Diễn đàn diễn ra tại TP.HCM, do Trung ương Đoàn phối hợp cùng Ban Tổ chức Trung ương và Thành ủy TP.HCM tổ chức.
Kết quả chưa tương xứng
Bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết dẫn ra con số 12.093 sinh viên được kết nạp Đảng trong ba năm 2020 - 2022, cùng các phân tích về tỉ lệ đảng viên nữ, người dân tộc thiểu số, người có tôn giáo, cán bộ Đoàn, đảng viên trẻ có thành tích học tập tiêu biểu.
Đánh giá chung, việc phát triển Đảng trong học sinh sinh viên những năm gần đây được quan tâm, chú trọng nhưng chưa tương xứng với quy mô, dư địa trong nhóm này.
"Từ 2010 - 2021, tỉ lệ giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp trong khối trường học dao động từ 16,79% - 21,22%, rất thấp so với tỉ lệ từ 40,03% - 54,78% của địa bàn dân cư", anh Triết nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng Đào Trọng Đức nói có nhiều lý do, hạn chế khiến việc phát triển Đảng dù đạt kết quả tích cực nhưng không tương xứng. Trong đó, việc một bộ phận sinh viên chỉ tập trung học, ít tham gia phong trào Đoàn - Hội, hay một số cấp ủy chưa chủ động xây dựng kế hoạch phát triển Đảng, quy trình lựa chọn đoàn viên ưu tú vào danh sách cảm tình Đảng còn bị động, lúng túng.
Ông Nguyễn Trọng Hùng - phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - chỉ ra việc thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng đối với những trường hợp có quê quán, gia đình ở xa gặp nhiều trở ngại. Do địa phương không đủ thông tin để xác nhận, nhất là với sinh viên từ nơi khác đến, trong khi đây là nguồn quần chúng dồi dào để phát triển.
"Tình trạng suy thoái về phẩm chất, đạo đức lối sống, "tự diễn biến, tự chuyển hóa" của một bộ phận cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp bị xử lý kỷ luật đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác xây dựng Đảng", ông Hùng nêu.
Tạo nguồn, tạo môi trường phấn đấu
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết phát triển Đảng nói chung, phát triển Đảng trong sinh viên nói riêng là nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng. Qua đó, xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ có trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức, góp phần tạo nguồn cán bộ kế cận cho hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Ông Hải nói đây là một việc khó, phải có sự kiên trì và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị mới làm tốt.
Tại diễn đàn, phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên Dương Hồng Vinh nói cần đổi mới nội dung và chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lý luận chính trị cho đảng viên mới. Theo đó, nội dung cần thiết thực, chất lượng, hiệu quả, tập trung những vấn đề cơ bản, nhiệm vụ và quyền của đảng viên.
Bí thư Ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM Phùng Thị Diệu Hương cho rằng phát triển đảng viên trẻ cần hài hòa về số lượng và chất lượng. Trong đó coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng và không vì chỉ tiêu mà hạ chuẩn.
Nhưng cần rà soát thủ tục, hồ sơ kết nạp Đảng theo hướng tinh gọn để giảm bớt thời gian cho công tác làm hồ sơ. Đặc biệt cần nghiên cứu để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông thông tin giữa các đơn vị liên quan trong việc thẩm tra lý lịch, lấy ý kiến phản hồi.
Ông Phạm Anh Dũng - phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai - đề xuất xây dựng bộ chỉ tiêu về việc phát triển Đảng trong học sinh sinh viên, có kiểm tra và đôn đốc thực hiện, cụ thể hóa thành nghị quyết của chi bộ.
"Cần kiên quyết đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng cũng là cách nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên", ông Dũng chỉ ra.
Một số ý kiến chia sẻ về giải pháp tạo nguồn đầu vào từ học sinh, là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục bồi dưỡng trở thành đảng viên. Sinh viên Nguyễn Ngọc Giàu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nói tổ chức Đoàn - Hội cần có nhiều hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên.
Cần lựa chọn các giải pháp mới gắn liền với đặc thù sinh viên thế hệ mới để bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, giúp sinh viên phấn đấu vào Đảng.
Ông Nguyễn Xuân Liết - vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương) - cho hay việc tuyên truyền, giáo dục mục tiêu, xây dựng lý tưởng cách mạng cần được thực hiện sâu rộng trong đội ngũ thiếu niên, thanh niên.
Ông nói vai trò lãnh đạo của cấp ủy cần sâu sát hơn trong công tác phát triển Đảng, phải xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu rất cụ thể. Theo ông, có thể xem xét hạ độ tuổi, tiêu chuẩn, đơn giản hóa một số thủ tục... kết nạp đảng viên mới trong thời gian tới.
* Sinh viên NGUYỄN THỊ TÂM PHƯƠNG (Học viện Tài chính, Hà Nội):
Giúp sinh viên hiểu, nắm rõ mục tiêu phấn đấu
Sự định hướng của Đảng ủy, vai trò đồng hành của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên là vô cùng quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng của mỗi sinh viên. Lãnh đạo các trường phải có sự định hướng cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất, giúp sinh viên hiểu và nắm rõ mục tiêu phấn đấu của bản thân.
Đặc biệt, tổ chức Đoàn - Hội các cấp cần tạo ra nhiều hơn nữa các hoạt động và môi trường rèn luyện, các chương trình đồng hành trong học tập, nghiên cứu khoa học giúp các bạn sinh viên sớm được tiếp cận với các tiêu chuẩn và đẩy nhanh quá trình rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên của sinh viên, đặc biệt đối với các bạn đoàn viên ưu tú.
* Bà NGUYỄN THỊ YẾN NAM (phó bí thư Đảng ủy Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Mô hình "1+2" và hơn thế nữa
Phát triển Đảng trong sinh viên cần được cụ thể hóa, gắn với chuyên môn, ngành học. Trường chúng tôi đang áp dụng mô hình "1+2" để có thể nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng trong sinh viên.
Với mô hình này, Đoàn trường xác định rõ nhiệm vụ mỗi đảng viên hướng dẫn một đoàn viên ưu tú trở thành đảng viên, đồng thời hướng dẫn một đoàn viên khác trở thành đoàn viên ưu tú.
Định kỳ 3 tháng/lần, chi ủy sẽ kiểm tra tiến độ, nhắc nhở. Đảng viên được phân công theo dõi quá trình rèn luyện, phấn đấu của đoàn viên và đối tượng Đảng, xác định mục tiêu từng giai đoạn và thường xuyên báo cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận