Tại lễ phát động, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường theo thông lệ sẽ được tổ chức từ ngày 29-4 đến 6-5 hằng năm. Tuy nhiên năm nay bộ tổ chức phát động sớm vì nhiều địa phương đang cao điểm của hạn mặn.
"Cả nước hiện có 18.000 công trình cung cấp nước sạch ở nông thôn. Tuy nhiên trong đó có đến 30% công trình không hiệu quả. Chúng ta quyết tâm không để một trẻ em nào ở nông thôn không có nước sạch sử dụng. Nguồn nước hiện nay rất hữu hạn, nên cần phải sử dụng hợp lý và hiệu quả", ông Hiệp đề nghị.
Đến nay 92% dân số nông thôn đã có nước sạch hợp vệ sinh sử dụng. Tuy nhiên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn hơn 50.000 hộ gia đình đang thiếu nước sạch và phải sử dụng các giải pháp khác nhau để đảm bảo có nước sinh hoạt. Trong đó, tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 hộ gia đình đang thiếu nước ngọt sử dụng.
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - kêu gọi các cấp chính quyền tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về sử dụng nước sạch, bảo vệ nguồn nước, trồng thêm cây xanh, vệ sinh môi trường sống và cộng đồng.
Dịp này Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc triển khai chương trình hành động sớm hỗ trợ người dân tăng cường khả năng ứng phó và giảm thiểu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn tại các xã Khánh An, Khánh Thuận, huyện U Minh, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời và xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Chương trình hỗ trợ gần 5,5 tỉ đồng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ đó nâng cao khả năng chống chịu và giảm thiểu tác động bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Chương trình cũng tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức trong sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận