Học sinh lớp 9 Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, TP.HCM) trong giờ học. Từ năm học tới, các em sẽ học lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - cho biết Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng ở cấp THPT.
Ngoài 7 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh (toán, ngữ văn, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp), học sinh được chọn 5 trong số 10 môn học lựa chọn được thiết kế theo 3 nhóm tương ứng với 3 định hướng nghề nghiệp là khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (các môn vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ - nghệ thuật (công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật).
Học sinh sau THCS căn cứ vào năng lực, sở trường, hứng thú của bản thân sẽ lựa chọn một trong 3 định hướng trên khi học lên THPT để chuẩn bị cho hướng đi sau này.
* Có tới hàng chục, thậm chí là hơn trăm tổ hợp môn học mà học sinh có thể có nhu cầu học. Các nhà trường sẽ phải làm gì để đáp ứng được điều này?
- Khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đã nhận thấy bất cập trong quá trình thực hiện việc lựa chọn 5 môn học trong 3 nhóm môn học sẽ xuất hiện nhiều tổ hợp môn học mà điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường rất khó có thể đáp ứng được tất cả nguyện vọng của học sinh.
Nên trong thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT đã quy định các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Từ năm 2020, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản pháp lý, đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên.
Theo đó, đã có nhiều ví dụ cụ thể về việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong đó các trường tham gia tập huấn căn cứ vào điều kiện thực tiễn của trường xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn theo 3 định hướng của chương trình, phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Trên cơ sở 3 tổ hợp chính, mỗi tổ hợp ngoài các môn thuộc 3 nhóm theo định hướng trong chương trình thì các môn còn lại được lựa chọn từ 2 nhóm còn lại cần bảo đảm sự phù hợp để bảo đảm thuận lợi cho học sinh học tập.
Như vậy, với mỗi định hướng có thể có 1-2 tổ hợp có cùng các môn thuộc nhóm chính và khác các môn thuộc 2 nhóm còn lại. Số tổ hợp và số lớp/mỗi tổ hợp do nhà trường quyết định nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.
Với cách này, các trường cần xây dựng từ 3 đến 6 tổ hợp để chuẩn bị cho năm học tới để học tập, bên cạnh đó nhà trường cũng tư vấn định hướng cho học sinh lựa chọn một trong các tổ hợp trên.
Có thể các trường đang cảm thấy việc xếp thời khóa biểu có chút khó khăn nhưng với mỗi môn học chỉ có 3 chuyên đề, mỗi chuyên đề 10 - 15 tiết. Căn cứ thông tư 22 về đánh giá học sinh trung học, các trường có thể tổ chức dạy học theo từng chuyên đề một cách linh hoạt, phù hợp với chương trình môn học, đồng thời cần lưu ý thực hiện các phương pháp và hình thức dạy học tích cực nhằm tăng cường năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình".
* Trường hợp học sinh chọn lệch quá, dẫn tới có nhóm môn học quá ít người chọn và có nhóm thì số học sinh vượt quá dự kiến, thì các trường phải xử lý như thế nào?
- Như tôi đã nói trên, các trường cần xây dựng phương án trước, trong đó công bố có bao nhiêu lớp 10, có bao nhiêu tổ hợp, mỗi tổ hợp có mấy lớp, tiêu chí đăng ký lựa chọn vào các lớp, theo nguyện vọng 1, 2...
Ngoài việc cho học sinh đăng ký theo nguyện vọng, cần vai trò tư vấn, định hướng của các nhà trường, cha mẹ học sinh để học sinh hiểu rõ ý nghĩa của việc chọn cả tổ hợp chứ không phải từng môn theo sở thích mà đôi khi lại chỉ là ý thích cảm tính.
* Ngoài chọn môn, học sinh phải chọn các cụm chuyên đề, đây là việc nhiều nhà trường đang thấy vướng mắc. Ông có thể chia sẻ thêm về việc này?
- Các chuyên đề tự chọn trong chương trình các môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Mỗi học sinh lựa chọn 3 cụm chuyên đề thuộc 3 môn học với tổng thời lượng 105 tiết/năm học. Căn cứ vào số tổ hợp và số lớp/tổ hợp, các trường xây dựng các lớp học chuyên đề theo các môn và tổ chức cho học sinh đăng ký học tập.
Như vậy, các lớp học chuyên đề được tổ chức theo môn học, số lớp chuyên đề/môn học căn cứ vào số tổ hợp đã xây dựng và theo đó cũng phù hợp với đội ngũ giáo viên môn học của nhà trường có thể đáp ứng.
* Học sinh có được lựa chọn lại tổ hợp môn học sau mỗi năm học không? Nếu có thì cần các điều kiện gì?
- Việc thay đổi lựa chọn cũng tương tự như việc học sinh xin chuyển trường đến trường mới không có tổ hợp môn đã học ở trường cũ, là một thực tế.
Tuy nhiên, nếu học hết lớp 10 mà học sinh muốn đổi hẳn sang định hướng khác (chẳng hạn từ định hướng khoa học xã hội sang khoa học tự nhiên) là vô cùng khó khăn vì khi đó học sinh phải học lại hầu hết các môn học lựa chọn ở lớp 10 mà trong khoảng thời gian hè khó có thể hoàn thành.
Vì thế, tốt nhất là ngay từ đầu học sinh phải cân nhắc kỹ với sự tư vấn, hướng dẫn của nhà trường, các bậc phụ huynh.
Còn việc học sinh có nguyện vọng chuyển giữa hai tổ hợp trong cùng một hướng, nghĩa là chỉ chuyển 1 môn học, thì về nguyên tắc có thể thực hiện với điều kiện học sinh phải hoàn thành chương trình môn học ở lớp 10 trong hè (trên nguyên tắc tự nguyện và được thực hiện tương tự như trường hợp học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại môn học chưa đạt yêu cầu trong hè) trước khi được học tiếp môn đó ở lớp 11.
Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thông tư 22 hoặc bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận