19/06/2021 05:50 GMT+7

Hơn 2 tuần giãn cách, số ca nhiễm vẫn tăng, TP.HCM cần 'liều thuốc' mạnh hơn?

THÙY DƯƠNG - XUÂN MAI
THÙY DƯƠNG - XUÂN MAI

TTO - Dù đã áp dụng giãn cách toàn TP.HCM theo chỉ thị 15 (Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc, Q.12 theo chỉ thị 16) hơn 2 tuần nhưng số ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM vẫn ngày càng tăng hơn.

Hơn 2 tuần giãn cách, số ca nhiễm vẫn tăng, TP.HCM cần liều thuốc mạnh hơn? - Ảnh 1.

Xét nghiệm cho công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) trong đêm 17-6 - Ảnh: NHẬT THỊNH

Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM cần phải có biện pháp chống dịch mạnh hơn trong những ngày tới mới chặn đứng được dịch lây lan.

Những ngày qua, mỗi ngày TP.HCM đều phát hiện cả trăm ca nhiễm mới, trong đó có những trường hợp nhiễm mới không rõ nguồn lây.

Cách chống dịch hiện nay chưa "đủ đô"

Chị T.V., 42 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh, cho biết kể từ ngày TP.HCM giãn cách, chị làm việc tại nhà. Sáng nào chị cũng tranh thủ ra chợ để mua đồ ăn cho gia đình nhưng khi vào chợ thì chị thấy nơi này rất dễ lây bệnh nếu có ca F0. 

Tại một quầy bán thịt ở chợ Vạn Kiếp, chị vẫn thấy 5 người đứng sát nhau đợi mua thịt. Mọi người đứng mua hàng với khoảng cách rất gần. Dù lúc nào chị cũng đeo tấm nhựa chống giọt bắn khi đi chợ nhưng chị rất lo ngại dịch bệnh có nhiều nguy cơ lây lan tại đây.

Cách đây vài hôm đi qua một con hẻm gần đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, chị còn thấy 7-8 thanh niên ngồi trong nhà hát cùng nhau. Với tình hình dịch lây lan nhanh như hiện nay, chị V. cho rằng TP.HCM cần có những biện pháp mạnh hơn để chống dịch, có thể xem xét giãn cách theo chỉ thị 16, đồng thời cần kiểm tra, giám sát và xử phạt những người không tuân thủ giãn cách theo quy định.

Còn anh T.L.T.T. (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, làm việc tại một công ty cơ khí ở Q.7) cho biết bắt đầu từ ngày 14-6, khi TP tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, công ty của anh chia thành hai ca làm việc để hạn chế tập trung đông người. Dù vậy, anh khá lo lắng khi số ca trong cộng đồng mỗi ngày một tăng với nhiều ca chưa rõ nguồn lây. 

"Cuối tuần, nơi tôi sống vẫn thấy nhà bên cạnh gặp mặt người thân, tụ họp nấu nướng, hát karaoke. Thật lo ngại nếu chẳng may có người bị nhiễm" - anh T. quan ngại.

Vì vậy, trong thời gian chờ được tiêm vắc xin, anh T. mong muốn TP.HCM áp dụng giải pháp mạnh hơn, thậm chí tính tới phương án phát phiếu đi chợ như ở Đà Nẵng đã làm thành công. Anh T. cho rằng chỉ thị 15 hiện nay chưa "đủ đô" nên TP.HCM có thể xem xét áp dụng chỉ thị 16 để sớm dập được dịch. 

"Dù biết 2 tuần giãn cách theo chỉ thị 16 thiệt hại nhiều về mặt kinh tế nhưng chỉ có điều này mới khống chế được dịch. Lúc này chúng ta cố gắng gầy dựng lại cũng không muộn" - anh T. chia sẻ.

Hơn 2 tuần giãn cách, số ca nhiễm vẫn tăng, TP.HCM cần liều thuốc mạnh hơn? - Ảnh 2.

Thực hiện giãn cách xã hội nhằm cô lập nguồn lây lan COVID-19 và lấy mẫu xét nghiệm để có biện pháp dập dịch - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phải xét nghiệm diện rộng nhiều và nhanh hơn

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện TP.HCM có nhiều ổ dịch khác nhau và có những chuỗi lây nhiễm khác nhau. Các ca bệnh đã "có mặt" tại 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Ông Phu cho rằng TP.HCM phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh như xét nghiệm trên diện rộng nhiều và nhanh hơn nữa, tuy nhiên phải xem xét theo nguy cơ, theo chỉ định chứ không phải xét nghiệm toàn dân một cách tràn lan.

Ngoài ra, cần phải truy vết nhanh hơn nữa vì với tốc độ lây lan của chủng virus này, nếu số ca nhiễm lớn sẽ điều tra dịch tễ không kịp và sẽ xuất hiện F0 ngày càng nhiều và có nhiều ổ dịch mới không kiểm soát được.

Theo ông Phu, hiện nay TP.HCM chưa cần thiết phải giãn cách toàn TP theo chỉ thị 16 mà trên cơ sở của xét nghiệm cũng như điều tra dịch tễ sẽ đánh giá được nguy cơ. Địa bàn nào nguy cơ cao thì có thể áp dụng phong tỏa hoặc giãn cách mạnh hơn, còn những địa bàn không có nguy cơ sẽ nới lỏng để thực hiện mục tiêu kép. 

Cần tránh hiện tượng phong tỏa hoặc giãn cách theo chỉ thị 16 mà không nghiêm, vẫn còn tụ tập đông người hoặc vẫn còn có dịch vụ nguy cơ lây lan đã cấm vẫn hoạt động. Theo ông Phu, giãn cách hẹp mà chặt, kiểm soát được nguy cơ còn hơn rộng mà bên trong không nghiêm, không kiểm soát được.

Ông Phu cũng lưu ý dịch COVID-19 khi đã lây lan trong các khu công nghiệp sẽ có nguy cơ bùng phát, khi đó sẽ khó xử lý, khó kiểm soát. TP.HCM cũng nên có sự phối hợp phòng chống dịch bệnh với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương vì vẫn có người dân của TP.HCM làm ở các khu công nghiệp tại các tỉnh và người dân của các tỉnh làm ở các khu công nghiệp tại TP.HCM.

Trong khi đó, đề cập kế hoạch phòng chống dịch thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng việc hạn chế tiếp xúc là vũ khí rất quan trọng. Đây là lý do vì sao TP phải áp dụng biện pháp giãn cách nhằm hạn chế các tiếp xúc xã hội không cần thiết.

Hơn 2 tuần giãn cách, số ca nhiễm vẫn tăng, TP.HCM cần liều thuốc mạnh hơn? - Ảnh 3.

Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) trong đêm 17-6 - Ảnh: NHẬT THỊNH

Phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin

Một chuyên gia y tế cho rằng dù đã có ưu tiên nhưng nhìn lại tỉ lệ được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại TP.HCM vẫn quá khiêm tốn. Báo cáo của Sở Y tế ngày 17-6 cho thấy hiện nay số lượng người được tiêm 1 mũi qua 3 đợt là 43.926 người; người tiêm đủ 2 mũi là 50.718 người. Trong khi tổng số lượng người cần ưu tiên tiêm vắc xin theo nghị quyết 21 của Chính phủ là hơn 2,38 triệu người.

TP.HCM đã xin cơ chế chủ động tìm nguồn vắc xin và được Chính phủ đồng ý là điều đáng mừng, nhưng để đạt được tỉ lệ 70% dân số tại TP.HCM được tiêm thì còn rất nhiều điều phải làm và cần thời gian. Do đó đòi hỏi TP.HCM phải đẩy được tốc độ tiêm vắc xin nhanh hơn và rộng hơn nữa.

Đề xuất xét nghiệm diện rộng 3 chợ đầu mối ở TP.HCM

Sở Công thương TP.HCM đã đề xuất UBND TP xem xét ưu tiên tiêm vắc xin cho thương nhân, người lao động và ưu tiên xét nghiệm tầm soát diện rộng COVID-19 đối với toàn bộ thương nhân, người lao động, nhân viên quản lý tại các chợ đầu mối trên địa bàn và người dân sinh sống xung quanh chợ.

Đồng thời, đề xuất UBND chỉ đạo TP Thủ Đức, Q.8 và H.Hóc Môn tiếp tục duy trì các chốt, trạm kiểm dịch phòng chống dịch COVID-19 tại các chợ đầu mối, bố trí lực lượng kiểm soát tại các chốt, trạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch xung quanh chợ đầu mối. Hiện đã có 3 ca nhiễm COVID-19 liên quan chợ đầu mối Hóc Môn.

Theo Sở Công thương, hiện các chợ đầu mối thu hút hàng chục nghìn lượt khách. Mỗi đêm, riêng chợ đầu mối Hóc Môn là hơn 12.000 lượt. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện các chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức thừa nhận do lượng người tại chợ quá đông nên việc giãn cách, kiểm tra tầm soát dịch COVID-19 nhiều thời điểm gặp khó. Do đó, cần có sự hỗ trợ thêm từ cơ quan chuyên môn.

Cùng ngày, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện hướng dẫn các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm thiết yếu bố trí lực lượng nhân viên dự phòng để ứng phó, bổ sung ngay lực lượng lao động trong trường hợp có ca nhiễm COVID-19. Trước đó, một số điểm siêu thị, cửa hàng tại TP.HCM đã xuất hiện ca nhiễm COVID-19 hoặc liên quan đến ca nhiễm.

NGUYỄN TRÍ

Liệu có tận dụng được 2 tuần giãn cách lần thứ hai để dập dịch?

nt_khuphongtoa_3 5(read-only)

Người dân xếp hàng nhận lương thực tại hẻm 411 Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH

Giãn cách xã hội toàn TP.HCM lần thứ 2 đã đi được gần một tuần. Tuy nhiên, dịch đang có chiều hướng bùng phát trên diện rộng ở nhiều nơi, len lỏi vào các bệnh viện, công ty có đông công nhân làm việc.

Trong rất nhiều giải pháp được đưa ra để khống chế dịch bùng phát tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định việc nghiêm túc thực hiện giãn cách của cộng đồng mang yếu tố then chốt. Theo ông Sơn, hai tuần giãn cách là cơ hội khống chế dịch nhưng cũng là thách thức nếu TP.HCM không tận dụng được.

“Nếu cứ để người tiếp xúc người không có khoảng cách, vẫn tụ tập đám đông, các phương tiện công cộng vẫn lưu thông vận chuyển một cách bừa bãi, chắc chắn đó không phải là cơ hội nữa, mà là nguy cơ ngày càng cao” - ông nói.

Theo ông Sơn, việc khống chế dịch chỉ thực hiện được khi và chỉ khi TP.HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp giãn cách xã hội nghiêm túc, cạnh các chiến thuật về khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm phù hợp; cần phải điều chỉnh tận dụng mọi nguồn lực và hình thức xét nghiệm, bao gồm Real-time PCR và cả test nhanh; mẫu đơn và cả mẫu gộp nhằm đảm bảo thời gian phát hiện ca dương tính một cách nhanh nhất.

Đặc biệt, cần phải phản ứng nhanh hơn nữa khi phát hiện các vết dịch để tổ chức khoanh vùng, xét nghiệm cho các đối tượng trong các vùng gần với tâm dịch và mở rộng ra khu dân cư xung quanh.

Một chuyên gia dịch tễ đánh giá sự nỗ lực của ngành y tế TP.HCM trong việc đưa ra các giải pháp, tuy vậy hiệu quả chưa như mong muốn. Số ca, số chuỗi lây nhiễm tăng mấy ngày qua là minh chứng cho điều này.

Vị này cho rằng giãn cách, tiêm vắc xin và mở rộng xét nghiệm để “đi tắt đón đầu” cắt đứt nguồn là nhiệm vụ khẩn trương với TP.HCM hiện tại. Việc xét nghiệm cần phải được mở rộng ra nhiều đối tượng, nhiều khu vực; đa dạng hình thức (test nhanh, Real-time PCR); đẩy nhanh tốc độ và tăng mức độ xét nghiệm lên nhiều lần.

“Ngoài các khu vực có nguy cơ cao, nơi phong tỏa, cách ly... cần cố gắng điều chỉnh nguồn lực áp dụng xét nghiệm xoay vòng để “bắt” các F0 đang “lang thang” trong cộng đồng” - vị này đề xuất.

Trả lời câu hỏi liệu TP.HCM có tận dụng được 2 tuần giãn cách lần hai để dập dịch, vị này cho rằng phụ thuộc nhiều yếu tố. Bên cạnh sự nỗ lực, linh hoạt thay đổi chiến thuật phù hợp kịp thời của ngành y tế, đòi hỏi cộng đồng phải có ý thức cao độ trong việc giãn cách.

“Nếu mỗi người, mỗi gia đình tuân thủ nghiêm giãn cách sẽ làm chậm lại tiến trình phát triển của virus, sẽ là cơ hội để ngành y tế đuổi kịp và dập dịch. Và nếu tình hình vẫn khó kiểm soát như hiện nay, không loại trừ việc TP.HCM phải tính đến phương án quyết liệt hơn nữa” - vị này nói.

HƯƠNG THẢO

TP.HCM chống dịch như thế nào khi đã có hơn 1.000 ca mắc COVID-19? TP.HCM chống dịch như thế nào khi đã có hơn 1.000 ca mắc COVID-19?

TTO - Tính đến trưa 16-6, TP.HCM ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngưỡng ca bệnh đòi hỏi TP.HCM phải chuyển đổi sang kịch bản chống dịch COVID-19 khác. Kịch bản đó như thế nào?

THÙY DƯƠNG - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên