Hội thảo khoa học Đánh giá chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia và hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0, mã số KC-4.0/19-25 giai đoạn 2019 - 2023, định hướng giai đoạn đến năm 2030 diễn ra chiều 11-11.
Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Đề tài từ phía Nam còn khiêm tốn
Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, chủ nhiệm chương trình KC-4.0/19-25 - cho biết chương trình nhận được hơn 500 đề xuất đăng ký tham gia, trong đó 74 nhiệm vụ đã được lựa chọn, triển khai.
Nhìn chung, 74 nhiệm vụ đã và đang được triển khai có tính thiết thực cao, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực chủ lực, quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy việc tiếp cận với các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, nội dung các nhiệm vụ được phê duyệt triển khai phân bổ chưa thực sự đồng đều. Trong ba nội dung chính của chương trình, chưa có nhiệm vụ nào liên quan đến nội dung xây dựng, triển khai chính sách thúc đẩy tín dụng đối với doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0.
PGS.TS Vũ Hải Quân cũng nêu ra vấn đề cần được Bộ Khoa học và Công nghệ và ban chủ nhiệm chương trình quan tâm là số lượng các đề tài từ Đà Nẵng trở vào và khu vực phía Nam nộp về chương trình còn khiêm tốn.
Trong khi đó, hoạt động lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung được đánh giá là rất sôi nổi.
“Điều này đặt ra vấn đề phải nghiên cứu, tìm ra giải pháp để thúc đẩy các nhà khoa học phía Nam đăng ký đề tài, nhiệm vụ trong giai đoạn từ nay đến năm 2030”, PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, PGS.TS Trần Minh Triết - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng cần có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các nhà khoa học liên ngành để có thêm nhân lực và nguồn lực, giúp thực hiện được những đề tài xứng tầm.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục hành chính, quy trình đăng ký và nhất là cách triển khai đề tài như thế nào cho phù hợp với nội dung, tinh thần của chương trình.
Tương tự, TS Hà Thị Thanh Hương - trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo, khoa kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM - đề xuất cần có cơ chế đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các báo cáo chuyên đề hằng năm.
Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các nhà nghiên cứu có thời gian tập trung chuyên môn thực hiện các sản phẩm của đề tài.
Ngoài ra, đối với những đề tài không được xét duyệt, TS Thanh Hương cũng mong nhận được những nhận xét, phản hồi cụ thể từ hội đồng chuyên gia để các nhà khoa học biết được điểm mạnh, điểm yếu của đề tài, từ đó sửa đổi và hoàn thiện hơn trong tương lai.
Nộp hồ sơ đề tài trực tuyến
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, trong giai đoạn tới, ban chủ nhiệm chương trình sẽ hướng đến thực hiện công khai, minh bạch quá trình tuyển chọn, thực thi, giám sát, nghiệm thu các đề tài, nhiệm vụ.
Đồng thời, cải tiến, tin học hóa các thủ tục hành chính, giúp các nhà khoa học có thể đăng ký và nộp hồ sơ đề tài qua hình thức trực tuyến.
Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước
Được biết, Chương trình “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC.4.0/19-25, là một trong các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2019-2025 do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý.
Chương trình có mục tiêu chính là nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ thí điểm đổi mới một số mô hình quản trị, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chủ chốt theo hướng chuyển đổi số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận