18/11/2022 19:44 GMT+7

Hơn 700 dự án bất động sản ‘treo’ chờ tổ công tác Thủ tướng 'giải cứu'

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Tại Hà Nội hiện có khoảng 400 dự án bất động sản "treo", chờ thủ tục pháp lý nhiều năm chưa triển khai, trong khi TP.HCM có khoảng 302 dự án "treo".

Hơn 700 dự án bất động sản ‘treo’ chờ tổ công tác Thủ tướng giải cứu - Ảnh 1.

Một dự án bất động sản tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội để cỏ mọc hàng chục năm vì vướng quy hoạch - Ảnh: QUANG THẾ

Để giải phóng khối tài sản đang đóng băng trong bất động sản, Thủ tướng vừa quyết định thành lập tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng và 7 thành viên là thứ trưởng các bộ, ngành liên quan.

Tổ công tác cần chủ động gỡ vướng

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Qua kiểm tra, rà soát, tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan trực tiếp tới các dự án bất động sản, trường hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền, tổ công tác sẽ tham mưu cho Thủ tướng báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch HoREA - cho biết việc lập tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản lúc này thể hiện sự thấu hiểu, chia sẻ, vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ. 

Điều này giúp thị trường lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường bất động sản và các thị trường liên quan như thị trường chứng khoán, trái phiếu. Đây cũng là thông điệp của Thủ tướng, vì niềm tin thị trường đang là vấn đề lớn nhất của thị trường lúc này.

Ông Châu mong muốn tổ công tác của Thủ tướng với thẩm quyền được giao sẽ phát huy tinh thần chủ động, giải quyết ngay những vướng mắc dự án thuộc thẩm quyền của tổ, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo ngay với Thủ tướng để gỡ vướng kịp thời cho các dự án.

Hơn 700 dự án bất động sản ‘treo’ chờ tổ công tác Thủ tướng giải cứu - Ảnh 2.

Tình trạng đầu cơ nhà đất để giữ tài sản đang tạo ra những khu đô thị hoang tại Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ

Hơn 700 dự án treo chờ "giải cứu"

Con số được HĐND TP.HCM công bố tại cuộc họp hội đồng giữa năm 2022 cho thấy từ năm 2016 đến nay, thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết để thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 1.445 dự án bất động sản nhà ở, đô thị, nhưng đến nay mới có 402 dự án hoàn thành, 741 dự án đang triển khai và 302 dự án nằm treo (dự án đã quá 3 năm nhưng chưa thu hồi hoặc chưa hoàn thành thu hồi đất).

Trong khi tại Hà Nội số dự án treo lên tới hơn 400 dự án, trong số này có dự án đã thu hồi đất một phần hoặc hoàn thành thu hồi đất nhưng quây rào tôn để đó nhiều năm không triển khai. Đáng lưu ý có những dự án vướng điều chỉnh quy hoạch cả chục năm chưa thể triển khai đầu tư xây dựng.

Chỉ riêng khu vực huyện Mê Linh (TP Hà Nội) hiện có hơn 40 dự án bất động sản thu hồi đất cả chục năm nhưng vướng quy hoạch, chưa điều chỉnh được quy hoạch nên đành để đất hoang hóa.

Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vướng mắc về pháp lý là vướng mắc lớn nhất với doanh nghiệp bất động sản hiện nay, chiếm tới 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh.

Nguyên nhân, theo HoREA, là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất, việc giải quyết vướng mắc pháp lý cần nhiều thời gian.

HoREA cũng khẳng định thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông đang kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại khoảng 3-5 năm, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, dự kiến vào tháng 12, UBND TP.HCM sẽ họp với HoREA và các doanh nghiệp lớn ở phía Nam để tiếp tục tìm giải pháp "giải cứu" các dự án trên địa bàn TP.HCM.

Cách nào phá băng thị trường nhà đất? Cách nào phá băng thị trường nhà đất?

TTO - Thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng. Giao dịch nhà đất bất động, dòng tiền chôn vào đất. Doanh nghiệp BĐS phải xoay xở đủ cách như tăng chiết khấu bán nhà, giảm sâu giá bán, vay vốn lãi suất cao, vay tín dụng đen nhằm hoạt động cầm chừng.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên