Lần đầu tiên...
Hơn 30.000 doanh nghiệp bao gồm các nhà máy, khách sạn, nhà hàng... đã đăng ký gặp gỡ trực tiếp với 40 nhà cung cấp lớn như Wilmart, Unilever, Vinamilk... để tìm hiểu các sản phẩm đặc trưng, giá cả cũng như giải pháp giỏ quà tặng Tết với giá tốt.
Các sản phẩm thiết yếu từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô đến phi thực phẩm, với mẫu mã dành riêng cho Tết 2024 sẽ xuất hiện trong các giỏ quà Tết dành tặng người lao động, đối tác của họ.
Đại diện MM Mega Việt Nam, đơn vị tổ chức hội chợ, cho biết đây là lần đầu tiên một hội chợ dành cho khách hàng trọng tâm doanh nghiệp này được tổ chức.
Cũng có thể xem đây là chiến lược mới trong bối cảnh thị trường Tết năm nay được đánh giá khó đoán, việc dự trữ hàng hóa Tết cũng như thiết kế giá phải rất cẩn trọng.
"Điểm mới trong chiến lược mua sắm cuối năm và Tết 2024 là chúng tôi chủ động giới thiệu hàng hóa sớm cho các nhà mua hàng doanh nghiệp, giúp họ sớm đánh giá lại tài chính, đặt hàng sớm trước giai đoạn cao điểm để mua sắm tiết kiệm, cân đối nguồn hàng, giá cả bình ổn", đại diện MM Mega Market cho biết.
Xu hướng tặng giỏ quà thế nào?
Theo nhà bán lẻ này, khó khăn kinh tế và sự cân nhắc của các doanh nghiệp thể hiện rõ qua cách chọn giỏ quà Tết. Tỉ lệ giỏ quà có hàng khuyến mãi được chọn chiếm áp đảo, sau đó mới đến giỏ quà ít có sản phẩm khuyến mãi hơn.
Một số nhà cung cấp tham gia chương trình bán hàng Tết cũng đánh giá thị trường năm nay khởi động chậm, nhưng tiêu thụ trong dịp Tết bao giờ cũng tăng ít nhất 30-40% so với ngày thường. Do đó, việc dự trữ hàng hóa luôn được chuẩn bị từ sớm, giúp ổn định giá cả.
Báo cáo mới đây của Kantar Worldpanel về thị trường mua sắm cuối năm cũng dự đoán dù các đợt tăng giá hàng hóa đã hạ nhiệt nhưng sức tiêu thụ vẫn ở mức thấp, một số ngành hàng còn tăng trưởng âm.
Người tiêu dùng vẫn rất thận trọng trong chi tiêu, dự báo nhiều sóng gió cho mùa tiêu dùng cuối năm.
Về kênh mua sắm Tết, các mô hình bán lẻ hiện đại vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định hai chữ số. Tỉ trọng của kênh bán lẻ truyền thống dù vẫn chiếm đa số nhưng đang dần giảm theo thời gian.
Theo ông Nguyễn Anh Đức - chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trong những tháng cuối năm, để thị trường nội địa duy trì đà tăng mạnh, cần các chính sách tập trung vào doanh nghiệp nhiều hơn.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được hoạch định, triển khai sớm hơn, liên tục, dài hơi hơn. Các ngành, các hiệp hội cũng cần liên kết, trở thành "người tiêu dùng" của nhau, như du lịch hợp lực với thương mại tạo nên sự phát triển, sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận