02/06/2017 17:16 GMT+7

Hơn cả một vở kịch...

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Cứ mỗi lần sân khấu kéo màn chuyển cảnh, khán giả vỗ tay giòn giã. Khi diễn viên bật khóc, dưới hàng ghế khán giả không ít người thút thít, rưng rưng nước mắt theo từng cung bậc cảm xúc trên sân khấu.

Các vai diễn đều do các sinh viên thủ vai đem lại nhiều cảm xúc cho người xem - Ảnh: Ngọc Hiển
Các vai diễn đều do các sinh viên thủ vai đem lại nhiều cảm xúc cho người xem - Ảnh: Ngọc Hiển1

Và khi vở diễn khép lại, khán giả ùa đến ôm chầm lấy các diễn viên, những người đã làm nên hồn cốt của câu chuyện bằng cả sự thán phục.

Sức hút của vở kịch Đời đá vàng do đội kịch Lăng kính (Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM) dàn dựng, biểu diễn tại sân khấu kịch Lê Hoàng (TP.HCM) đã kéo 300 khán giả đến xem, dù đã biểu diễn đến suất thứ hai.

Lấy bối cảnh câu chuyện là một gia đình Nam Bộ yêu nước trong cuộc kháng chiến, bà mẹ quê tóc bạc lần lượt tiễn các con lên đường theo cách mạng. Có con trở về nhưng cũng có người vĩnh viễn ra đi bởi bom đạn buổi loạn ly. Dù đau đớn đến tột cùng nhưng mẹ vẫn kiên cường chấp nhận. Bên cạnh tình yêu đất nước, vở kịch còn lột tả tình yêu đôi lứa của những cô gái tuổi đôi mươi trong những năm tháng ấy. Có những sự hi sinh, những số phận mà cho đến khi theo dõi vở kịch họ mới thực sự thấu hiểu dẫu không ít lần đã được đọc, được học qua những trang sách, những bài giảng...

Kéo dài suốt ba giờ, đây là vở kịch dài đầu tiên mà đội kịch dàn dựng để bán vé và diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Thế nhưng, cả hai suất diễn đều bán sạch sành sanh vé và khán giả ngồi xem đến tận cùng khi hạ màn. Khó có thể hình dung một vở kịch chỉn chu từ kịch bản, diễn viên, âm thanh, thiết kế sân khấu... như thế lại được thực hiện hoàn toàn bởi sinh viên.

Để cho ra đời vở kịch này, cả đội đã bỏ ra nửa năm trời dàn dựng, trong đó ba tháng lên kịch bản và ba tháng tập luyện. Hơn 30 con người đã làm việc cật lực, có những đêm thức trắng làm đạo cụ, chạy sân khấu để kịp trình làng vở diễn đáng đồng tiền bát gạo của người xem. Ngay cả khi vở diễn đã lên đèn, những lúc chuyển cảnh các “diễn viên” cũng phải ba chân bốn cẳng chạy ra sân khấu... thay phông cảnh.

Đoàn Hữu Phùng, sinh viên ngành kinh tế đối ngoại (đội trưởng), nói 30 con người trong đội đã làm việc bằng cả nhiệt huyết bởi “tất cả không chỉ là dân ngoại đạo mà lại còn là dân kinh tế”, biết tính toán. Những kinh nghiệm đứng trên sân khấu, khả năng diễn xuất hay khả năng ứng biến của cả đội đều do các sinh viên truyền từ khóa này sang khóa khác suốt 10 năm qua.

Không có ánh đèn flash chụp hình, chẳng có hình ảnh selfie thường thấy của giới trẻ khi đến bất kỳ đâu. Suốt cả buổi diễn, khán giả chăm chú dõi theo sân khấu, thưởng thức nghệ thuật. Không ít lần khán giả vỗ tay rần rần với những lời thoại mang tính “ngôn tình” bật lên. Đó cũng chính là một trong các điểm cộng của những người dàn dựng vở kịch khi đã khéo léo đem đời sống giới trẻ vào kịch để phục vụ chính người trẻ.

Kết thúc đêm diễn, nhiều người đã thổ lộ đây là lần đầu tiên họ bước vào một sân khấu để xem kịch. Hẳn là những xúc cảm mà vở kịch này đã đem lại sẽ là sợi dây vô hình lôi cuốn những người trẻ đến với kịch.

Và hơn cả một vở kịch, các thành viên của đội kịch đã góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn trong cuộc sống đối với giới trẻ thông qua niềm đam mê của chính mình...

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên