Thuế thu nhập thấp không ngăn được đầu cơ
Thông tin được Batdongsan.com.vn đưa ra trong báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024, nhìn ra thế giới.
Kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn về thời gian nắm giữ bất động sản trước khi bán tại Việt Nam cũng ghi nhận trong năm 2023 có: 15% người mua nắm giữ bất động sản dưới 3 tháng, 36% nắm giữ từ 3-6 tháng, 35% nắm giữ từ 6-12 tháng, 8% nắm giữ 1-2 năm, 4% nắm giữ 2-3 năm, 2% nắm giữ lâu hơn.
"Có tới 86% người mua bất động sản để lướt lát kiếm lời, thời gian nắm giữ dưới 1 năm", ông Nguyễn Quốc Anh, phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, nhận định.
Trong khi tại châu Âu, thời gian nắm giữ bất động sản trước khi bán như sau: 7% người mua nắm giữ bất động sản từ 1-3 năm, 23% nắm giữ 3-5 năm, 33% nắm giữ 5-10 năm, 38% nắm giữ trên 10 năm.
Nguyên nhân một phần được chỉ ra do thuế thu nhập với hoạt động chuyển nhượng, cho thuê bất động sản của nước ta quá thấp.
Nhà đầu tư khi chuyển nhượng bất động sản chỉ phải đóng thuế thu nhập 2%, thuế thu nhập với cho thuê kinh doanh bất động sản tương đương 5% doanh thu (áp dụng với doanh thu trên 100 triệu đồng).
Và để ngăn chặn tình trạng mua bán "lướt sóng" bất động sản, nhiều nước trên thế giới đang sử dụng thuế thu nhập từ mua bán, cho thuê bất động sản điều tiết hành vi thị trường.
Tại Trung Quốc: thuế thu nhập khi bán đất từ 30-60%, với bất động sản khác 20%, cho thuê bất động sản dân dụng là 24%, bất động sản khác 32%.
Còn tại Nhật Bản: thuế thu nhập khi bán đất nắm giữ trên 5 năm là 20,3%, bán đất nắm giữ dưới 5 năm 39,6%, khi cho thuê bất động sản từ 5-45%.
Cũng theo ông Anh: trong 5 năm gần đây giá bất động sản trong nước tăng 59%, cao hơn cùng kỳ nhiều nước trong khu vực như: Indonesia tăng 9%, Philippines tăng 38%, Thái Lan tăng 18%, Trung Quốc tăng 12%, Malaysia tăng 11%.
Nếu xét trong giai đoạn 10 năm (2015-2024) nhà đầu tư bỏ 100 đồng đầu tư chung cư sẽ thu về 297 đồng, đất nền thu về 237 đồng, vàng thu về 230 đồng, chứng khoán thu về 209 đồng, gửi tiết kiệm 159 đồng, ngoại tệ thu về 121 đồng.
Lợi nhuận đầu tư bất động sản vượt trội so với đầu tư các kênh đầu tư khác một phần do chính sách thuế bất động sản tại Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Cần chính sách tổng thể về thuế để điều tiết hành vi thị trường
Theo Batdongsan.com.vn, tỉ trọng thuế bất động sản trong cơ cấu GDP của Việt Nam thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực.
Tỉ lệ của Việt Nam là 0,03%, trong khi các nước như Indonesia 0,2%, Thái Lan 0,2%, Philippines 0,5%, Campuchia 0,9%, Trung Quốc 1,5%, Singapore 1,5%, Hàn Quốc 4%.
Trên thế giới hiện có 5 loại thuế với bất động sản, đó là: thuế sở hữu, thuế thu nhập, thuế trước bạ, thuế với nhà đất để trống, thuế phát triển bất động sản.
Các nước thường áp dụng 4 trong số 5 loại thuế trên, đó là thuế sở hữu, thuế thu nhập, thuế trước bạ, thuế với nhà đất để trống.
Ví dụ tại Singapore thuế sở hữu bất động sản 16%, thuế thu nhập khi bán 0%, cho thuê 15%, thuế trước bạ 35%, thuế với nhà đất để trống 20%.
Tương tự, tại Philippines: thuế sở hữu bất động sản 1,2%, thuế thu nhập khi bán bất động sản 6%, cho thuê 25%, thuế trước bạ 1,4%.
Trung Quốc: thuế sở hữu bất động sản 1,2%, thuế thu nhập khi bán bất động sản 60%, cho thuê 32%, thuế trước bạ 5,5%.
Indonesia: thuế sở hữu bất động sản 0,3%, thuế thu nhập khi bán bất động sản 30%, cho thuê 35%, thuế trước bạ 5%.
Trong khi tại Việt Nam, thuế sở hữu bất động sản 0,03 - 0,2% (thuế đất phi nông nghiệp, thuế đất ở), thuế thu nhập khi bán bất động sản 2%, cho thuê 5%, thuế trước bạ 0,5%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần ban hành một chính sách tổng thể về thuế để điều tiết hành vi thị trường, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận