02/02/2018 09:18 GMT+7

Hơn 4.300 người Việt đăng ký cùng luật sư kiện Apple

TÂM LỤA - HOA KIM
TÂM LỤA - HOA KIM

TTO - TAND TP.HCM đang xem xét đơn của hai luật sư VN khởi kiện Tập đoàn Apple (Apple Inc) tại Mỹ, có trụ sở đại diện ở VN. Các luật sư này khởi kiện nhà sản xuất làm chậm điện thoại iPhone khi người dùng cập nhật hệ điều hành mới.

Hơn 4.300 người Việt đăng ký cùng luật sư kiện Apple - Ảnh 1.

Người dùng điện thoại iPhone cho biết do cập nhật phần mềm mới nên điện thoại này bị chạy chậm lại - Ảnh: T.T.D.

Hai luật sư khởi kiện Công ty Apple là Nguyễn Ngọc Hùng và Trần Mạnh Tùng (Đoàn luật sư Hà Nội). Đơn kiện được gửi ngày 10-1, nhưng đến nay chưa được tòa án trả lời về việc có thụ lý hay không.

Người tiêu dùng bị thiệt hại

Tại đơn khởi kiện, nguyên đơn cho biết cuối tháng 12-2017, đại diện Apple Inc chính thức thông báo xin lỗi người tiêu dùng trên toàn thế giới về việc làm chậm các phiên bản điện thoại iPhone 6, iPhone 6 Plus, iPhone 6s, iPhone 7, iPhone 7 Plus và iPhone SE mà không hề thông báo trước. 

Việc này được công khai đăng trên website của hãng, nhưng không kèm theo các chính sách bồi thường thiệt hại hay giải pháp khắc phục lỗi. Không những vậy, Apple Inc còn đưa ra những khuyến nghị thay pin để đảm bảo hiệu suất máy. 

Phía nguyên đơn cho rằng việc phát tán hệ điều hành mới buộc người tiêu dùng phải đưa ra lựa chọn: phải thay pin mới hoặc phải mua điện thoại mới. Điều này dẫn đến hệ quả giá trị tài sản (là điện thoại) của người tiêu dùng bị giảm xuống, đưa đến các thiệt hại khác về kinh tế.

Nhận thấy các vấn đề nêu trên là vấn đề khuyết tật kỹ thuật của sản phẩm do nhà sản xuất tạo ra một cách cố ý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng và luật sư Trần Mạnh Tùng đề nghị TAND TP.HCM căn cứ vào pháp luật của VN để bảo vệ toàn bộ quyền lợi của người VN. 

Theo nguyên đơn, nhà sản xuất vi phạm khoản 3, điều 12 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa.

Tại đơn khởi kiện, hai nguyên đơn yêu cầu tòa án buộc bị đơn đưa ra các giải pháp sửa chữa, khắc phục hậu quả, đồng thời bồi thường thiệt hại và ngăn chặn việc gây thiệt hại cho người dùng khi cập nhật các phần mềm, hệ điều hành mới dành cho điện thoại iPhone. 

Đối với những sản phẩm bị lỗi, khuyết tật về mặt kỹ thuật, nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. 

Cụ thể, Apple cần sửa chữa phần mềm, hệ điều hành để điện thoại của người tiêu dùng VN trở về đúng hiệu năng trước khi bị lỗi về kỹ thuật do Apple gây ra.

Kèm theo đơn khởi kiện là hồ sơ dài hơn 600 trang được gửi đến tòa án gồm giấy tờ tùy thân của nguyên đơn, bộ tài liệu nhận lỗi của nhà sản xuất khẳng định việc làm chậm iPhone khi cập nhật phần mềm mới, DVD chứa video chứng minh hiệu suất của iPhone bị giảm khi cập nhật hệ điều hành mới.

Hơn 4.300 người Việt đăng ký cùng luật sư kiện Apple - Ảnh 2.

Apple vướng phải rắc rối khi phần mềm của điện thoại iPhone bị giảm hiệu năng làm iPhone chạychậm lại - Ảnh: HỮU THUẬN

4.300 người đăng ký khởi kiện

Ngày 10-1, TAND TP.HCM cho biết đã nhận được đơn khởi kiện của ông Nguyễn Ngọc Hùng và ông Trần Mạnh Tùng. 

Tòa án hẹn nguyên đơn sau 8 ngày làm việc đến tòa nhận kết quả xử lý đơn. Tuy nhiên, khi đến hẹn, TAND TP.HCM hẹn lại nguyên đơn đến ngày 1-2 sẽ trả lời có thụ lý vụ kiện hay không. Theo tòa, hồ sơ khởi kiện quá dày, cần có thời gian nghiên cứu.

Sáng 1-2, người đại diện ủy quyền của nguyên đơn có mặt tại tòa án theo lịch hẹn. Tuy nhiên, thư ký phiên tòa thông báo bằng miệng cho đại diện nguyên đơn biết phải bổ sung 5 vấn đề theo đơn khởi kiện gồm: 

- Đối tượng khởi kiện là Công ty Apple tại VN hay trụ sở chính tại Mỹ; 

- Bổ sung chứng cứ pháp lý của Công ty Apple tại VN; 

- Các đơn khởi kiện của một số đương sự tại Mỹ mà nguyên đơn nộp kèm hồ sơ thì bắt buộc phải có nguồn gốc chứng minh; 

- Các tài liệu dịch thuật phải đóng dấu của công ty dịch thuật; 

- Các chứng cứ chứng minh quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm. 

Đại diện ủy quyền của nguyên đơn không đồng ý việc tòa yêu cầu bổ sung đơn khởi kiện bằng miệng, đề nghị ra văn bản. Sau đó, tòa án tiếp tục hẹn sẽ trả lời về vụ việc vào ngày 12-2.

Ngay trong ngày 1-2, luật sư Hùng có đơn khiếu nại gửi TAND TP.HCM đề nghị sớm thụ lý vụ án. Lý do: quá thời hiệu theo quy định nhưng tòa án vẫn chưa trả lời về việc thụ lý vụ án.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết ông muốn thông qua vụ kiện này để người tiêu dùng VN biết quyền và lợi ích hợp pháp của họ đang bị xâm hại. 

"Tính riêng tại VN, doanh thu của Apple mỗi năm lên tới 1 tỉ USD nhưng hàng triệu người dùng gặp vấn đề liên quan đến sản phẩm lại không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Chính sách chăm sóc hậu mãi của Apple tại VN rất kém so với các thị trường khác. 

Đây cũng không phải lần đầu Apple có cách ứng xử chưa thỏa đáng với khách hàng của mình tại VN. Chúng tôi cũng có đầy đủ dẫn chứng, lý lẽ để đòi hỏi quyền lợi hợp pháp của mình với tư cách là khách hàng của Apple" - luật sư Hùng cho biết.

Lý giải về việc khởi kiện Tập đoàn Apple có trụ sở ở Mỹ, ông Hùng nói hiện nay Tập đoàn Apple có Công ty TNHH Apple VN là đại diện. Theo tố tụng, nguyên đơn được quyền lựa chọn các cơ quan tòa án ở VN để giải quyết. 

Phía nguyên đơn cũng đã lập website batterydown.vn để những người dùng iPhone tại VN nếu gặp tình huống tương tự có thể đăng ký để tham gia vụ kiện. 

Theo số liệu thống kê trên web, tính đến chiều 1-2, có hơn 4.300 người đăng ký tham gia khởi kiện cùng các luật sư tại VN.

Bị kiện ở khắp nơi

Theo CNN, chưa đầy một tháng sau khi Apple chính thức xin lỗi do cố tình làm chậm các thiết bị iPhone, hơn 30 đơn kiện được nộp đến các tòa án trên khắp nước Mỹ yêu cầu hãng này bồi thường, với các cáo buộc kinh doanh không sòng phẳng và vi phạm hợp đồng.

Tại Hàn Quốc, một nhóm có tên gọi "Công dân thống nhất vì quyền lợi người tiêu dùng" đại diện hơn 120 người đứng đơn tập thể kiện Apple và các văn phòng của hãng này ở xứ sở kim chi, đòi bồi thường thiệt hại với số tiền phải trả cho mỗi người lên đến 2,2 triệu won (hơn 46 triệu đồng).

Đơn kiện của nhóm này không chỉ là tranh chấp dân sự, mà còn cáo buộc Apple vi phạm Luật hình sự với tội danh "phá hoại tài sản".

Trong khi đó, Văn phòng công tố viên ở thủ đô Paris của Pháp đã mở cuộc điều tra về việc Apple cố tình làm chậm iPhone, sau khi một nhóm người nộp đơn khiếu nại lên nhà chức trách.

Theo luật pháp nước này, việc cố tình làm ngắn đi dòng đời của sản phẩm khiến người tiêu dùng bỏ tiền mua sản phẩm mới được xem là một tội danh có thể bị truy tố, mức án dành do người có trách nhiệm lên đến 2 năm tù giam cùng khoản tiền phạt tương đương 5% doanh số mỗi năm của công ty.

"Với giá tiền mỗi chiếc điện thoại lên đến hơn 1.200 euro (gần 34 triệu đồng), hành vi của Apple là không thể chấp nhận được và họ phải trả giá cho hành động đó" - CNN dẫn lời bà Laetitia Vasseur, người đồng sáng lập nhóm người kiện Apple.

Hồi giữa tháng 1, Cơ quan chống độc quyền của Ý cũng mở cuộc điều tra chính thức vào "vụ bê bối hiệu suất iPhone".

Cuộc điều tra của nhà chức trách Ý không chỉ nhắm vào Apple, mà còn bao gồm cả đối thủ của họ là Samsung nhằm xem hai hãng này có lợi dụng các phiên bản cập nhật phần mềm để cố ý làm chậm thiết bị của khách hàng hay không.

Theo Reuters, cơ quan này đặt nghi vấn Apple và Samsung âm thầm thực hiện "một chính sách thương mại lợi dụng sự thiếu sót một số linh kiện để kéo giảm hiệu năng các sản phẩm nhằm khiến người tiêu dùng phải mua các phiên bản mới hơn".

TÂM LỤA - HOA KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên