Từ một vùng chiến địa hoang tàn, Phường Cội nay đã trở thành khu dân cư sung túc - Ảnh: NHẬT QUANG
Những thành công ở Quảng Trị không bao quát được cả bức tranh ở Việt Nam, nhưng là ví dụ điển hình cho thấy nơi có nồng độ ô nhiễm bom mìn cao nhất đang làm tốt nhất công tác khắc phục hậu quả bom mìn".
Ông Nguyễn Đức Thiện (giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị)
Từ quốc lộ 9 men theo đường rẽ vào vùng Cùa nức tiếng của huyện Cam Lộ là Phường Cội. Khung cảnh bình yên hiện lên giữa nơi mà hơn 20 năm trước đây còn là vùng hoang tàn thời hậu chiến.
Từ một vùng đất chết
Thời chiến tranh, Quảng Trị nói chung, Cam Lộ nói riêng nằm trong vùng chiến sự khốc liệt. Nơi đây nằm trọn trong "tọa độ lửa" của hỏa lực Mỹ, với một phần diện tích biến thành những căn cứ quân sự quy mô, bố trí dày đặc với đủ các loại khí tài hiện đại. Các căn cứ này trấn giữ một phần rộng lớn đất đai của tỉnh Quảng Trị ven sông Bến Hải phía bờ Nam, bên bờ Bắc là Vĩnh Linh đất thép.
Phường Cội cuối những năm 1960 là trọng điểm với những đợt truy quét, oanh tạc ác liệt. Hơn hai thập niên sau ngày hòa bình, nơi đây vẫn là một trong những vùng ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất ở Quảng Trị.
Quá trình hồi sinh một vùng đất chết bắt đầu vào những năm 1998, khi SODI - một tổ chức phi chính phủ từ Cộng hòa Liên bang Đức - khảo sát và kết luận rằng điều kiện địa lý và đường sá của Phường Cội phù hợp cho dân cư sinh sống.
Việc đầu tiên cần làm là dọn sạch bom mìn, vật nổ còn sót lại, ngổn ngang trên mặt đất và dưới lòng sâu. Hơn 132ha diện tích đất được khoanh vùng khẳng định ô nhiễm bom chùm và các vật nổ khác.
Ông Đoàn Văn Được - phó chủ tịch HĐND xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, lúc bấy giờ là bí thư xã đoàn - không thể nào quên từng sọt bom bi được kỹ thuật viên thu gom trong những ngày thực hiện dự án. "Mỗi hôm chỉ xử lý được khoảng 20 mét vuông, trong khi diện tích khu vực dân cư quy hoạch ban đầu lên đến 50ha" - ông Được nhớ lại.
Ngày 19-2-1999, 53 hộ dân đầu tiên chuyển về thôn tái định cư Phường Cội. Lịch sử của vùng đất được lật sang một trang mới sau hơn 20 năm trở thành bình địa, trôi vào lãng quên.
Bà Đào Đoan chăm sóc vườn cây ăn trái mọc lên từ vùng đất khô cằn sỏi đá trước đây - Ảnh: KHOA THƯ
Cú hích đổi đời
Ông Trần Văn Ngụ, trưởng thôn Phường Cội, còn nhớ những ngày đầu tiên hai vợ chồng đem bốn đứa con nhỏ từ thôn cũ Phan Xá cách đó vài cây số về định cư ở Phường Cội. Từng nhát cuốc bổ xuống đất bật ngược trở lại, đá sỏi vỡ ra, khô cằn.
"Lúc mới lập, làng xóm xơ xác lắm. Sau 20 năm, Phường Cội đã vươn lên ngoạn mục. Cư dân ban đầu của Phường Cội chủ yếu là các gia đình trẻ, cuộc sống khó khăn và không còn sự lựa chọn nào khác nên đã đến đây an cư, lập nghiệp. Từ 53 hộ ban đầu, Phường Cội nay là nơi sinh sống của 90 gia đình" - ông Ngụ kể.
Phường Cội hồi sinh bắt đầu từ việc mỗi gia đình được cấp 2,5ha đất ở và sản xuất, gói tài trợ 7 triệu đồng để xây dựng nhà ở và 1,8 triệu đồng xây công trình vệ sinh cùng một khoản vốn vay lãi suất thấp để lập nghiệp.
Quá trình cải tạo đất hoang hóa bắt đầu với nỗ lực vượt bậc của những người dân đầu tiên ở Phường Cội. "Cuốc tay hết, đào giếng sâu hun hút nhưng cũng chỉ bằng tay, bằng sức người" - bà Đào Đoan, người dân làng Phường Cội, cho hay.
"Điều đáng ghi nhận là khoản tài trợ ban đầu của SODI và chính quyền địa phương vẫn là "cú hích", tạo động lực cho người dân chúng tôi vươn lên, nhẫn nại thay đổi đời mình bằng sức lao động để có ngày hôm nay. Từ năm 2010 trở đi, đời sống người dân ổn định dần, chưa giàu có nhưng đã sung túc, đàng hoàng" - bà Đoan chia sẻ.
Sau khi hoàn thành các dự án tái định cư và sinh kế cho vùng ô nhiễm bom mìn, tổ chức SODI nay đã rời Quảng Trị. "Duy nhất có lần một vài chuyên gia người Đức, trên đường công tác tại Quảng Bình, ghé về thăm lại địa bàn dự án trước đây. Họ không giấu được sự xúc động và ngạc nhiên khi thấy một vùng bình địa ngổn ngang bom đạn hồi ấy nay đã thành khu dân cư đông đúc, sum vầy" - ông Đoàn Văn Được chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Một phần tư thế kỷ khắc phục bom mìn
"Khắc phục hậu quả bom mìn và hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn" là một trong ba vấn đề ưu tiên chính trong lần thứ hai Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 4-2021.
Hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn ở Quảng Trị bắt đầu từ năm 1996 - một năm sau ngày bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ, với sự tham gia của tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam (Peace Trees Vietnam). Tháng 5-1998, tổ chức SODI của Đức bắt đầu triển khai chương trình rà phá bom mìn và tổ chức tái định cư tại huyện Cam Lộ - dấu mốc cho sự hồi sinh của thôn Phường Cội sau này.
Từ năm 1999, MAG - một trong những tổ chức hành động bom mìn lớn nhất trên thế giới - bắt đầu các hoạt động rà phá tại huyện Gio Linh. Bước qua thế kỷ 21, hàng loạt dự án mới về giáo dục phòng tránh bom mìn, viện trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển sau rà phá đổ về Quảng Trị, với sự tham gia của các tổ chức đến từ Mỹ, Na Uy, Đan Mạch.
Việc khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam hiện tại được chia thành ba mảng chính: rà phá bom mìn, giáo dục phòng tránh bom mìn và cứu trợ nạn nhân bom mìn. "Mỗi năm, các nhà tài trợ đóng góp vào Quảng Trị gần 10 triệu USD - một số tiền lớn và ổn định, xuất phát từ mô hình quản lý tốt được công nhận không chỉ trong nước mà còn từ cộng đồng quốc tế" - ông Nguyễn Đức Thiện, giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC), cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận