17/10/2024 19:18 GMT+7

Hơn 50% sản lượng lương thực toàn cầu bị đe dọa do khủng hoảng nước

Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chu trình nước trên toàn cầu bị mất cân bằng, đe dọa hơn một nửa sản lượng lương thực của thế giới.

Hơn 50% sản lượng lương thực toàn cầu bị đe dọa do khủng hoảng nước - Ảnh 1.

Đất đai khô cằn ở nhiều khu vực vì thiếu nước - Ảnh: REUTERS

Đài CNN cho biết nhân loại đã khiến chu trình nước trên toàn cầu đảo lộn lần đầu tiên trong lịch sử, gây ra một thảm họa về nước có khả năng tàn phá nền kinh tế, sản xuất lương thực và cuộc sống con người.

Áp lực chưa từng có

Theo báo cáo mang tính đột phá được Ủy ban Toàn cầu về kinh tế nước (GCEW) công bố ngày 16-10, trong nhiều thập kỷ tàn phá đất, lãng phí nước cùng khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đã đặt “áp lực chưa từng có” lên chu trình nước toàn cầu.

Các hành động như quản lý nước kém, khai thác đất và phá hủy hệ sinh thái tự nhiên đã làm giảm khả năng lưu trữ nước, dẫn đến khan hiếm nước cho hơn 3 tỉ người trên thế giới.

Biến đổi khí hậu cũng góp phần gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, khiến lượng mưa trở nên không ổn định. Đồng thời nhu cầu nước ngày càng tăng, trong khi nguồn cung cấp bị giảm sút cũng góp phần tạo ra áp lực nghiêm trọng lên chu trình nước.

Báo cáo chỉ ra cuộc khủng hoảng nước đã đe dọa hơn 50% sản lượng lương thực toàn cầu và có thể làm giảm tới 8% GDP các nước trên thế giới cho tới năm 2050. Con số này thậm chí sẽ lên đến 15% ở các quốc gia có thu nhập thấp.

“Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta đẩy chu trình nước ra khỏi trạng thái cân bằng. Ta thậm chí còn không thể trông cậy vào lượng mưa, nguồn gốc của toàn bộ các loại nước ngọt trên Trái đất”, đồng chủ tịch GCEW và là tác giả của báo cáo, Johan Rockström, bày tỏ lo ngại.

Ông Richard Allan, giáo sư chuyên ngành khí hậu tại Đại học Reading (Anh), miêu tả báo cáo đã “khắc họa bức tranh u ám về sự gián đoạn chu trình nước toàn cầu do con người gây ra, trong khi đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên cuối cùng và quý giá nhất hỗ trợ sinh kế của chúng ta”.

Theo ông Allan, các hoạt động của con người đã làm thay đổi cấu trúc của đất và không khí khiến khí hậu nóng lên, gia tăng cả các hiện tượng ẩm và khô một cách cực đoan và làm lệch các mô hình gió và mưa.

Các biện pháp ngăn chặn

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng có thể được giải quyết bằng các biện pháp quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và cắt giảm lượng khí thải gây nóng lên toàn cầu, ông Allan nói thêm.

Báo cáo kêu gọi một “cuộc tái cấu trúc cơ bản về vị trí của nước trong nền kinh tế”, bao gồm việc định giá nước tốt hơn để ngăn chặn các hành vi như lãng phí nước, trồng các loại cây cần nhiều nước hoặc xây dựng các trung tâm dữ liệu ở những vùng thiếu nước - vốn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước .

“Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu là một bi kịch, nhưng cũng là một cơ hội để chuyển đổi nền kinh tế nước”, bà Ngozi Okonjo Iweala, tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới và là đồng chủ tịch GCEW, đưa ra khuyến cáo.

Việc định giá nước một cách hợp lý là rất quan trọng, bà nói thêm, “để nhận ra sự khan hiếm của nước và những lợi ích mà nó mang lại”.

Chu trình nước là khái niệm chỉ hệ thống phức tạp miêu tả quy trình nước chảy xung quanh Trái đất.

Theo đó, nước bốc hơi từ mặt đất - bao gồm cả từ các hồ, sông và thực vật - rồi bay vào khí quyển, tạo thành các dòng sông hơi nước lớn có khả năng di chuyển xa, sau đó làm nguội, ngưng tụ và cuối cùng rơi trở lại mặt đất dưới dạng mưa hoặc tuyết.

Hơn 50% sản lượng lương thực toàn cầu bị đe dọa do khủng hoảng nước - Ảnh 3.Khủng hoảng nước ở Hy Lạp đe dọa các thiên đường du lịch trong mùa cao điểm

Việc thiếu nước nghiêm trọng tại Hy Lạp đang làm ảnh hưởng đến một số hòn đảo của quốc gia này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên