12/10/2021 16:29 GMT+7

Hơn 80% công nhân mong làm thêm giờ vì COVID-19

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Đó là thông tin được phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu công bố tại Hội nghị về công tác phối hợp giữa Công đoàn Việt Nam và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chiều 12-10.

Hơn 80% công nhân mong làm thêm giờ vì COVID-19 - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu - Ảnh: HẢI NGUYỄN

Hội nghị bàn về việc phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, tập luyện thể dục thể thao trong công chức, viên chức, công nhân lao động giữa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021 - 2026.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy nhiều công nhân mong muốn làm thêm. Trước đó, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã xin ý kiến các cơ quan chuyên môn để báo cáo Quốc hội về việc kéo dài giờ làm thêm so với trần 40 giờ/tháng và tổng số giờ làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm.

Vị lãnh đạo Công đoàn Việt Nam cho hay: "Khi chúng tôi lấy ý kiến người lao động, hơn 80% công nhân đồng ý làm vượt trần quá 40 giờ/tháng và đồng ý làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm. Lý do chính mà công nhân chấp nhận làm thêm giờ nhiều là do không có tích lũy, cuộc sống quá khó khăn, lương thấp".

Theo ông Hiểu, đa số công nhân là lao động di cư. Dịch COVID-19 tác động tới việc làm, thu nhập, thể chất, tinh thần… Do đó, để thu hút lao động trở lại doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp cần có phương án giải quyết chính sách, duy trì hợp đồng lao động, giải quyết vấn đề lương thưởng…

Ngoài ra, ông Ngọ Duy Hiểu cũng dẫn những vấn đề gây bức xúc trong công nhân như nhiều công nhân lao động phải gửi con về quê, gửi trẻ ở điểm trông trẻ không đảm bảo điều kiện an toàn, chất lượng giáo dục; thiếu nhà ở, nơi khám bệnh; tình trạng mẹ đơn thân, nạo phá thai; công nhân phải chấm dứt hợp đồng lao động khi mới 35, 40 tuổi hay một bộ phận mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.

"Dịp Tết Nguyên đán này, một bộ phận người lao động có thể không có việc làm, thiếu việc làm, thu nhập thấp hoặc khó khăn, có thể bị lôi kéo. Đây là một vấn đề chúng ta cần nhận diện, quan tâm để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định", ông Hiểu lo ngại.

Cũng tại hội nghị, bà Trịnh Thị Minh Thanh, phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, chia sẻ kinh nghiệm của địa phương là ưu tiên dùng nguồn lực ngân sách, xã hội hóa hoàn thiện thiết chế văn hóa phục vụ công nhân như xây dựng quảng trường, bảo tàng, thư viện, trung tâm thể thao để thu hút công nhân. Quảng Ninh cũng dành quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa khi quy hoạch đô thị, khu công nghiệp.

Trong khi đó, đại diện Công đoàn TP.HCM cho hay các trang mạng xã hội sẽ là công cụ đắc lực để tư vấn, kịp thời hỗ trợ, giải đáp thông tin, tương tác với đoàn viên lao động, nhất là thực hiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật online trong thời gian tới. 

Đề xuất tạm thời ‘bỏ trần’ giờ làm thêm tháng, tăng giờ làm thêm năm Đề xuất tạm thời ‘bỏ trần’ giờ làm thêm tháng, tăng giờ làm thêm năm

TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất không áp dụng giới hạn giờ làm thêm mỗi tháng (40 giờ) và tăng tối đa thời gian làm thêm lên 300 giờ/năm là cần thiết nhưng chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên