10/10/2015 08:35 GMT+7

Hơn 90% học sinh có nhu cầu tư vấn tâm lý

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Kết quả khảo sát trên được Bộ GD-ĐT thực hiện tại một số địa phương, đã được công bố tại hội thảo quốc gia xây dựng mô hình tư vấn tâm lý tổ chức tại Hà Nội ngày 9-10.

* Có trường THPT 40% học sinh sống trong hoàn cảnh gia đình ly tán

Ông Ngũ Duy Anh, vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên - Bộ GD-ĐT, cho biết kết quả khảo sát các trường THCS, THPT tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Khánh Hòa... do Bộ GD-ĐT thực hiện cho thấy có đến trên 90% học sinh gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý và các em đều có nhu cầu được tư vấn.

Đặc biệt, trong số này tỉ lệ học sinh THPT thường xuyên gặp vướng mắc tâm lý cần giải tỏa còn cao hơn.

Bộ GD-ĐT cũng nhận định trong các trường học, tình trạng nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô giáo, người lớn tuổi hiện không còn là cá biệt.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng cảnh báo hiện tượng kết bạn trên mạng rồi hình thành các băng nhóm ở tuổi vị thành niên với những hành vi lệch lạc như bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, đua xe... là những biểu hiện đáng ngại của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

TS Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội đồng tâm lý giáo dục Hà Nội, chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - đưa ra con số giật mình: “Trường THPT Đinh Tiên Hoàng với đặc thù của môi trường giáo dục đặc biệt, không chọn lọc đầu vào, phần lớn học sinh có học lực yếu kém cũng là những học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Nếu đầu những năm 2000, trong trường tỉ lệ học sinh có gia đình ly tán, bố mẹ chia tay nhau chiếm khoảng 5-10% mỗi lớp học, thì nay tỉ lệ này đã lên đến 40%!” - ông Lâm nói.

Từ thực trạng trên, các trường THPT, các sở GD-ĐT đều cho rằng: một trong những cản trở lớn đối với việc phát triển tư vấn học đường chính là chưa có chỉ tiêu biên chế cho cán bộ tư vấn tâm lý học đường.

Hiện tại, mới chỉ có TP.HCM được bổ sung biên chế giáo viên tư vấn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết với tinh thần tinh giản biên chế chung hiện nay, khó có thể bố trí biên chế cho vị trí giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý học đường ở mỗi nhà trường.

Tuy nhiên, bà Nghĩa cho biết Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để bố trí việc làm, tạo chính sách cho cán bộ tư vấn như tăng số tiết tư vấn học đường, bố trí giáo viên các môn như giáo dục công dân kiêm nhiệm công tác tư vấn học đường...

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên