Nghiên cứu vắc xin Sputnik V tại Viện Gamaleya - Ảnh: Sputnik V
Tất cả những người này đều được lựa chọn ngẫu nhiên để kiểm tra tính hiệu quả, khả năng sinh miễn dịch và sự an toàn của loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo trực tuyến được tổ chức bởi Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) và Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh quốc gia Nga Gamaleya - đơn vị chịu trách nhiệm phát triển vắc xin Sputnik V chiều 20-8 (giờ Nga), thu hút sự tham gia của hơn 300 nhà báo từ 50 quốc gia, bao gồm phóng viên báo Tuổi Trẻ.
GS Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya, đồng thời là thành viên của Viện hàn lâm Khoa học Nga, cho biết Spunik V được phát triển dựa trên công nghệ adenovirus vector, một trong những loại vector được sử dụng nhiều nhất trong công nghệ gen. Đây là công nghệ vắc xin đã được Gamaleya bắt đầu nghiên cứu từ năm 1953.
"Kể từ khi đại dịch COVID-19 nổ ra, các nhà nghiên cứu Nga đã cố gắng trích xuất gen mã hóa từ gai của virus corona sau đó gắn vào một adenovirus vector để chuyển vào tế bào của người", ông Gintsburg chia sẻ.
Dự kiến, người sử dụng vắc xin COVID-19 sản xuất theo công nghệ này sẽ phải tiêm hai mũi, sử dụng hai loại vectors khác nhau là Ad5 và Ad26. Bằng cách này, chúng sẽ "đánh lừa" cơ thể người, kích thích miễn dịch đối với loại vector đầu tiên và tăng tính hiệu quả của vắc xin với mũi thứ hai sử dụng vector khác, theo ông Gintsburg.
"Thử nghiệm vắc xin Ebola sử dụng adenovirus vector trên 2.000 người ở Guinea cho thấy tác dụng bảo vệ trong ít nhất 2 năm. Chúng tôi hi vọng khả năng tương tự ở vắc xin COVID-19 này", GS Ginstburg nói.
Trả lời hoài nghi của báo chí về tính an toàn của vắc xin sử dụng adenovirus vector, Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành RDIF, nói rằng những vắc xin dạng này được chứng minh không có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe trong hơn 75 nghiên cứu và 250 thử nghiệm lâm sàng khác nhau. Thậm chí, chúng đã được sử dụng rộng rãi bởi quân đội Mỹ từ năm 1971 và được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này thừa nhận vào năm 2011.
"Hơn 10 triệu binh sĩ Mỹ đã được tiêm các vắc xin adenovirus", ông Dmitriev khẳng định.
Cũng theo ông Dmitriev, hơn 1 tỉ liều vắc xin SputnikV đã được đặt hàng từ khắp các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông và Mỹ Latin. Do đó, Nga đang xem xét các kế hoạch sản xuất vắc xin này ở 5 quốc gia khác.
Nhấm mạnh rằng hợp tác quốc tế là rất cần thiết trong ứng phó với đại dịch, ông Dmitriev chia sẻ rằng Nga rất cởi mở trong việc đem vắc xin này đến những nơi cần nhất.
"Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào cách các nước hiểu như thế nào về cách thức hoạt động của vắc xin do Nga sản xuất", ông bày tỏ.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Sputnik V là vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới và con gái ông cũng đã được tiêm thử nghiệm.
Dù đã được đăng ký, vắc xin này vẫn chưa hoàn tất quá trình thử nghiệm trước khi sản xuất hàng loạt.
Theo thông tin từ giám đốc RDIF, dự kiến Sputnik V sẽ được đưa ra thị trường Nga vào tháng 11, 12 năm nay.
Bộ Y tế Việt Nam cho biết Việt Nam đã đặt hàng vắc xin từ Nga với số lượng dao động ở khoảng 50 đến 150 triệu liều, trong đó một phần là phía Nga tặng, phần còn lại là Việt Nam trả tiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận