Hồn cốt

HUY THỌ 14/04/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Có lần tôi được mời dự sự kiện một đầu bếp da trắng lừng danh thế giới đến Việt Nam trình diễn. Những món Âu của ông ấy thì khỏi chê.

Nhưng hôm ấy vị đầu bếp trứ danh còn trình diễn cả phở. Và thú thật, nếu ông mở tiệm phở ở Việt Nam thì chịu khó xếp hàng cuối, sau tất cả những đầu bếp tay ngang tham gia cuộc thi nấu phở trong sự kiện Ngày của phở 12-12 hằng năm!

Tại sao vậy?

Nhờ mấy năm nay la cà nhiều với các nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực và các đầu bếp trứ danh Việt Nam, tôi hiểu được cái thiếu của ông đầu bếp Tây là văn hóa Việt. Ông ấy khó mà thuần thục trong một sớm một chiều với nước mắm, sá sùng, hồi, quế, thảo quả…

Kiatisuk thành công vì rất hiểu bóng đá Việt Nam. Ảnh: AFP

 

Điều đó tương tự như với món thể dục nghệ thuật, khi các VĐV Việt Nam dù cho kỹ thuật có cao đến mấy, cũng khó mà biểu diễn có hồn, “ăn” cùng với nhạc nền như các VĐV phương Tây. 

Đơn giản bởi việc cảm thụ âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc cổ điển, thường làm nền cho bộ môn này, đã thấm vào gen của người phương Tây nhiều đời. Thế nên, nhạc nền và động tác kỹ thuật mới quyện vào nhau, chứ không mỗi thứ đi một phách.

Nói vậy phải chăng các HLV Tây thất bại ở V-League là do chưa nắm được “cái hồn” của bóng đá Việt? (Xin đừng cười bảo bóng đá Việt vô hồn! Nó có đấy, có điều không giống cái hồn của một nền bóng đá phát triển). 

Cũng có những ông thầy ngoại thành công, như Kiatisak hay Calisto, nhưng họ là cá biệt. Nếu tiếp xúc với họ, sẽ thấy để có được sự cá biệt ấy là một quá trình, là một sự “quái” trời cho, hoặc cũng có thể là cả cơ duyên với bóng đá Việt, khiến họ ít nhiều hiểu được cái phần hồn rối rắm của bóng đá xứ ta!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận