Được khởi công từ giữa tháng 7-2023, dự án đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 có tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỉ đồng.
Vì sao dự án hơn 3.200 tỉ ở cửa ngõ phía nam Hà Nội thi công cầm chừng?
Dự án gồm 3 hợp phần gồm: nút giao bán hoa thị với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao vành đai 3 và tuyến đường nối giữa 2 nút giao này dài khoảng 3,4km với 10 làn xe.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng sẽ xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, đường gom. Đây được coi là công trình "giải cứu" tình trạng ùn tắc tại phía nam Hà Nội.
Sau hơn 1 năm khởi công, các nhà thầu chỉ có thể làm việc trên phạm vi dải đất hẹp ven cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và vành đai 3. Khu vực này đã hết công địa thi công từ nhiều tháng qua, khiến máy móc gần như không hoạt động, lác đác vài công nhân làm việc cầm chừng.
Hợp phần tuyến đường dài 3,4km chưa được triển khai. Trong đó mặt bằng dự án 70% là ao hồ, phải thi công trên nền đất yếu, di chuyển đường điện 220kV nên đòi hỏi thời gian thi công dài. Trong khi đó theo kế hoạch, dự án chỉ còn 1 năm nữa phải hoàn thành toàn bộ (năm 2025).
Nguyên nhân được chỉ ra là UBND huyện Thanh Trì và UBND quận Hoàng Mai chưa thể hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, công trình này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp giải tỏa ùn tắc tại nút giao đầu cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Dịp lễ Tết và giờ cao điểm, điểm ùn tắc này thường kéo dài nhiều km do nút giao cuối tuyến chưa được hoàn chỉnh. Trong kỳ nghỉ lễ 2-9 sắp tới, đây được dự báo là điểm nóng ùn tắc lớn nhất trong các cửa ngõ ra, vào Hà Nội.
Điểm đầu của dự án là cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì). Nhiều tháng qua tại đây không có dấu hiệu tiến triển, máy móc gần như nằm im, công nhân làm việc cầm chừng - Ảnh: HỒNG QUANG
Để thi công dự án, đường Tứ Hiệp và đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị chặn lại, đào xới ngổn ngang. Điều này khiến việc đi lại của người dân quanh vùng gặp nhiều bất tiện và tài xế thiếu đi lựa chọn (đi ra đường gom) khi cao tốc gặp ùn tắc - Ảnh: HỒNG QUANG
Mặt bằng dự án 70% là ao hồ, phải thi công trên nền đất yếu, di chuyển đường điện 220kV nên đòi hỏi thời gian thi công dài. Trong khi đó theo kế hoạch, dự án chỉ còn 1 năm nữa phải hoàn thành toàn bộ (năm 2025) - Ảnh: HỒNG QUANG
Một phần lòng đường vành đai 3 bị rào chắn khiến việc đi lại gặp khó khăn. Phía trong, máy móc gần như không hoạt động đáng kể, chỉ một số công nhân làm việc cầm chừng - Ảnh: HỒNG QUANG
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là cửa ngõ giao thông nóng nhất về ùn tắc trong giờ cao điểm và các kỳ nghỉ lễ ở Hà Nội - Ảnh: HỒNG QUANG
Nhiều dự án giao thông trọng điểm khác của Hà Nội cũng vướng mặt bằng
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai có tổng vốn đầu tư trên 8.100 tỉ đồng được khởi công vào tháng 12-2022, đến nay toàn dự án mới giải ngân được 7,7% kế hoạch vốn. Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong 3 tháng gần nhất dự án này giải ngân được 0,6%.
Dự án đường cao tốc đại lộ Thăng Long (đoạn quốc lộ 21 đến đường Hòa Lạc - Hòa Bình) có tổng mức đầu tư 5.200 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 10-2023, sau gần 1 năm mới giải ngân được 7,7% kế hoạch vốn. Trong 3 tháng qua dự án giải ngân được 0,9%.
Đường vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục đã chậm trễ nhiều năm, đến nay mới giải ngân được 28,9% kế hoạch vốn. Trong 3 tháng qua dự án này giải ngân được 5,2%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận