Đo thân nhiệt cho người ra vào khám chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - Ảnh: H.M
Theo bác sĩ Ngô Đức Tuấn - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh nhân 669 là bác sĩ L.Đ.N. - trưởng khoa ung bướu của bệnh viện. Sau khi bác sĩ L.Đ.N. và vợ là P.T.T.N. (bệnh nhân 595, tiếp xúc với bệnh nhân 510 ở Bệnh viện Đà Nẵng) trở về từ Đà Nẵng, bệnh viện đã cập nhập đầy đủ quá trình tiếp xúc để đưa ra các biện pháp phòng dịch.
Cụ thể, trước khi Bộ Y tế công bố, cả bác sĩ L.Đ.N. và vợ đã được đưa đi cách ly và điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Tiếp đó, ngành y tế đã truy vết, lập danh sách và xét nghiệm kiểm tra tất cả nhân viên y tế tại bệnh viện, bệnh nhân… có tiếp xúc gần với bác sĩ N. sau khi ông này trở về từ Đà Nẵng.
"Hiện tất cả gần 200 người tiếp xúc gần với bác sĩ N. có kết quả xét nghiệm âm tính. Ngoài ra, tối nay vừa có kết quả hơn 200 người có tiếp xúc xa với bác sĩ cũng âm tính lần 1", bác sĩ Tuấn cho hay.
Theo bác sĩ Tuấn, do bác sĩ N. về mổ trong bệnh viện, tiếp xúc với nhiều người nên Bệnh viện Đồng Nai đã sớm cách ly khoa ung bướu. Hiện gần 200 người tiếp xúc gần cũng đã được cách ly, theo dõi.
Đồng Nai đang tiếp tục truy vết, xét nghiệm những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân 595, 669 - Ảnh: BÌNH AN
Cùng ngày, đại diện Viện Pasteur TP.HCM cũng đánh giá bệnh nhân 669 có khả năng lây lan thấp. Tuy nhiên, quan điểm của Ban chỉ đạo tỉnh Đồng Nai là phải truy vết, xét nghiệm rộng, khoanh vùng, chống dịch để người dân và cán bộ, nhân viên an tâm làm việc.
Bác sĩ Tuấn cho hay Bệnh viện Đồng Nai có khoảng 2.200 cán bộ, nhân viên đang làm việc và hơn 6.000 bệnh nhân (4.500 người khám ngoại trú, 1.600 người nội trú) nên hiện nay vẫn tiếp tục truy vết kể cả nhân viên, người bệnh, người nhà ra vào bệnh viện "để tránh những sai sót nhỏ có thể xảy ra trong chống dịch".
Trong thời gian có kết quả âm tính, vợ chồng bác sĩ N. có lây bệnh cho cộng đồng?
Đoàn kiểm tra Bộ Y tế làm việc với tỉnh Đồng Nai nghe báo cáo kiểm soát tình hình dịch bệnh - Ảnh: A LỘC
Chiều 4-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai đã thông tin với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về lịch trình đi lại của bệnh nhân 669, bác sĩ L.Đ.N.
Cụ thể, ngày 19-7, trước khi phát hiện dương tính, bác sĩ N. đi với vợ là bệnh nhân 595 ra Bệnh viện Đà Nẵng, có ghé thăm, tiếp xúc gần bệnh nhân 510. Ngày 20-7, bác sĩ N. về lại Đồng Nai.
Ngày 21-7, bác sĩ N. đi tập huấn ở Bệnh viện Chợ Rẫy; từ ngày 22 đến ngày 25-7 làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (hội chẩn, mổ nhiều ca bệnh), đi ăn tối rồi làm việc ở phòng mạch (tại đường Hồ Văn Đại, phường Quang Vinh)...
Khi vợ bác sĩ N. được công bố mắc bệnh, bác sĩ N. cũng đi cách ly. Qua 2 lần xét nghiệm, bác sĩ N. đều âm tính. Tuy nhiên, ngày 3-8, kết quả xét nghiệm dương tính.
Ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - thắc mắc trước khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, hai vợ chồng đều có kết quả âm tính. Vậy thời điểm những bệnh nhân này đang âm tính thì có nguy cơ lây lan ra cộng đồng hay không?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Thượng - phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết thông thường những ca nhiễm COVID-19 có nguy cơ lây lan trong cộng đồng trước 3 ngày tính từ thời gian khởi phát bệnh và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Do đó, những người tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 trước khoảng 3 đến 5 ngày sẽ thuộc nhóm có nguy cơ thấp, còn những người tiếp xúc với người nhiễm từ trước 3 ngày thuộc nhóm nguy cơ cao, cần được cách ly, theo dõi sức khỏe tại những khu cách ly tập trung.
Ông Nguyễn Vũ Thượng cho rằng Đồng Nai có thuận lợi là có ca bệnh nhưng biết rõ nguồn gốc nên đã vào cuộc sớm, thực hiện cách ly, truy vết, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Ông Thượng cũng lưu ý Đồng Nai tập trung mọi nguồn lực chống COVID-19 khiến một số lĩnh vực khác bị ảnh hưởng, nhưng cần tập trung giãn cách lượng bệnh nhân trong các cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý đến những người cao tuổi không để lây chéo bệnh trong bệnh viện. Các cơ sở y tế tập trung giám sát sàng lọc, vì đây là bước hết sức quan trọng giúp phát hiện sớm các ca bệnh... (A LỘC)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận