Theo đó, số tiền hơn 82 tỉ đồng sẽ chia theo tỉ lệ cho hơn 4.000 bị hại trong vụ án Alibaba. Những người này sẽ nhận được tiền bồi thường trong thời gian sắp tới.
Đối với các tài sản đã bị kê biên để đảm bảo thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã có kế hoạch ủy thác xử lý tài sản cho các cơ quan thi hành án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận.
Theo nội dung vụ án, Công ty địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện thành lập, hoạt động kinh doanh bất động sản.
Luyện thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên, trong đó sử dụng 12 công ty với tư cách là chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Vũng Tàu và Bình Thuận; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật; quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.
Để chiếm đoạt tài sản số tiền đặc biệt lớn, Luyện đã xây dựng phương thức kinh doanh dựa trên các dự án không có thực, không được chính quyền địa phương cho phép, tự đặt tên và vẽ ra trên đất nông nghiệp.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện còn sử dụng thủ đoạn cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng dưới dạng đất nền thổ cư của Công ty Alibaba đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư như cam kết.
Bằng các thủ đoạn trên, Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm đã chiếm đoạt gần 2.500 tỉ đồng của 4.560 khách hàng.
Về hành vi rửa tiền, sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thi hành lệnh bắt và khám xét toàn bộ trụ sở, chi nhánh Công ty Alibaba, Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) đã chỉ đạo cấp dưới chuyển toàn bộ gốc và lãi 13,9 tỉ đồng trong một sổ tiết kiệm vào tài khoản cá nhân của Mai.
Sau đó Mai chuyển khoản cho Nguyễn Thái Lực, nhờ Lực rút tiền mặt đưa lại cho Mai. Mai dùng 1,7 tỉ đồng để tất toán khoản vay ngân hàng, 12 tỉ đồng còn lại sử dụng cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận