Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM thăm khám và kê đơn thuốc cho một bệnh nhân bị trầm cảm - Ảnh: XUÂN MAI
Tất cả các trường hợp này sau khi được tiếp cận và can thiệp điều trị kịp thời theo quy trình "cấp cứu trầm cảm" đều đã ổn định, có thể xuất viện và điều trị ngoại trú.
Sáng 5-8, Sở Y tế TP.HCM cho biết, tuy chỉ mới khởi động với 3 trường hợp rối loạn tâm thần đã được cấp cứu thành công, "cấp cứu trầm cảm" đã cho thấy đây là một hoạt động mới mang tính sáng tạo xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống của người dân thành phố khi vừa trải qua đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử.
Hoạt động này cũng thể hiện tinh thần học hỏi, cầu tiến khi đang trên lộ trình chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng "Paramedic" của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM.
Chỉ sau hơn 1 tuần chính thức triển khai, kết quả bước đầu đã cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân thành phố.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Cấp cứu 115, các kíp trực cấp cứu của trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện cấp cứu trầm cảm cho 3 trường hợp.
Đáng lưu ý nhất là trường hợp bệnh nhân tại quận Tân Phú. Trước 3 ngày khi gọi Trung tâm Cấp cứu 115, bệnh nhân bắt đầu có các biểu hiện kích động và nói với người nhà rằng mình bị ám hại.
Cách đó 1 ngày, bệnh nhân kích động nhiều hơn kèm mất ngủ, tấn công người xung quanh, người thân trong gia đình đã gọi cấp cứu 115. Khi nhóm cấp cứu đến, bệnh nhân kích động, la hét, kíp cấp cứu liên hệ tổng đài nhờ kết nối với chuyên gia tâm thần.
Ngay lập tức, tổng đài kết nối với bác sĩ trưởng tua trực tại Bệnh viện Tâm thần. Chuyên gia tâm thần đã hướng dẫn kíp cấp cứu cách tiếp cận người bệnh và tiêm thuốc an thần để giảm kích động và chuyển người bệnh đến Bệnh viện Tâm thần, nhờ đó bệnh nhân được can thiệp điều trị chuyên khoa kịp thời.
Bên cạnh đường dây cấp cứu "115" quen thuộc, Bệnh viện Tâm thần còn triển khai thêm đường dây nóng "19001267". Với số điện thoại này sẽ giúp kết nối nhanh chóng với các chuyên gia tâm thần của bệnh viện.
Qua 1 tuần triển khai, "cấp cứu trầm cảm" đã tiếp nhận 4 cuộc gọi cấp cứu từ người dân, trong đó có 3 trường hợp người bệnh kích động, la hét, nói nhảm, đập phá đồ đạc, và 1 trường hợp có biểu hiện muốn tự sát.
Tất cả các trường hợp này sau khi được tiếp cận và can thiệp điều trị kịp thời theo quy trình "cấp cứu trầm cảm", tất cả đều đã ổn định, có thể xuất viện và điều trị ngoại trú.
Sở Y tế cho biết thêm, trong thời gian tới, nhằm tiếp tục phát huy kết quả ban đầu mà mô hình cấp cứu trầm cảm đã đạt được, Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp tục kết nối, chia sẻ và học tập kinh nghiệm với các chuyên gia Paramedic của Sydney (Úc) - nơi có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động cấp cứu tâm thần. Đồng thời tiến hành tập huấn chuyên đề cấp cứu rối loạn tâm thần cho mạng lưới 39 trạm cấp cứu vệ tinh ngoài bệnh viện.
Theo Sở Y tế, "cấp cứu trầm cảm" bước đầu đã ghi nhận kết quả, mang lại hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe tinh thần sau đại dịch COVID-19.
Với những kết quả trên, Sở Y tế ghi nhận và biểu dương tập thể các y bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần đã nỗ lực triển khai, nhất là sự phối hợp đúng theo quy trình cấp cứu tâm thần. Sở Y tế tin rằng quy trình "cấp cứu trầm cảm" sẽ tiếp tục được nhân rộng và tiếp tục triển khai có hiệu quả trong thời gian tiếp theo.
Triển khai thực hiện kế hoạch và chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Y tế TP đã triển khai chuỗi hoạt động nhằm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân thành phố, khởi đầu với thí điểm triển khai mô hình "cấp cứu trầm cảm". Mô hình được triển khai thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bệnh viện Tâm thần TP.HCM và Trung tâm Cấp cứu 115.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận