Tính ra mỗi tháng, số tiền thu được khoảng 370 tỉ đồng từ đấu giá biển số.
Cần nghiên cứu tăng nặng chế tài đối với người bỏ cọc
Là người đầu tiên hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với biển số trúng đấu giá trong cuộc đấu giá đầu tiên hôm 15-9, anh Nguyễn Thạc Đức (sinh năm 1978, ở Gia Lâm, Hà Nội) cho biết tới nay nhiều người vẫn dành sự chú ý cho dãy số khi anh lái xe ra đường.
Bỏ ra số tiền 4,27 tỉ đồng, anh Đức đã gắn biển số 99A-666.66 lên chiếc Mercedes GLS 400 để đi lại. Anh cảm thấy thỏa mãn với đam mê và mức giá trên đối với anh là hợp lý. "Mình vừa được sở hữu dãy số như ý, tiền đó cũng vào ngân sách nhà nước. Tôi thấy công khai, minh bạch, không có gì phải lăn tăn", anh Đức nói.
Anh Nguyễn Thạc Đức cũng đánh giá cao việc đơn vị chức năng liên tục cải tiến hình thức đấu giá như: mỗi cuộc đấu giá rút ngắn còn 30 phút; biển số chỉ có một người đăng ký thì sẽ thuộc về người đó ngay, không cần đưa ra đấu giá.
Tuy nhiên, anh cũng bày tỏ băn khoăn về những trường hợp cố tình đẩy giá cao rồi bỏ cọc. Biển số sau đó được đưa về đấu giá lại, nhưng điều này sẽ gây mất thời gian cho những người thật sự muốn sở hữu. Mức phạt chế tài đối với những trường hợp này là 40 triệu đồng (số tiền cọc) cũng được đánh giá là chưa tương xứng.
Đồng quan điểm, anh Ngô Hùng (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng nặng chế tài đối với những trường hợp "phá sàn" này. "Tôi cho rằng nên phạt ở mức 5% -10% số tiền người này đăng ký đấu giá, như vậy sẽ tạo tính răn đe", anh Hùng nói và cho hay trong năm 2024, anh sẽ tiếp tục tham gia đấu giá biển số để gắn lên chiếc ô tô điện của vợ mình.
Ngoài ra, anh Ngô Hùng cũng mong muốn sau khi hết thời hạn thí điểm hai năm, việc đấu giá biển số sẽ được gia hạn thêm để tăng tính công khai, minh bạch, đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Sử dụng tiền trúng đấu giá ra sao?
Đến nay, đã có hai lần Bộ Công an niêm yết các dải số mới để người dân lựa chọn đấu giá. Lần thứ nhất có hơn 153.000 dải số và lần thứ hai khoảng 288.000. Nguyên tắc đưa biển số lên sàn niêm yết là cơ quan chức năng lấy toàn bộ dải số của địa phương được đưa ra đăng ký trong thời gian tới.
Ví dụ, với dải số của TP.HCM, trong phiên thứ nhất lực lượng chức năng sẽ lấy từ dải số 51K-000.01 đến 51K-999.99 để niêm yết. Tới phiên thứ hai, dải số được lấy sẽ là 51L-000.01 đến 51L-999.99.
Với các tỉnh, thành có ít phương tiện đăng ký hơn, số lượng niêm yết mỗi phiên sẽ được điều chỉnh, tuy nhiên vẫn đảm bảo xuất hiện đầy đủ các dãy số theo thứ tự.
Do vậy, cơ quan chức năng cho rằng người dân sẽ không cần lo lắng bởi ý kiến "những biển số đẹp đã được đấu giá hết".
Số tiền bán đấu giá biển số ô tô cũng được Chính phủ quy định nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương. 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe được dùng phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ thực hiện công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đảm bảo an ninh trật tự.
Nhu cầu còn lớn
Hơn 15.000 biển số xe đã được đấu giá thành công với tổng số tiền thu được hàng ngàn tỉ đồng.
Suốt gần ba thập niên qua, dư luận, báo chí nhiều lần bức xúc đặt câu hỏi vì sao xe sang thì toàn có biển số đẹp hay câu chuyện "cò" biển số nhan nhản tại các trung tâm đăng ký xe.
Câu chuyện đấu giá biển số đẹp cho thấy nhu cầu người dân là có thật trong khi Nhà nước có khoản thu không nhỏ mỗi năm.
Chỉ riêng mảng ô tô, sau 4 tháng đã thu được 1.500 tỉ đồng, nếu mở rộng đại trà, số tiền thu được có thể sẽ nhiều hơn, bởi nhu cầu còn rất lớn, nhất là những người có xe sang, đắt tiền, có điều kiện về kinh tế và sở thích cá nhân. Và đây cũng là cách giảm thiểu tiêu cực liên quan đến biển số xe, kể cả xe gắn máy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận