - Ảnh: Hani.co.kr

Hai ứng viên nặng ký nhất tranh chức tổng thống Hàn Quốc hiện là bà Park Geun Hye - con gái cố tổng thống Park Chung Hee và là đại diện đảng bảo thủ cầm quyền - và ông Moon Jae In từng là chánh văn phòng nội các của cố tổng thống Roh Moo Hyun. Cuộc bầu cử năm nay được đánh giá chịu ảnh hưởng từ những di sản mà hai cố tổng thống để lại.

Cố tổng thống Park Chung Hee có lẽ là nhân vật gây tranh cãi nhất lịch sử Hàn Quốc. Một mặt ông được ngưỡng mộ vì đã dẫn dắt Hàn Quốc thoát khỏi đói nghèo và trở thành nền kinh tế phát triển, mặt khác ông bị chỉ trích vì chính sách cai trị “bàn tay sắt” trong suốt 18 năm. Ông Park bị chính giám đốc tình báo của mình bắn chết vào năm 1979.

Trong khi đó, tổng thống Roh Moo Hyun hứa hẹn một khởi đầu mới khi ông nhậm chức vào năm 2003. Tuy nhiên giai đoạn mà ông cầm quyền kết thúc trong hỗn loạn. Đảng Dân chủ thống nhất (DUP) của ông liên tục xảy ra bê bối và đấu đá nội bộ, còn các chính sách cải cách kinh tế thì không được thực hiện như dự định. 15 tháng sau khi mãn nhiệm, ông Roh tự vẫn khi vụ điều tra cáo buộc tham nhũng đối với gia đình ông vẫn đang diễn ra.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2012, hai ứng viên tổng thống Moon và Park đối đầu nhau trước những vấn đề quan trọng như cải cách kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo đảm việc làm. Các cuộc thăm dò cuối cùng cho thấy cuộc chạy đua vào Nhà Xanh (dinh tổng thống Hàn Quốc) vô cùng quyết liệt. Bà Park tuy vẫn dẫn điểm trong mọi cuộc thăm dò nhưng ông Moon đã thu hẹp được khoảng cách đáng kể.

Phần lớn công chúng đều nhìn hai ứng viên qua lăng kính về mối liên quan với hai cố tổng thống. Phó giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin ở Seoul nhận định “cả hai ứng viên được xem như đại diện cho hai lãnh đạo quá cố”. Còn chủ tịch Viện Chính sách châu Á (Seoul) Hahm Chai Bong nói “bà Park được xem là biểu tượng của sự bảo thủ, trong khi ông Moon là biểu tượng của sự tiến bộ”.

HgbI1e39.jpgPhóng to
Ông Moon Jae In trong chiến dịch tranh cử ở Daejon ngày 18-12 - Ảnh: Reuters

Nỗ lực cách xa quá khứ

Bà Park tuyên bố sẽ phục hồi nền kinh tế Hàn Quốc đang chậm lại, trong khi ông Moon hứa giải quyết những lo ngại của người dân như khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Lực lượng quyết định khả năng chiến thắng nằm ở những cử tri còn đang do dự, phần lớn trong độ tuổi 40, quan tâm cả về bình đẳng xã hội và tăng trưởng kinh tế. Để thuyết phục đối tượng cử tri này, cả hai ứng viên tìm cách tỏ rõ lập trường của mình khác xa với những cố tổng thống liên quan đến họ.

Như với ứng viên Moon, việc liên quan đến chính quyền cố tổng thống Roh bị gắn liền với nhận định khả năng xử lý nền kinh tế yếu kém. Tuy nhiên, ông Moon cũng được đánh giá là một người có nhiều kinh nghiệm chính trị. Ông cam kết sẽ giải quyết vấn đề khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, bà Park phải cật lực hơn để xây dựng hình ảnh. Ở một xã hội tôn sùng sự hiếu thảo như Hàn Quốc, bà Park buộc phải công khai thừa nhận hành động sai trái dưới chế độ của cha mình và xin lỗi gia đình các nạn nhân. Trong cuộc họp báo ngày 24-9, bà Park nói: "Đằng sau sự phát triển thần kỳ là sự hi sinh của những công nhân đã chịu đựng điều kiện làm việc khắc nghiệt, và đằng sau công cuộc giữ vững an ninh chống lại mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên là những vi phạm nhân quyền". Khi gửi lời xin lỗi sâu sắc, bà Park khẳng định "mục đích không thể dùng để biện minh cho hành động trong chính trị".

"Câu hỏi đặt ra là nếu bà Park trở thành tổng thống thì bà sẽ chứng tỏ sự khác biệt với cha mình như thế nào - phó giáo sư Lankov nói - Thời kỳ của Park Chung Hee đã đi xa. Nếu quay trở về bối cảnh những năm 1960 thì Hàn Quốc buộc phải phát triển thật nhanh bằng mọi giá. Nhưng bây giờ đã khác, Hàn Quốc cần một hệ thống phúc lợi toàn diện, và người dân Hàn Quốc nên suy nghĩ về những thay đổi của môi trường và chính sách".

ĐỨC TOÀN (Theo AFP, CNN, BBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên